Nhân sự trẻ Việt Nam, Hàn Quốc 'rủ nhau' rời thị trường lao động

Số lượng người trẻ trong độ tuổi lao động ở các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam không tìm kiếm việc làm ngày càng gia tăng, dẫn đến tình trạng đáng báo động.

 Nhân sự tại nhiều quốc gia châu Á rời khỏi thị trường lao động. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhân sự tại nhiều quốc gia châu Á rời khỏi thị trường lao động. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Kim (27 tuổi, Hàn Quốc) tốt nghiệp đại học vào năm 2023, nỗ lực ứng tuyển vào các tập đoàn lớn, song liên tục bị từ chối. Nhận thấy những lời từ chối ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, cô quyết định tạm dừng quá trình xin việc và tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Kim là một trong số nhiều người trẻ Hàn Quốc không tham gia vào lực lượng lao động, dù không có lý do chính đáng như nuôi con hay theo đuổi con đường học vấn, theo The Korea Times.

Tuy nhiên, không chỉ tại Hàn Quốc, tình trạng này còn diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Tình trạng đáng báo động tại Hàn Quốc

Trong một báo cáo được công bố vào 2/12, Ngân hàng Hàn Quốc lưu ý rằng số lượng người trong độ tuổi lao động không tìm việc ở quốc gia này ngày càng gia tăng, trở thành tình trạng đáng báo động.

 Số lượng người lao động Hàn Quốc nghỉ việc, không ứng tuyển vào vị trí mới gia tăng. Ảnh: Cục Thống kê Hàn Quốc.

Số lượng người lao động Hàn Quốc nghỉ việc, không ứng tuyển vào vị trí mới gia tăng. Ảnh: Cục Thống kê Hàn Quốc.

Trong khi nhóm dân số từ 35-59 tuổi và trên 60 tuổi ít thay đổi công việc, thế hệ trẻ lại thúc đẩy xu hướng rời khỏi thị trường lao động.

Dữ liệu từ Cục Thống kê cho thấy số người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25-34 nghỉ làm, không tìm kiếm công việc mới tăng đều đặn, đạt mức 422.000 tính đến quý III năm 2024. Con số này tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhân sự trẻ có trình độ học vấn cao hơn thế hệ trước, có nhiều lựa chọn công việc hơn, từ đó gia tăng tiêu chuẩn về việc làm.

Sự chênh lệch về số lượng việc làm chất lượng cao và kỳ vọng lớn của nhân sự khiến nhiều người trẻ quyết định rút khỏi thị trường lao động.

Các tác giả của báo cáo cũng cảnh báo rằng tình trạng không lao động kéo dài ở thanh niên có thể dẫn đến quyết định rút lui vĩnh viễn khỏi thị trường việc làm, dẫn đến tình trạng NEET (viết tắt của “Not in Education, Employment or Training”, tạm dịch: “Không học hành, làm việc hoặc được đào tạo”)

Không chỉ ở Hàn Quốc

Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở Hàn Quốc, mà còn xảy đến với Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế những năm 1990 và 2000, điều kiện làm việc của người trẻ ở Nhật Bản trở nên đặc biệt thấp. Số lượng nhân sự trẻ trong tình trạng NEET gia tăng nhanh chóng, thúc đẩy Nhật thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động.

Tại Trung Quốc, nhân sự trẻ cũng thể hiện sự phản đối với văn hóa 996 khốc liệt, làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày/tuần, ăn mừng khi nghỉ việc và không có ý định ứng tuyển vào vị trí mới.

Giữa bối cảnh thị trường việc làm ảm đạm, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc chọn ở nhà với cha mẹ và chờ đợi một công việc tốt hơn, theo Keyu Jin, phó giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London.

Một số thậm chí còn nhận mình là “người về hưu”, rời xa phố thị để tìm kiếm sự an yên nơi thôn quê. Xu hướng về hưu sớm này đang phổ biến ở những người lao động sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2000, theo CNBC.

 Một nhóm người lao động trẻ ở Việt Nam chưa được khai thác hết tiềm năng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Một nhóm người lao động trẻ ở Việt Nam chưa được khai thác hết tiềm năng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Ở Việt Nam, theo Báo cáo Tổng quan & Nhận định thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 của thương hiệu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search (thuộc Navigos Group), tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp đặt ra những thách thức đặc biệt trong việc cân bằng thị trường lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên 15-24 tuổi trong 6 tháng đầu năm tăng 8%. 49% người lao động 15-34 tuổi không sử dụng hết tiềm năng của thị trường lao động, bao gồm người thất nghiệp, thiếu việc và nhóm lực lượng lao động ở trạng thái sẵn sàng đi làm nhưng không tìm việc.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhan-su-tre-viet-nam-han-quoc-ru-nhau-roi-thi-truong-lao-dong-post1515401.html
Zalo