'Cần phát triển các sản phẩm OCOP theo chiều sâu'

Đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hồ Đăng Khoa trong cuộc trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần liên quan đến các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

 Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn

Thời gian qua, sản phẩm OCOP dường như là chỉ dấu, định vị cho thương hiệu của một địa phương. Vậy, giá trị của sản phẩm OCOP mang lại ra sao, thưa ông?

Chương trình OCOP đã giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản xuất theo quy trình có kiểm soát chất lượng, minh bạch và chịu trách nhiệm. Sản phẩm OCOP đã góp phần khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, có tính cộng đồng cao như sản phẩm truyền thống, làng nghề, đồng thời tạo ra được nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Có thể thấy, hầu hết các sản phẩm OCOP của Thừa Thiên Huế đều là những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng giải quyết việc làm nông thôn, phát triển kinh tế các địa phương, nâng cao mức sống cho nông dân. Việc thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh phân phối rộng rãi trên thị trường tạo động lực kích thích các chủ thể tích cực đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm và mang lại ý nghĩa thiết thực.

Hiện nay, Chương trình OCOP đóng góp tích cực và trở thành một trong các nội dung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Ở một khía cạnh liên quan khác, OCOP đã góp một tỷ lệ lớn các chủ thể, sản phẩm cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các sản phẩm công nghiệp nông thôn được lồng ghép triển khai, thúc đẩy, hỗ trợ nhau phát triển...

Dù không dễ để được “gắn sao”, song lối đi của sản phẩm OCOP vẫn còn lắm gập ghềnh?

Người tiêu dùng đang có quá nhiều sự lựa chọn ngoài sản phẩm OCOP. Do đó, không chỉ riêng sản phẩm OCOP mà bất cứ sản phẩm của chương trình nào, thị trường vẫn là khâu then chốt quyết định sự tồn tại của sản phẩm, cơ sở sản xuất.

 Nghệ nhân dệt Zèng A Lưới trình diễn tại một lễ hội. Ảnh: P. Thành

Nghệ nhân dệt Zèng A Lưới trình diễn tại một lễ hội. Ảnh: P. Thành

Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao, cộng đồng làng xã nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và không thể cạnh tranh sản phẩm công nghiệp sản xuất quy mô hàng hóa. Doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ; nhiều chủ thể năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; tiêu thụ sản phẩm còn chậm và gặp nhiều khó khăn, rất ít sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, đó là nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP ít xuất hiện trên các kệ của hệ thống bán lẻ, siêu thị…

Đa phần các chủ thể kinh tế hiện nay tự quảng cáo, tự bán sản phẩm tại cửa hàng của mình, hay tự đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Trong khi để mua sản phẩm OCOP tại cửa hàng đối với người tiêu dùng đã khó, việc mua sản phẩm trên các sàn thương mại còn khó hơn vì khách hàng sẽ có chút e dè, không biết có mua được hàng thật hay không, chất lượng liệu có như mong đợi?

Mặt khác, các hoạt động kết nối cung cầu đã thay đổi hình thức tổ chức từ trực tiếp sang trực tuyến, các chủ thể OCOP chủ yếu là hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên họ gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hiện đại, qua sàn thương mại điện tử...

Khó đầu ra đã đành, chuyện giữ sao và nâng hạng sản phẩm cũng nan giải phải không, thưa ông?

Theo quy định, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao có thời gian là 36 tháng. Hết thời hạn có hiệu lực, cơ quan quản lý Chương trình OCOP các cấp thông báo, hướng dẫn các chủ thể đăng ký, đánh giá, phân hạng lại sản phẩm theo kế hoạch và chu trình.

 Các sản phẩm từ dệt zèng ngoài lưu giữ nét văn hóa còn là sản phẩm OCOP của huyện A Lưới

Các sản phẩm từ dệt zèng ngoài lưu giữ nét văn hóa còn là sản phẩm OCOP của huyện A Lưới

Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi, tiêu chí đánh giá khắt khe hơn. Đồng thời, bổ sung một số tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến nhiều sản phẩm đã lập hồ sơ để thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả…

Mặt khác, theo quy định mức chi thưởng cho các sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao, mỗi sản phẩm OCOP chỉ được nhận thưởng 1 lần ở cùng mức độ sao công nhận. Trường hợp nâng sao chỉ được hưởng thêm mức chênh lệch giữa 2 mức độ sao. Tức là nếu nâng từ 3 sao lên 4 sao, sản phẩm được hưởng mức chênh là 2 triệu đồng, từ 4 sao lên 5 sao được hưởng 5 triệu đồng đã khiến cho các chủ thể gặp rất nhiều khó khăn, vì kinh phí thẩm định lại một số giấy tờ liên quan cũng tương đương với cấp mới.

Đối với những sản phẩm nâng sao, theo quy định mới cần có chứng nhận về sở hữu nhãn hàng, nên thủ tục, hồ sơ cần phải chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp để bổ sung chờ thẩm định.

Vì vậy, để nâng hạng cho sản phẩm OCOP, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt, mạnh dạn đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất của các chủ thể, cần sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương, phải sát sao với các chủ thể, hướng dẫn họ về thủ tục, hồ sơ, duy trì và nâng hạng sản phẩm.

Nhiều chủ thể hiện nay ở Thừa Thiên Huế dường như vẫn chưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất, ông có nghĩ vậy không và giải pháp gì để đưa sản phẩm OCOP lên tầm cao mới?

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong các sản phẩm OCOP còn thấp, chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình, công nghệ chế biến còn đơn giản. Phần lớn sản phẩm, thông tin trong mã vạch, QR code nghèo nàn, đa phần phải mua gom nguyên liệu nên chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc - đây là một rào cản khi muốn xuất khẩu sản phẩm. Sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh có 76 sản phẩm OCOP; trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 54 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng.

Có thể khẳng định, các sản phẩm OCOP đã giúp chuyển biến mạnh tư duy của người nông dân từ sản xuất thuần túy sang tư duy về kinh tế sản xuất. Sản phẩm OCOP của các chủ thể được cải thiện về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống nhận diện, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trong thời gian tới, để khắc phục các hạn chế, nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm OCOP, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, tiếp cận khoa học, công nghệ…

Thiết nghĩ, đã đến lúc chú trọng nhiều hơn đến sản xuất thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chỉ tiêu về số lượng chủ thể, sản phẩm là các định hướng để lập kế hoạch theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhất thiết đừng xem đây là một trong số các nội dung thi đua, chắc chắn sẽ sinh ra bệnh thành tích gây nhiều hệ lụy. Điều này càng dễ xảy ra khi hiện nay đã giao cấp huyện đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Vì thế, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát nhằm bảo đảm sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đúng với các tiêu chí của từng hạng sao; sự đồng đều tương đối của sản phẩm cùng hạng giữa các địa phương, nhất là hạng 3 sao; kịp thời phát hiện, thu hồi công nhận với sản phẩm không đạt hạng sao đã cấp.

Chủ thể phải lượng sức đến đâu, làm đến đó. Đối với các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và dược liệu cần phát triển theo chiều sâu, trong đó tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định các tiêu chí sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Khi đã sản xuất, kinh doanh, chủ thể OCOP cần chủ động liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sản xuất; bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ nguyên liệu đến sản phẩm OCOP…

Xin cảm ơn ông!

Lê Thọ (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/can-phat-trien-cac-san-pham-ocop-theo-chieu-sau-144991.html
Zalo