Cần nhiều hơn nữa tiếng nói phản bác thông tin xấu, độc
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội như hiện nay, rất cần có nhiều con người thẳng thắn, dũng cảm đứng lên bảo vệ cái đúng, phản bác thông tin sai, xấu, độc. Câu chuyện dưới đây đã nói lên điều đó.
![Kênh Tiktok Hoangthao8993 đã gỡ video và đăng lời xin lỗi vào trưa 27 Tết.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51436673/6a75c853f31d1a43430c.jpg)
Kênh Tiktok Hoangthao8993 đã gỡ video và đăng lời xin lỗi vào trưa 27 Tết.
Ngày 25 Tết Ất Tỵ, trên kênh Tiktok Hoàng Thảo, nick là Hoangthao8993 đăng một video gây bức xúc với người làm chè/trà Thái Nguyên. Trong thời lượng 1 phút 11 giây, người phụ nữ trong video liên tục dùng dao cắt đôi các gói trà hút chân không có in chữ trên bao bì là “trà Thái Nguyên”, rồi dốc ra toàn vỏ trấu.
Vừa cắt, người này vừa nói luôn mồm: “Toàn trấu này mọi người ơi, trà Thái Nguyên đó”. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao chị biết các gói trà toàn trấu mà liên tục cắt ra như vậy? Chị mua trà này ở đâu? Chị cần đưa ra căn cứ chính xác, đừng làm ảnh hưởng đến uy tín của người làm trà Thái Nguyên...
Nhiều người Thái Nguyên rất bức xúc trước thông tin “bẩn” nói trên. Anh Vũ Văn Tài, xã Văn Yên (Đại Từ), lập tức Livestream trên Facebook cá nhân, đối chất với Tiktoker Hoangthao8993. Anh Tài yêu cầu: Chị Hoàng Thảo phải nói rõ, gói chè đó chị mua từ cơ sở sản xuất nào? Chị lên video với mục đích gì? Người Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy đây là dấu hiệu của sự tiếp tay nhằm phá hoại ngành chè, hạ thấp uy tín chè Thái Nguyên.
Tâm sự với tôi, anh Tài cho biết: Năm nay thời tiết không thuận lợi, nhiều diện tích chè chết khô do thiếu nước. Là người sinh ra, lớn lên ở xứ chè thơm, tôi thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người nông dân làm ra được mẻ trà đưa đến tay người dùng. Tỉnh đang nỗ lực xây dựng thương hiệu trà Thái, các cơ sở sản xuất kinh doanh trà đã đầu tư nhiều tiền của, tâm sức để cho ra thị trường những phẩm trà tốt nhất. Vậy nên, những video vô căn cứ, có thể nhằm mục đích câu like, mục đích xấu độc khác như thế này cần được cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ, trả lại công bằng cho người làm chè chân chính.
Không chỉ Livestream trên Facebook cá nhân, anh Vũ Văn Tài còn vào kênh Tiktok của Hoangthao8993 đối chất và yêu cầu trả lời, đồng thời phát video trên trang tiktok Bộ Đội Xứ Trà để vạch rõ những thông tin phi lý của Hoangthao 8993.
Cũng thời điểm này, tôi nhận được tin nhắn của anh Đoàn Đức Phương, tổ 8, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên). Anh Phương bày tỏ sự bức xúc khi xem bài trên Tiktok của Hoangthao8993 và cho biết đã gửi thông tin đến lãnh đạo Phòng Công nghệ cao (Công an tỉnh).
Bản thân tôi - người viết bài này - cũng liên lạc, cung cấp video nói trên đến ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, đề nghị các ông báo cáo cơ quan chức năng và chuyển thông tin đến lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xử lý.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_458_51436673/2dc1e8e7d3a93af763b8.jpg)
Kênh Tiktok Hoangthao8993 đã gỡ video và đăng lời xin lỗi vào trưa 27 Tết.
Đến trưa ngày 27 Tết, kênh Tiktok Hoangthao8993 đã gỡ video và đăng lời xin lỗi. Cũng từ hôm đó đến nay, kênh này không lên thêm bài nào nữa. Tôi không rõ nguyên nhân chính nào khiến chủ kênh phải gỡ bài và đăng 3 trang thanh minh, xin lỗi, nhưng chắc hẳn có sự tác động của những người tôn trọng sự thật và bảo vệ thương hiệu trà Thái Nguyên.
Sự việc đã khép lại, nhưng vẫn còn đó những điều cần suy ngẫm. Hành động rất kịp thời, trực diện của anh Vũ Văn Tài, Đoàn Đức Phương (và nhiều tài khoản mạng xã hội đặt câu hỏi phản biện) đã góp phần điều chỉnh dư luận trước khi bị chủ kênh dẫn dắt theo ý đồ xấu và buộc họ phải gỡ bài không đúng sự thật. Cùng với việc báo chính quyền, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những thông tin xấu, độc, thì việc lên tiếng phản bác tức thì của những người yêu lẽ phải là việc làm hết sức cần thiết.