Cân nhắc quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu: 'Cho phép tất cả doanh nghiệp nhà nước được đầu tư bất động sản là không nên và không hay. Kinh doanh bất động sản là món lời béo bở, lợi nhuận rất cao bù đắp cho chi phí khác nên rất cần thiết, nhưng không phải ai cũng làm được'.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường sáng 13-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường sáng 13-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể sáng 13-5, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, sau khi chỉnh lý, dự thảo luật hiện đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; hội đồng thành viên, chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Dự thảo cũng đã cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính. Cùng với đó, khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu. Dự thảo luật cũng chỉnh lý theo hướng bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống, theo nguyên tắc ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có sự quản lý của Nhà nước với biện pháp và mức độ phù hợp.

Về giám sát, kiểm tra việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng chỉ quy định thẩm quyền thanh tra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; không quy định thẩm quyền thanh tra đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Việc thanh tra quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật có liên quan.

 ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Ghi nhận dự thảo luật lần này đã cởi mở hơn nhiều trong quy trình, thủ tục bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước, song ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) nhận định: “Trước đây việc bổ sung vốn điều lệ theo Luật số 69 là rất khó khăn, dự thảo lần này đã thông thoáng hơn, nhưng vẫn có sự ràng buộc phạm vi trong 5 lĩnh vực, khác nào mở ở cuối, nhưng lại đóng từ đầu”.

Theo ĐB Tuấn, nên phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu được quyết định việc tăng vốn, đảm bảo linh hoạt hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu mở rộng đầu tư của doanh nghiệp. Các lĩnh vực được tăng vốn cũng nên mở rộng, chẳng hạn trường hợp doanh nghiệp thương mại muốn xây dựng bất động sản làm hạ tầng thương mại, nhất là khi sử dụng vốn huy động từ nguồn khác, không phải vốn nhà nước…

 Chủ tịch nước Lương Cường trao đổi với ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bên lề phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Lương Cường trao đổi với ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bên lề phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) có quan điểm hơi khác về lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước đầu tư. ĐB nhận xét: “Thời gian qua một số doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành gặp khó khăn, có trường hợp vướng vòng lao lý. Dự thảo luật cho phép đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành như vậy đề nghị có cân nhắc. Cho phép tất cả doanh nghiệp nhà nước được đầu tư bất động sản là không nên và không hay. Kinh doanh bất động sản là món lời béo bở, lợi nhuận rất cao bù đắp cho chi phí khác nên rất cần thiết, nhưng không phải ai cũng làm được”.

 ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Tán thành quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nhận định: “Nếu nói doanh nghiệp tư nhân làm được thì doanh nghiệp nhà nước không làm thì không đúng. Tuy nhiên, nên giao rất cụ thể cho doanh nghiệp nhà nước, không phải cứ thấy bất động sản đang “hot” là nhảy vào. Ngay cả những doanh nghiệp lớn, cái gì cũng đầu tư vào cũng rất khó thành công”. Theo ĐB, những việc doanh nghiệp nhà nước muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực ngoài chức năng nhiệm vụ được giao thì phải có ý kiến của chủ sở hữu.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: QUANG PHÚC

Quan tâm đến chi phí trước thuế, ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng sẽ không hợp lý nếu quy định tiền lương, thù lao, thưởng cho người lao động trích từ thu nhập sau thuế, không phản ánh đúng quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động. “Những khoản này phải đưa vào chi phí trước thuế chứ không đưa vào lợi nhuận sau thuế”, bà nói. ĐB cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo quy định đảm bảo quyền tài sản của bên mua ngay tình, không biết về sai phạm của bên bán khi thực hiện giao dịch.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-nhac-quy-dinh-cho-phep-doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-kinh-doanh-bat-dong-san-ngoai-nganh-post795013.html
Zalo