Căn nguyên và quá trình Tổng thống Hàn Quốc ra thiết quân luật
Ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol tuyên bố áp dụng thiết quân luật ở nước này. Sắc lệnh thiết quân luật cũng liên quan đến việc đình chỉ hoạt động của Quốc hội Hàn Quốc.
Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc
Theo Tổng thống Yoon Seok Yeol, việc đưa ra thiết quân luật là biện pháp tất yếu nhằm đảm bảo “tự do và an ninh của người dân”; đồng thời, bảo vệ đất nước khỏi hành động của “các thế lực chống nhà nước”. Ông Yoon lưu ý rằng, mặc dù biện pháp này sẽ gây ra một số bất tiện cho người dân Hàn Quốc nhưng chính quyền sẽ cố gắng giảm thiểu chúng. Tổng thống Hàn Quốc nói thêm: “Không có thay đổi nào trong chính sách đối ngoại, Hàn Quốc đang hoàn thành trách nhiệm và đóng góp của mình cho cộng đồng quốc tế”.
Trong bài phát biểu trước khi tuyên bố thiết quân luật, Tổng thống Yoon Seok Yeol cũng báo cáo nỗ lực của Quốc hội nhằm sa thải 22 quan chức hàng đầu của Chính phủ, bao gồm cả Tổng công tố viên. Điều này xảy ra lần đầu tiên kể từ khi nội các mới được phê duyệt vào tháng 6. Theo nguyên thủ quốc gia, đây “không những là điều chưa từng có” mà còn làm tê liệt công việc của các cơ quan tư pháp và hành pháp.
Sau phát biểu của Tổng thống, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thông báo họp khẩn cấp chỉ huy các lực lượng vũ trang và ra chỉ thị cho các lực lượng vũ trang thực hiện sắc lệnh. Theo Yonhap, Bộ Tài chính với sự tham gia của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương và lãnh đạo cảnh sát cũng đã thông báo họp khẩn cấp. Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố, hoạt động của các đảng phải chính trị sẽ tạm thời bị đình chỉ và các phương tiện truyền thông cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ.
Theo sắc lệnh của Tổng thống, Quân đội Hàn Quốc đã bao vây tòa nhà quốc hội bằng xe bọc thép và đổ quân từ trực thăng, cố gắng tiến vào tòa nhà. Bất chấp nỗ lực của quân dội, nhiều đai biểu quốc hội đã tiến vào hội trường và theo Chủ tịch Woo Won-sik, đã bỏ phiếu ủng hộ việc bãi bỏ thiết quân luật. Theo Điều 77 của Hiến pháp Hàn Quốc, Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội về việc áp dụng thiết quân luật, nhưng Quốc hội có thể họp và hủy bỏ lệnh này.
Sau khi Tổng thống Yoon Seok-yeol tuyên bố thiết quân luật, lãnh đạo đảng trung hữu “Quyền lực Quốc dân” Han Dong Hoon cho rằng, sắc lệnh của tổng thống là không chính xác, đồng thời tuyên bố cùng với người dân nước này sẽ cố gắng hủy bỏ. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập, đảng lớn nhất trong Quốc hội (170 ghế), gọi sắc lệnh của Tổng thống Yoon Seok Yeol là vi hiến và kêu gọi những người ủng hộ tập trung gần tòa nhà quốc hội. Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-man cho biết, ông Yoon không còn là tổng thống nước này.
Nguyên nhân gốc rễ
Thiết quân luật ở Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh tranh cãi xung quanh việc thông qua dự luật ngân sách năm tới. Phe đối lập đang thúc đẩy việc cắt giảm chi tiêu chính phủ 4,1 nghìn tỷ won (khoảng 3 tỷ USD) cho ban thư ký Văn phòng Tổng thống, Bộ An ninh quốc gia, cũng như các văn phòng công tố, cơ quan kiểm toán nhà nước và cảnh sát.
Theo Tổng thống Hàn Quốc, việc cắt giảm ngân sách cần thiết để thực hiện các chức năng cơ bản của chính phủ, chẳng hạn như chống tội phạm ma túy và duy trì trật tự công cộng, sẽ biến đất nước thành một “thiên đường ma túy” và đẩy đất nước “vào tình trạng hỗn loạn về an toàn công cộng”.
Lần cuối cùng Hàn Quốc được đặt trong tình trạng thiết quân luật là vào năm 1980 trong các cuộc biểu tình chống chính quyền lớn mà cuối cùng dẫn đến quá trình chuyển đổi sang dân chủ và thành lập nền Cộng hòa thứ sáu, thể chế hiện tại của Hàn Quốc. Giáo sư Đại học Côn Minh (Seoul) Andrei Lankov nhận định rằng, tình hình hiện nay ở Hàn Quốc vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn rằng, Tổng thống đang hành xử một cách không phù hợp”.
Còn theo Alexandra Zueva, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích chiến lược và chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, trên thực tế, có một số điều kiện tiên quyết nhất định đối với tình trạng thiết quân luật ở Hàn Quốc. Chúng có thể được coi là một loạt các sự kiện gần đây, bao gồm cả những tuyên bố về việc gửi quân đội Triều Tiên tới Nga. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra hiện nay có dấu hiệu của một cuộc đảo chính quân sự, vì Quốc hội có thể không đồng ý với điều này và các đại biểu quốc hội đơn giản là không được phép vào tòa nhà quốc hội.
Thời gian gần đây, Tổng thống Yoon Seo Yeol đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nước. Tỷ lệ tín nhiệm ở mức rất thấp (chỉ khoảng 20%), thậm chí ông Yoon còn đối mặt với nguy cơ bị luận tội do những vụ bê bối kéo dài liên quan đến vợ, cáo buộc tham nhũng, người dân không hài lòng với các chính sách an sinh xã hội, cũng như cách tiếp cận của chính quyền trong vấn đề Triều Tiên.
Ilya Dyachkov, phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Phương Đông tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), cho biết, việc ban bố tình trạng thiết quân luật ở Hàn Quốc có liên quan đến các vấn đề trong nước, chứ không phải là do các yếu tố chính trị bên ngoài hay vấn đề Triều Tiên.
Vì điều này, Tổng thống Yoon Seok-yeol đang cố gắng tránh bị luận tội, hay ít nhất là muốn trì hoãn vấn đề này. Theo chuyên gia người Nga, các tổng thống Hàn Quốc có truyền thống bị đánh giá kém kể từ giữa nhiệm kỳ; và thực tế ông Yoon đã dính vào một số vụ bê bối về uy tín, trong đó có những vụ liên quan đến vợ ông. Những nỗ lực của tổng thống, bằng cách nào đó, nhằm cải thiện uy tín, đã không dẫn đến kết quả gì, và trong Quốc hội, đa số thuộc về các đảng viên dân chủ trung tả, đối thủ của Tổng thống Yoon Seok-yeol. Đó là lý do tại sao Tổng thống đang cố gắng duy trì quyền lực của mình bằng cách tuyên bố thiết quân luật - trong điều kiện như vậy, quyền lực của Quốc hội bị hạn chế, bao gồm cả việc áp đặt luận tội.
Theo chuyên gia Ilya Dyachkov, khả năng Tổng thống Yoon Seok-yeol bị luận tội là không cao. Bản thân Tổng thống giải thích cho hành động của mình là xuất phát từ mối đe dọa nội bộ, cáo buộc các thành viên của đảng Dân chủ đối lập có quan điểm ủng hộ Triều Tiên. Tuy nhiên, tình hình bất ổn hiện nay có thể sẽ khiến ông Yoon mất đi sự ủng hộ của chính những đồng minh. Điều này sẽ dẫn đến sự kết thúc sớm và đầy kịch tính sự nghiệp chính trị của ông.