Cần một 'nhạc trưởng' có nhiều kinh nghiệm, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tích hợp những quy hoạch tương đồng hoặc gần giống về chức năng để giảm bớt các loại quy hoạch cũng như đầu mối quản lý.
Sáng 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên thảo luận. Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần tránh tình trạng chồng lấn, xung đột quy hoạch, quy hoạch “treo”…
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho biết, cử tri cho rằng có quá nhiều loại quy hoạch gây chồng lấn trong quá trình thực hiện, do đó, cần tích hợp những quy hoạch tương đồng hoặc gần giống về chức năng để giảm bớt các loại quy hoạch cũng như đầu mối quản lý. Ví dụ như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay… cần tích hợp chung trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tùy quy mô từng dự án, không quy định thành từng loại quy hoạch riêng.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu ý kiến.
Cử tri kiến nghị cần tập trung hoàn thiện thật tốt những quy hoạch chính, cốt lõi thật chất lượng làm công cụ chính trong quản lý nhà nước. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội cần giao Chính phủ khẩn trương rà soát, nghiên cứu tích hợp các quy hoạch trong các phụ lục trên và rút gọn tối đa các loại quy hoạch này, bỏ những quy hoạch không cần thiết và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10. “Hiện nay, chưa có cơ quan nào đủ thẩm quyền và thông tin để cung cấp dữ liệu, thông tin ngay cho nhà đầu tư, việc xác định khu vực nhà đầu tư muốn thực hiện dự án có phù hợp quy hoạch hay không, vấn đề này đòi hỏi số hóa dữ liệu tất cả quy hoạch, đầu mối quản lý chung về quy hoạch ở cấp trung ương và địa phương, công khai thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, rút ngắn tối đa việc xem xét dự án phù hợp quy hoạch” – đại biểu nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp.
Cũng cho rằng có nhiều chồng lấn, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, Luật Quy hoạch sửa đổi “nhiều quá”, sửa liên tục. "Luật Quy hoạch được quan tâm và sửa rất nhiều nhưng vẫn rối, cơ sở rất khó triển khai thực hiện. Nếu sửa thế này đã thực sự là tận gốc vấn đề hay chưa?" – đại biểu nêu câu hỏi và cho rằng, tinh thần của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch lần này là chuyển đổi phương thức lập quy hoạch, thay đổi căn bản từ lập quy hoạch truyền thống (là phân ngành, cục bộ theo lĩnh vực) sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể, có liên kết và liên thông. Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia ở cơ sở rất quan trọng nhưng hiện chưa nắm bắt được tinh thần mới này, còn hạn chế trong phương pháp tiếp cận, phối hợp liên ngành, liên thông.

Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu ý kiến.
"Theo tinh thần mới của luật, rất cần một "nhạc trưởng" có nhiều kinh nghiệm, lão luyện, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch nhưng hiện chưa có"- đại biểu Tạ Văn Hạ nêu; đồng thời đề nghị tìm đúng nguyên nhân mà "sửa hoài vẫn vướng”, cần bình tĩnh nhận diện, xem xét lại căn bản các vấn đề để giải quyết vấn đề quy hoạch, tránh chồng lấn, xung đột về không gian, mục tiêu, chỉ tiêu giữa các quy hoạch với nhau.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình ý kiến đại biểu.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Luật Quy hoạch lần này phải gấp rút sửa đổi vì thay đổi về chiến lược và các ý kiến chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. “Phải sửa ngay lập tức và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nếu không sửa thì sẽ tắc hết” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính thì việc sửa đổi luật lần này tập trung 3 vấn đề lớn. Đó là: điều chỉnh ngay quy hoạch tất cả các cấp sau khi sáp nhập đơn vị hành chính có hiệu lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm tối đa, phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đạt mức tăng trưởng kinh tế 8%/năm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận thực tế quy hoạch rất vướng, vì vậy, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi toàn diện sau, sẽ rà soát lại hết, cái gì không phù hợp sẽ bỏ đi.