Cần khung pháp lý trong quản lý tài sản mã hóa

Sáng 24.4, tại Hà Nội, Học viện Tài chính (AOF) và Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông (HKU Business School) đồng tổ chức Tọa đàm khoa học: Khung pháp lý và những đổi mới trong quản lý tài sản mã hóa - 'Regulatory Frameworks and Innovations in Crypto Assets'.

Sự cần thiết của một khung pháp lý minh bạch và bền vững

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Giám đốc Học viện Tài chính PGS. TS Nguyễn Đào Tùng đã nêu bật tầm quan trọng của tài sản số trong việc định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu.

PGS. TS Nguyễn Đào Tùng chia sẻ, cách đây gần hai thập kỷ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã phơi bày những lỗ hổng cố hữu của hệ thống tài chính truyền thống - tập trung quyền lực, xung đột lợi ích, thiếu minh bạch và những rủi ro vận hành tiềm tàng. Trong bối cảnh đó, Bitcoin ra đời, đánh dấu sự xuất hiện của một lớp tài sản hoàn toàn mới - tài sản mã hóa.

Tại Việt Nam, theo các ước tính gần đây, dòng tiền đổ vào Việt Nam ở lĩnh vực này đạt khoảng 120 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng to lớn, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tài sản mã hóa năng động nhất thế giới.

Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những thách thức lớn về quản lý rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm đưa tài sản mã hóa vào khuôn khổ quản lý nhà nước.

PGS. TS Nguyễn Đào Tùng cho rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp sẽ góp phần xây dựng một khung pháp lý minh bạch, bền vững và thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Học viện Tài chính, với vai trò là một trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu về tài chính tại Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong việc tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

 Giám đốc Văn phòng Đại diện Đại học Hồng Kông tại Việt Nam GS. Phan Quang Tuấn phát biểu tại tọa đàm

Giám đốc Văn phòng Đại diện Đại học Hồng Kông tại Việt Nam GS. Phan Quang Tuấn phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Giám đốc Văn phòng Đại diện Đại học Hồng Kông tại Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dự án và Nghiên cứu châu Á (ACRC) thuộc Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông GS. Phan Quang Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Việc Việt Nam tận dụng kinh nghiệm từ các thị trường phát triển như Hồng Kông là vô cùng quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái tài chính số an toàn và hiệu quả. Hồng Kông, với vị thế là một trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, đã có những bước tiến đáng kể trong việc quản lý tài sản số, và kinh nghiệm của họ có thể cung cấp những bài học quý giá cho Việt Nam.

 Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Tài chính trong Công nghệ Tài chính (MFFinTech) tại Trường Kinh doanh (Đại học Hồng Kông) GS. Alan Kwan phát biểu tại tọa đàm

Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Tài chính trong Công nghệ Tài chính (MFFinTech) tại Trường Kinh doanh (Đại học Hồng Kông) GS. Alan Kwan phát biểu tại tọa đàm

Trình bày về trình bày chủ đề “Regulating Crypto”, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Tài chính trong Công nghệ Tài chính (MFFinTech) tại Trường Kinh doanh (Đại học Hồng Kông) GS. Alan Kwan đã đưa ra cái nhìn tổng quan về các mô hình quản lý tài sản số tại các quốc gia phát triển. Việc phân tích các rủi ro tiềm ẩn như rửa tiền, gian lận tài chính và biến động thị trường là vô cùng quan trọng để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả. GS. Alan Kwan nhấn mạnh sự cần thiết của việc cân bằng giữa bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy đổi mới công nghệ. Nghiên cứu của ông về tác động của quy định đối với sự phát triển của thị trường tiền mã hóa đã thu hút sự chú ý lớn và những kết quả này có thể cung cấp những thông tin quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Xây dựng một khung pháp lý linh hoạt và toàn diện

Phát biểu tại Tọa đàm, GS. Fangzhou Lu (giảng viên Tài chính tại Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông) đã trình bày chủ đề “Web 3.0: Navigating the New Regulatory Era”.

 GS. Fangzhou Lu phát biểu tại tọa đàm

GS. Fangzhou Lu phát biểu tại tọa đàm

GS. Fangzhou Lu đã tập trung phân tích về sự chuyển đổi sang web 3.0 và những thách thức pháp lý mới mà nó đặt ra. Việc thảo luận về quyền sở hữu dữ liệu, bảo mật thông tin và quản lý các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) là vô cùng quan trọng, vì chúng là những vấn đề cốt lõi trong bối cảnh web 3.0.

Ngoài ra, GS. Fangzhou Lu cũng đề xuất một số giải pháp để các nhà quản lý có thể thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái web 3.0, đồng thời đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Theo đó, khung pháp lý cần phải khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài sản số. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp và các nhà phát triển công nghệ…

 Các đại biểu tham gia phiên bàn tròn tại tọa đàm

Các đại biểu tham gia phiên bàn tròn tại tọa đàm

Tại Phiên thảo luận bàn tròn, Phiên thảo luận bàn tròn, được điều phối bởi TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, đã cung cấp một nền tảng để các chuyên gia chia sẻ quan điểm và đề xuất các giải pháp cụ thể cho Việt Nam. Theo đó, GS. Alan Kwan, Đại học Hồng Kông, tiếp tục chia sẻ quan điểm về cách áp dụng các quy định quốc tế vào thị trường Việt Nam. GS. Fangzhou Lu, Đại học Hồng Kông, thảo luận về vai trò của các tổ chức học thuật trong việc hỗ trợ xây dựng chính sách.

Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Tô Trần Hòa nhấn mạnh nhu cầu xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù thị trường Việt Nam để bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

 Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Tô Trần Hòa phát biểu tại tọa đàm

Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Tô Trần Hòa phát biểu tại tọa đàm

Phó Giám đốc SSI Digital Lê Bảo Nguyên cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ phía doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong việc hợp tác với các cơ quan quản lý để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính sáng tạo.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng lưu ý, Việt Nam cần tiến hành các nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng về các loại tài sản số khác nhau, các mô hình kinh doanh liên quan, và các rủi ro tiềm ẩn. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về thị trường tài sản số và đưa ra các quy định phù hợp.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một khung pháp lý linh hoạt đủ linh hoạt để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Thay vì áp đặt các quy định cứng nhắc, Việt Nam nên tập trung vào việc xây dựng các nguyên tắc và hướng dẫn chung, cho phép các doanh nghiệp và nhà đầu tư có đủ không gian để đổi mới và phát triển…

Đức Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-khung-phap-ly-trong-quan-ly-tai-san-ma-hoa-post411279.html
Zalo