Cần dừng lễ hội chọi trâu trên toàn quốc
Cảnh chọi trâu máu me, bạo lực không còn phù hợp với xã hội hiện đại; các lễ hội chọi trâu không nên được tiếp tục tổ chức mà có thể thay bằng đua trâu chẳng hạn.
Lễ hội chọi trâu diễn ra với cảnh chiến đấu “sinh tử” và kết thúc khá máu me khi tất cả “đấu thủ”, dù thắng hay thua đều bị giết thịt và bán với giá cao. Sự cố liên quan đến tình trạng mất kiểm soát của trâu chọi số 17 tại lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc) mấy ngày trước dẫn đến tin đồn trâu bị “chích điện chết trên sân đấu” không chỉ gây lo lắng về sự an toàn của công chúng mà còn gợi xót thương về số phận của những con vật. Nhiều người cho biết họ không cảm nhận được niềm vui khi nghĩ về những chú trâu bị kích động để hung hãn lao vào nhau chiến đấu rồi bị khống chế bằng sức mạnh và kết thúc bằng cái chết.
Chọi trâu là lễ hội dân gian có từ thời xa xưa, là một phần của đời sống văn hóa tinh thần của người dân nhiều địa phương, với ý nghĩa hiến tế, tạ ơn thần linh, hoặc tái hiện sự tích của tiền nhân (như lễ hội ở Đồ Sơn tiếp nối truyền thống có từ hồi Quận He Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa, mở hội chọi trâu để cổ vũ, động viên tinh thần binh sỹ)…

Lễ hội chọi trâu tại Hải Lựu thu hút tới 5 vạn khán giả đến xem cảnh tượng bạo lực. (Ảnh: Vũ Chương)
Tuy nhiên thời nay, những ý nghĩa ban đầu dường như bị lu mờ dần. Ngoài việc theo dõi màn kịch đấu của những chú trâu, ấn tượng nhiều về lễ hội chính là sự xôm tụ của “chợ thịt trâu” sau đó, gây cảm tưởng sự kiện được tổ chức như một cách để kinh doanh thịt trâu với giá cao ngất ngưởng hàng triệu đồng một kg.
Một số biểu hiện biến tướng, lùm xùm từng diễn ra đâu đó như cá độ, cho trâu sử dụng chất kích thích, vuốt nhọn sừng trâu… cũng làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội truyền thống.
Những biểu hiện biến tướng có thể được kiểm soát bằng những quy định, nhưng tôi cho rằng ngay cả như vậy, chúng ta vẫn nên dừng các lễ hội chọi trâu vì không còn phù hợp. Xã hội càng văn minh, các hành vi mang tính bạo lực cũng dần bị tẩy chay. Cổ vũ cho những con vật vốn hiền lành xông vào nhau chiến đấu đến một mất một còn cũng là biểu hiện cổ súy cho bạo lực.
Trong xã hội hiện đại, việc bảo vệ động vật càng được đề cao, với sự thương xót và thấu cảm cho nỗi đau của chúng. Sự đối nghịch giữa cảnh những chú trâu – bạn của nhà nông - được chăm bẵm yêu thương và cảnh chúng bị ép chọi nhau đến gãy sừng, thủng bụng rồi kết thúc đều bằng cái chết khiến nhiều người không cảm nhận được tính giải trí mà chỉ thấy đầy bất nhẫn.
Trong nhiều trăm năm, những lễ hội này đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; nhưng con người tạo nên truyền thống, cũng có thể thay đổi truyền thống cho phù hợp với môi trường, tư tưởng, cảm xúc của thời đại.
Những năm trước chúng ta đã ngừng tổ chức một số lễ hội cổ xưa như chém lợn, đâm trâu… cũng là vì thế. Tiếp theo, nên dừng cả chọi trâu; có thể thay bằng đua trâu chẳng hạn, vừa giữ được tinh thần thi thố và bản sắc của đất nước nông nghiệp, vừa loại trừ màu sắc bạo lực, máu me.
Trên thế giới, nhiều nước cũng đã có sự điều chỉnh để lễ hội truyền thống phù hợp hơn với thời đại. Tháng 5/2024, Quốc hội Colombia bỏ phiếu thông qua dự luật cấm đấu bò tót sau 7 năm thảo luận với nhiều tranh cãi.
Ở Tây Ban Nha, vào 5/2024, chính phủ quyết định bỏ giải đấu bò quốc gia được tổ chức thường niên vì ngày càng nhiều người cho không nên duy trì một lễ hội ngược đãi động vật như vậy.
Ở Pháp, trong một cuộc khảo sát năm 2022, có tới 75% người dân ủng hộ việc cấm đấu bò để ngừng sát hại hoặc gây thương tích cho những con vật tội nghiệp. Chính phủ cũng đang xem xét cấm hoạt động truyền thống có gần 300 năm này.
Dù ở phương Đông hay phương Tây, các phong tục, lễ hội, sinh hoạt văn hóa cũng đều có sự thay đổi qua thời gian. Giữ mãi cái cũ một cách cố chấp, không chọn lọc thì sẽ thành lạc hậu, kém văn minh.