Cần đảm bảo liêm chính học thuật và xếp hạng đại học thực chất

Để ngăn được tình trạng giảng viên cơ hữu bán bài báo, công trình nghiên cứu khoa học cần có bộ quy định cụ thể về vấn đề liêm chính học thuật.

Theo Nghị định 109 của Chính phủ ban hành năm 2023, mỗi trường đại học sẽ xây dựng quy định riêng về liêm chính học thuật và các giải pháp quản lý vấn đề này.

Liêm chính học thuật

Theo quy định, các trường đại học cần căn cứ vào thực tiễn đơn vị, thông lệ quốc tế về quản trị nghiên cứu khoa học và các quy định khác của pháp luật khi nghiên cứu, ban hành các yêu cầu nội bộ cụ thể, chi tiết. Việc xem xét liêm chính học thuật cũng cần có các bộ phận rất đặc biệt như hội đồng liêm chính học thuật, ủy ban đạo đức nghiên cứu.

Bộ quy định liêm chính học thuật cần làm rõ hành vi vi phạm cơ bản gồm: gian lận, bịa đặt và đạo văn. Phổ biến nhất về việc gian lận trong nghiên cứu khoa có thể kể đến hành vi ngụy tạo thông tin tác giả, kết quả nghiên cứu, cơ quan/tổ chức trong các sản phẩm khoa học, hoặc làm sai lệch vai trò, vị trí, sự đóng góp của tác giả, tổ chức trong sản phẩm khoa học.

Liêm chính học thuật. (Ảnh minh họa)

Liêm chính học thuật. (Ảnh minh họa)

Việc một giảng viên cơ hữu của Đại học X lại đứng tên, công bố bài báo khoa học ở Đại học Y đã và đang gây ra nhiều tranh luận đa chiều. Về nguyên tắc quản lý, giảng viên cơ hữu phải ghi tên đại học đang làm việc và không được tùy ý sử dụng tên của các cơ quan/tổ chức khác trong các công bố khoa học.

Vấn đề này có thể giải quyết dứt điểm thông qua một trong những mô hình dưới đây:

Thứ nhất, khi giảng viên cơ hữu của Đại học X công bố bài báo khoa học quốc tế lại ghi tên Đại học Y mà không có bất kỳ thỏa ước chính thức (như hợp đồng làm việc hay hợp tác nghiên cứu) thì giảng viên này có thể vi phạm lỗi ngụy tạo thông tin cơ quan/tổ chức trong sản phẩm khoa học. Ít nhất một đại học (X hoặc Y) có thể xử lý hành vi này của vị giảng viên cơ hữu theo quy định liêm chính học thuật của đại học.

Thứ hai, giảng viên cơ hữu của Đại học X phải tuân thủ các luật, quy định liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để ký hợp đồng làm việc hay hợp tác nghiên cứu với Đại học Y, vị giảng viên cơ hữu này phải được sự đồng ý của thủ trưởng của Đại học X. Dù vậy, Đại học Y không được dùng thông tin của giảng viên này để báo cáo số liệu cho các cơ quan quản lý đối với các tiêu chí chỉ tính dựa trên nhân sự cơ hữu.

Thứ ba, với các dự án nghiên cứu mà Đại học X đầu tư, có thể sẽ có những khoản kinh phí lớn và kèm theo đó là yêu cầu về sản phẩm nghiên cứu từ dự án này. Nếu vị giảng viên cơ hữu của Đại học X được phép ký thêm hợp đồng nghiên cứu với Đại học Y và vị này có liên quan đến dự án nghiên cứu đã nêu thì việc sử dụng tên của Đại học Y trong các bài báo khoa học phải được sự đồng ý của Đại học X.

Thứ tư, Đại học Y được sử dụng kết quả nghiên cứu trong trường hợp có tài trợ cho giảng viên và ký hợp đồng làm việc theo quy định, được Đại học X chấp thuận.

Việc này có thể xem xét thực hiện theo mô hình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quy định tại Điều 22 của Nghị định 109, trong trường hợp các đại học cần hợp tác với các nguồn lực bên ngoài để xây dựng nội lực lâu dài và bền vững.

Việc thực hiện các mô hình này cần căn cứ vào quy định nội bộ các các đại học liên quan (X và Y), đặc biệt là quy định về liêm chính học thuật theo Nghị định 109 của Chính phủ.

Giải pháp căn bản để giải quyết tranh chấp và ngăn ngừa giảng viên cơ hữu bán bài báo khoa học là ban hành các quy định về quản trị nghiên cứu khoa học.

Ngược lại, một khi có những phát sinh trong quản trị nghiên cứu thì có thể dẫn đến những lúng túng trong cách giải quyết hoặc có thể dẫn đến những tranh cãi không hồi kết. Điều này xảy ra thì có thể làm tổn thương rất lớn đến các giảng viên và cả các đại học.

Nghiên cứu khoa học và xếp hạng đại học

Xếp hạng đại học thế giới là thước đo rất quan trọng để định vị các đại học trên phạm vi toàn cầu. Khi đã nói đến thước đo thì chắc chắn bao giờ cũng có thể tranh cãi, bởi lẽ rất khó để có thước đo toàn diện cho một khái niệm cần đo.

Với các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như ARWU, US News, SCImago, THE hay QS, tiêu chí về nghiên cứu khoa học rõ ràng chiếm tỷ trọng nhất định. Tỷ trọng này cao hay thấp tùy bảng xếp hạng.

Xếp hạng đại học là kênh tham khảo quan trọng nhưng cũng có nhiều ý kiến về sự không tương đồng giữa kết quả xếp hạng và chất lượng/đẳng cấp thực sự của các đại học.

Nghiên cứu khoa học và xếp hạng đại học. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu khoa học và xếp hạng đại học. (Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy, các đại học, nhất là các đại học ở các nước đang phát triển, có thể cần có các kỹ chiến thuật nhất định để có thể chen chân vào các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Các đại học này gần như khó có điều kiện để được đầu tư bài bản và phát triển đồng bộ.

Việc công luận quan tâm đến thứ hạng thế giới và chất lượng thực sự là việc hoàn toàn chính đáng, thể hiện mong muốn thành tựu thực và đẳng cấp thực.

Thực tiễn 10 năm qua cho thấy, việc phát triển nghiên cứu của trường các đại học ở Việt Nam, xuất bản các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín và lọt vào các bảng xếp hạng đại học uy tín là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc phát triển và thành tựu cần được tương đồng với đẳng cấp thực sự. Đây là kỳ vọng chính đáng của cả cộng đồng.

Với nghiên cứu khoa học, nếu chỉ dừng lại ở sản phẩm làm ra mà không chuyển giao hiệu quả thì rất lãng phí. Ở các trường đại học, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu dưới dạng tri thức mới vào người học là con đường chính yếu để nâng cao chất lượng thực sự. Từ đó, các sản phẩm nghiên cứu có thể vừa đóng góp vào việc nâng cao đẳng cấp thực sự và đồng thời vào việc xếp hạng của các đại học.

Suy cho cùng, việc nâng đẳng cấp thực sự thông qua chuyển giao công nghệ, trong đó chuyển giao tri thức như đã nêu là hình thức, khó hơn nhiều so với việc nâng hạng đại học. Đây thực sự là thách thức với các đại học, nhất là các đại học ở các nước đang phát triển.

Tóm lại, các đại học nên đầu tư nghiên cứu chính sách để tiến tới ban hành các quy định nội bộ phù hợp với quy định chung của Nhà nước. Các trường cần nâng thu nhập của giảng viên, nhất là giảng viên có năng lực nghiên cứu tốt để họ có thể an tâm công tác mà không phải đi ký hợp đồng làm thêm với các tổ chức khác.

Cần kịp thời bổ sung và triển khai hiệu quả các quy định về sở hữu trí tuệ và liêm chính học thuật, trong đó ưu tiên phát triển nội lực và cũng cần có kỹ chiến thuật nhưng cần xác định đích đến vẫn là nội lực.

Các trường chú trọng tăng cường chuyển giao công nghệ từ các sản phẩm nghiên cứu để xây dựng chất lượng và đẳng cấp thực sự. Rất cần xếp hạng đại học thế giới nhưng cần kiên nhẫn sao cho hạng và đẳng cấp thực sự có sự tương đồng.

TS Lê Văn Út

Nguồn VTC: https://vtc.vn/can-dam-bao-liem-chinh-hoc-thuat-va-xep-hang-dai-hoc-thuc-chat-ar832984.html
Zalo