Cần có giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch cho Cao Bằng

Những ngôi làng cổ dần bị thay thế bởi nhà hiện đại, những nét văn hóa truyền thống dần bị mai một khiến những nguồn tài nguyên du lịch có nguy cơ bị phá hủy.

Cao Bằng là tỉnh giàu tài nguyên du lịch với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng; những bản làng cổ đẹp như tranh vẽ, nhiều nét văn hóa truyền thống đa dạng. Đó là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Tuy nhiên, nhiều khu vực cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn đang bị xâm hại nghiêm trọng. Những ngôi làng cổ dần bị thay thế bởi nhà hiện đại; những nét văn hóa truyền thống dần bị mai một khiến những nguồn tài nguyên du lịch có nguy cơ bị phá hủy, không thể khôi phục.

Nằm trong số các danh lam thắng cảnh đẹp Việt Nam, thác Bản Giốc (Cao Bằng) có làn nước xanh ngắt với từng tầng thác đổ xuống chân đầy ấn tượng. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN

Nằm trong số các danh lam thắng cảnh đẹp Việt Nam, thác Bản Giốc (Cao Bằng) có làn nước xanh ngắt với từng tầng thác đổ xuống chân đầy ấn tượng. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN

Bên cạnh những thắng cảnh nổi tiếng được cả thế giới biết đến như: Thác Bản Giốc, núi Mắt Thần, động Ngườm Ngao, Cao Bằng còn có nhiều khe suối, thác nước nhỏ, đẹp như: Thác Hoa (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang); thác Cò Là (xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh); thung lũng Xuân Trường (huyện Bảo Lạc)... và nhiều ngôi làng cổ đẹp như tranh vẽ (làng cổ Phia Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa; làng Nà Vị, xã Minh Long, huyện Hạ Lang; làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh)...

Tuy nhiên đến nay, Cao Bằng vẫn chưa có quy hoạch du lịch khiến việc quản lý, bảo vệ các nguồn tài nguyên gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều địa phương lúng túng, không thể xử lý được các trường hợp xâm hại cảnh quan. Nhiều khu cảnh quan bị người dân lấn chiếm để dựng lều lán bán hàng, kinh doanh dịch vụ khiến cảnh vật trở nên nhếch nhác, lộn xộn, mất mỹ quan và không thể giải tỏa được. Điển hình nhất là tại khu vực Thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh), người dân lấn chiếm cả khu vực chân thác để bán hàng. Hoặc khu vực động Ngườm Ngao, người dân dựng nhiều nhà mái tôn, vách tôn, quây bạt để bán hàng. Câu chuyện về thác Nặm Ngùa (xã Ngọc Động, huyện Hà Quảng) đáng buồn hơn khi chính quyền địa phương để cho người dân tự ý xây dựng lều lán lợp mái tôn. Việc này khiến cảnh quan bị biến đổi.

Cùng với đó, nhiều ngôi làng cổ, nhà sàn truyền thống đã bị thay thế bởi những ngôi nhà xây 2 - 3 tầng hiện đại, tường xanh mái đỏ. Làng cổ Nà Vị (xã Minh Long) với những ngôi nhà sàn xây bằng đá cổ hàng trăm năm cũng đang bị những ngôi nhà tầng hiện đại dần thay thế. Làng đá cổ Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) - ngôi làng du lịch cộng đồng đông khách nhất của tỉnh Cao Bằng cũng đứng trước nguy cơ mai một khi nhiều gia đình làm dịch vụ du lịch, lưu trú nhưng không biết cách giữ văn hóa truyền thống, đưa những yếu tố ngoại lai vào kiến trúc. Thậm chí, một số hộ còn đập hẳn nhà truyền thống để xây dựng những homestay hiện đại, bề thế, phá vỡ không gian kiến trúc truyền thống của ngôi làng.

Một người kinh doanh du lịch ở huyện Trùng Khánh chia sẻ, ở Bản Viết (xã Phong Châu, Trùng Khánh) có ngôi làng cổ rất đẹp. Nhiều đơn vị muốn làm du lịch cộng đồng ở đó. Tuy nhiên khi những ngôi nhà cổ xuống cấp, người dân có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp nhưng lại không nhận ra giá trị của những ngôi nhà cổ. Chính quyền địa phương cũng không có biện pháp bảo tồn ngôi làng. Do đó, nhiều hộ dân đã phá dỡ, xây mới, tu sửa lại nhà theo phong cách hiện đại, phá vỡ không gian truyền thống của ngôi làng. Giờ đây, ngôi làng đã không thể phục hồi được như xưa.

Anh Cludio D’Angelo (một du khách đến từ Italia) cho biết, làng cổ Phia Thắp (xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa) là một ngôi làng đẹp, địa thế, núi non, phong cảnh hữu tình. Tuy nhiên đáng tiếc là người dân ở đây chưa nhận thức được giá trị của ngôi làng. Họ chưa quan tâm đến du lịch. Vì thế, họ vẫn để môi trường bị ô nhiễm, xây những ngôi nhà mái tôn kiểu hiện đại. Nếu không kịp thời gìn giữ thì cảnh quan, văn hóa ở đây sẽ bị phá vỡ và không thể phục hồi được.

Bà Nông Thị Tuyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng thừa nhận tình trạng xâm hại các khu cảnh quan, khu di sản đang diễn ra khá nghiêm trọng, đặc biệt là ở các khu du lịch đông khách.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, Sở đã xây dựng "Đề án phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035" với nội dung, quy mô, tính chất như một Quy hoạch du lịch cấp tỉnh. Tuy nhiên năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có nội dung về quy hoạch du lịch. Vì vậy, để tránh trùng lặp, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, Quy hoạch du lịch cần có tính khái quát cao và giá trị pháp lý cao hơn. Do đó, Đề án phát triển du lịch tỉnh sẽ được bổ sung, điều chỉnh và ban hành sau khi Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, ban hành.

Bà Nông Thị Tuyến đề nghị, tỉnh cần nhanh chóng xây dựng Đề án phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, các huyện đưa ra định hướng phát triển các khu du lịch. Trong khi chờ quy hoạch du lịch cấp tỉnh được phê duyệt, ban hành, các huyện, địa phương cần chủ động quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ tài nguyên du lịch; đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên du lịch.

Quốc Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/can-co-giai-phap-bao-ve-tai-nguyen-du-lich-cho-cao-bang-20241130093059886.htm
Zalo