Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần phát triển tỉnh Lâm Đồng

Việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng là hình thức huy động vốn đầu tư cho rừng theo cách lấy rừng nuôi rừng.

Dịch vụ môi trường rừng chống biến đổi khí hậu

Lâm Đồng là một trong những tỉnh thường xuyên bị tác động do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống của người dân như: vấn đề nóng lên của khí hậu, mưa đá, lốc xoáy, hạn hán, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ quét, ngập lụt, sạt lỡ đất… Trong 25 năm qua, nền nhiệt ở đây đã tăng 0,3 - 0,5 độ C; có sự chênh lệch lớn lượng mưa giữa mùa mưa và mùa khô trong năm.

Rừng tự nhiên, rừng phòng hộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước, giảm thiểu các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu và thiên tai. Không chỉ bảo vệ nhân dân khỏi thiên tai, mang đến hệ sinh thái trong lành, rừng còn mang lại nguồn thu nhập, lợi ích cho chủ rừng, cộng đồng tham gia giữ rừng. Độ che phủ của rừng được nâng lên, tạo môi trường sống của các loài động, thực vật quý hiếm và rừng phát triển tốt sẽ trở thành nguồn thu nhập cho người dân khi được hưởng dịch vụ môi trường rừng.

Có hơn 74% diện tích rừng của tỉnh Lâm Đồng đã ký hợp đồng khoán bảo vệ.

Có hơn 74% diện tích rừng của tỉnh Lâm Đồng đã ký hợp đồng khoán bảo vệ.

Lâm Đồng là một trong hai tỉnh đầu tiên thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực hiện chính thức từ năm 2011. Lãnh đạo tỉnh và các đơn vị hữu quan luôn xem việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học là hình thức huy động vốn đầu tư cho rừng theo cách lấy rừng nuôi rừng. Từ đó có tác động lớn tới việc góp phần ngăn chặn tác hại của biến đổi khí hậu.

Theo Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng, sau 14 năm triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay tỉnh Lâm Đồng có 67 đơn vị sử dụng môi trường rừng gồm 54 cơ sở sản xuất thủy điện, 12 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, 1 cơ sở sản xuất công nghiệp đã thực hiện ký hợp đồng ủy thác việc chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực hiện nộp tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.

Về đối tượng được cung ứng dịch vụ: trên địa bàn tỉnh hiện có 28 đơn vị chủ rừng nhà nước, 136 doanh nghiệp có dự án đầu tư được giao và thuê rừng, 3 cộng đồng, 1.455 hộ gia đình được giao đất, giao rừng và 4 đơn vị tổ chức khác (UBND xã).

Ngoài các đơn vị chủ rừng trực tiếp, còn có 36 tổ chức tập thể và 12.678 hộ gia đình cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng cũng đang được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (trong đó có 10.200 hộ đồng bào dân tộc) thông qua việc ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với các đơn vị chủ rừng nói trên.

Hết năm 2023, tổng diện tích có rừng trong lưu vực chi trả dịch vụ môi rừng toàn tỉnh hơn 399.739 ha, chiếm 74,3% diện tích rừng toàn tỉnh. Trong đó diện tích đã ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng hơn 318.244 ha, chiếm79,56%; còn lại hơn 81.495 ha các đơn vị được hưởng toàn bộ đơn giá chi trả theo hình thức tự quản lý bảo vệ.

Đơn giá chi trả được xác định cho từng lưu vực nhà máy (67 đơn giá) tương ứng với số tiền thực thu và diện tích cung ứng của lưu vực, sau khi đã thực hiện điều tiết đơn giá giữa các lưu vực theo quy định hiện hành, số tiền chi trả cho 1ha rừng cung ứng dịch vụ thấp nhất là 445.000 đồng/ha và cao nhất là 2.723.000 đồng/ha.

Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã lượng hóa giá trị môi trường rừng về vai trò bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.

Bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản; góp phần làm giảm tình trạng mất rừng và làm tăng khả năng phòng hộ của rừng cũng như giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.

Bảo vệ rừng, sinh kế bền vững

Chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện thí điểm từ năm 2009 theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10-4-2008. Lâm Đồng là 1 trong 2 tỉnh (cùng với Sơn La) tham gia triển khai thí điểm, làm cơ sở đánh giá, nhân rộng ra toàn quốc theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 và hiện nay hoạt động này đã được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018; Nghị định 91/2024/NĐ-CP ngày 18-7-2024 của Chính phủ.

Bản chất của chi trả dịch vụ môi trường rừng là quan hệ kinh tế giữa các chủ thể trong nền kinh tế, theo đó có ít nhất một bên mua và một bên bán thực hiện giao dịch kinh tế dựa trên kết quả, cụ thể là giữa bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (phải chi trả tiền) và bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (nhận được tiền).

Một buổi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Một buổi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ và giảm chi từ nguồn ngân sách cho công tác quản lý bảo vệ rừng; mang yếu tố bền vững qua nhiều năm và không đánh đổi bằng khai thác trực tiếp tài nguyên rừng gián tiếp làm cho tài nguyên rừng ngày càng bền vững.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục khẳng định là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc huy động các nguồn lực của xã hội để chung tay bảo vệ và phát triển rừng. Trong thời gian tới, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được tỉnh Lâm Đồng xem là nguồn tài chính quan trọng để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh gắn với nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện thu 4/5 loại dịch vụ quy định (dịch vụ nuôi cá nước lạnh chưa thu, dịch vụ du lịch chuyển sang chi trả trực tiếp từ năm 2020). Tổng số tiền thu được từ giai đoạn 2011–2023 là 3.158 tỉ đồng (243 tỉ đồng/năm). Trong đó, thu từ thủy điện chiếm tỷ trọng 95% nguồn thu. Dự kiến nguồn thu của Lâm Đồng sẽ ổn định khoảng 330-350 tỉ đồng/năm.

Tháo gỡ khó khăn để phát triển rừng bền vững

Từ năm 2022 trở về trước, tỉnh Lâm Đồng thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo 2 lưu vực dòng sông chính là sông Đồng Nai và sông Sêrêpôk. Trong đó, lưu vực sông Sêrêpốk có diện tích hơn 86.105 ha, với số tiền thu được là 58,596 tỉ đồng; lưu vực sông Đồng Nai có diện tích 313.044 ha, số tiền thu được 375,278 tỉ đồng.

Trên cơ sở phân chia diện tích theo 2 lưu vực sông, UBND tỉnh xác định đơn giá chi trả theo 2 lưu vực, cụ thể lưu vực sông Sêrêpốk có đơn giá 936.000 đồng/ha và lưu vực sông Đồng Nai có đơn giá 1.214.000 đồng/ha).

Các hộ nhận khoán cùng lực lượng kiểm lâm đi tuần tra bảo vệ rừng.

Các hộ nhận khoán cùng lực lượng kiểm lâm đi tuần tra bảo vệ rừng.

Từ năm 2023 và các năm tiếp theo, lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng từng nhà máy: là ranh giới khu vực có diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho 1 bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (cung ứng cho 1 nhà máy). Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 67 lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng từng nhà máy. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng dự kiến phát sinh mới 4 lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, gồm lưu vực cung ứng liên tỉnh là lưu vực nhà máy thủy điện (Phú Tân 2) và 3 lưu vực cung ứng nội tỉnh (1 nhà máy thủy điện; 1 nhà máy sản xuất nước sạch; 1 cơ sở sản xuất công nghiệp).

Việc thực hiện chi trả theo các lưu vực cung ứng theo từng nhà máy bước đầu có những khó khăn nhất định do các chủ rừng, nhất là các hộ nhận khoán chưa hiểu rõ về quy định. Tuy nhiên, việc áp dụng này là cần thiết, đảm bảo đúng quy định của Nghị Định 156, trả lại đúng giá trị của rừng đó là thúc đẩy việc phát triển chất lượng rừng. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân công cuộc bảo vệ và phát triển rừng sẽ ngày càng phát triển.

Diện tích rừng cung ứng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại Lâm Đồng tăng dần hàng năm, tính đến năm 2024 ước đạt 400.000 ha, chiếm khoảng 74% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Trong đó, các chủ rừng là tổ chức nhà nước ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với khoảng 13.000 hộ dân tại địa phương (hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số). Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho bên cung ứng giai đoạn năm 2011-2023 là 2.756 tỉ đồng (212 tỉ đồng/năm).

P.V

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-gop-phan-phat-trien-tinh-lam-dong-196241130094247119.htm
Zalo