Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, người dân tộc thiểu số
Góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là nữ được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn để đảm bảo thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, thảo luận
Như Báo PNVN đã đưa, sáng 7/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Về vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm tại Điều 9 và vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Điều 10, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo và những hộ không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, những hoàn cảnh gia đình khó khăn được chính quyền địa phương ở nơi cư trú xác nhận. Việc có chính sách cho các đối tượng này được vay vốn với lãi suất thấp là hết sức cần thiết, giúp họ có nguồn tiền để đi lao động nước ngoài hoặc chủ động tạo việc làm, đảm bảo việc thoát nghèo bền vững
Còn tại điểm c khoản 2 Điều 9 và điểm b khoản 2 Điều 10 quy định đối tượng người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, nên bỏ cụm từ "dân tộc Kinh", để tất cả người lao động thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn đều được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, không phân biệt thành phần dân tộc. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 9 đề nghị bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là nữ được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn để đảm bảo thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Về chính sách của Nhà nước về việc làm, đại biểu Hà Sỹ Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đề nghị bổ sung vào Điều 4 khoản 4 và viết lại như sau: "có chính sách hỗ tự tạo việc làm, chuyển đổi việc làm, thích ứng với già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, hỗ trợ người sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, là lao động nữ, người chấp hành xong án phạm tù, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, sử dụng nhiều lao động tại địa phương, vùng nông thôn, miền núi theo quy định của Chính phủ".
Theo đại biểu, quy định như vậy nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, góp phần chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động ở khu vực nông thôn và miền núi.
Về vay vốn tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm tại Điều 9, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, khoản 2 dự thảo luật quy định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn là cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ có sử dụng lao động nữ chiếm trên 50% và người lao động là người cao tuổi. Để tạo điều kiện cho những đối tượng này tiếp cận gần hơn với nguồn vốn, góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực cho họ tích cực trong lao động sản xuất, góp phần thực hiện tốt chính sách, chế độ đảm bảo quyền phát huy của phụ nữ và người cao tuổi trong lĩnh vực việc làm.
Về đối tượng tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, đánh giá cấp chứng chỉ nghề quốc gia tại Điều 23, đại biểu cũng đề nghị nghị cơ quan soạn thảo nên bổ sung đối tượng là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề được hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò cũng như khả năng tiếp cận nghề nghiệp, thúc đẩy chính sách về bình đẳng giới.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, thảo luận
Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho rằng, chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 4), dự thảo luật quy định "hỗ trợ người sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ". Điều này là tích cực khi mở rộng chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, người lao động bị cắt giảm do sắp xếp bộ máy có được ưu tiên tái bố trí đào tạo lại, chuyển đổi việc làm không.
Mặt khác, "dự thảo luật chưa cập nhật xu hướng mới là tác động của trí tuệ nhân tạo AI, Robot, tự động hóa chưa được phản ánh trong chính sách hỗ trợ lao động, nhóm lao động bị mất việc vì chuyển đổi công nghệ là một dạng lao động dễ tổn thương mới" - đại biểu Thạch Phước Bình nói.