Cần chính sách đặc thù để phát triển đường sắt đô thị

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong phiên thảo luận tại tổ chiều 14/2, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có chính sách đặc thù để không còn tình trạng 20 năm mới có 40,5/1000km đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường chỉ ra thực tế: “Trong 20 năm qua, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới hoàn thiện được 40,5/1000km quy hoạch đường sắt đô thị phải thực hiện. Do đó, hai thành phố đã xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét với tiến độ rất gấp.”

Phân tích thêm, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, trong đề án, TP. Hà Nội có 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 619km, TP. Hồ Chí Minh là 10 tuyến với chiều dài 510km. TP. Hà Nội có 3 phân kỳ với giai đoạn 1: Từ nay 2030 hoàn thành 4 tuyến, từ 2030 - 2035 hoàn thành tiếp 5 tuyến còn lại trong 10 tuyến theo quy hoạch, 2035 - 2045 hoàn thành toàn bộ 15 tuyến.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

“Đây là tiến độ rất gấp, nguồn lực lớn. Với cung cách triển khai như hiện tại thì không thể thực hiện được câu chuyện này”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng các cơ chế, chính sách đặc thù đi kèm với đề án thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ là rất cần thiết để hoàn thành được tiến độ đã đề ra.

Cũng liên quan tới bộ giải pháp phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng cần “từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực đường sắt”.

Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Đại biểu bày tỏ sự tin tưởng về năng lực của các đơn vị trong nước: “Như trong lĩnh vực địa chất, điều tra đánh giá địa chất để phục vụ dự án thì các đơn vị có năng lực rất lâu năm, hoàn toàn có thể đảm nhận được việc thực hiện dự án”.

Do đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào dự án, có cơ chế giao nhiệm vụ cho cơ quan trong nước thực hiện, có chính sách đặc thù để tập trung đầu tư, phát triển nghiên cứu tạo đột phá làm chủ công nghệ, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo chương trình làm việc, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vào cuối kỳ họp.

Vân Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/can-chinh-sach-dac-thu-de-phat-trien-duong-sat-do-thi-302834.htm
Zalo