Cận cảnh ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận bảo vật quốc gia

Ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận bảo vật quốc gia là hiện vật quý giá, biểu tượng cho quyền lực tối cao của vương triều, mang nhiều giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình, trang trí của mỹ thuật...

Ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024). Trong đó, 4 bảo vật dưới triều Nguyễn lưu giữ ở Huế được công nhận gồm chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng, phù điêu thời Minh Mạng, cặp tượng rồng thời Thiệu Trị và ngai Hoàng đế Duy Tân.

Ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận bảo vật quốc gia.

Ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận bảo vật quốc gia.

Theo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, hoàng đế Duy Tân lên ngôi năm 1907, là hoàng đế thứ 11 của triều Nguyễn khi mới 7 tuổi. Để phù hợp với vóc dáng của hoàng đế, triều đình cho đặc chế chiếc ngai với kích thước nhỏ dùng trong lễ đăng quang của nhà vua.

Ngai hoàng đế Duy Tân (niên đại đầu thế kỷ XX) là hiện vật biểu trưng đầy đủ tính vương quyền của chế độ quân chủ đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình - điêu khắc có giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật đặc sắc.

Hoa văn trang trí trên ngai được áp dụng kỹ thuật sơn, thếp vẽ vàng.

Hoa văn trang trí trên ngai được áp dụng kỹ thuật sơn, thếp vẽ vàng.

Dưới thời hoàng đế Duy Tân (1907 - 1916), chiếc ngai của hoàng đế - biểu tượng quyền lực của vương triều, gắn liền với vua vẫn được chế tác dựa trên những nguyên tắc cơ bản của điển chế triều đình về chế tạo đồ.

Ngai hoàng đế Duy Tân, biểu tượng quyền lực của ngôi vị đế vương, ngai được trang trí với đồ án chủ đạo là rồng 5 móng. Tạo hình rồng trên ngai được thể hiện ở nhiều vị trí với nhiều tư thế, biểu đạt những trạng thái khác nhau.

Rồng ở phần bệ ngai chạm nổi gồ ghề, mang vẻ uy nghi.

Rồng ở phần bệ ngai chạm nổi gồ ghề, mang vẻ uy nghi.

Những hoạt tiết tỉ mỉ trên chiếc ngai.

Những hoạt tiết tỉ mỉ trên chiếc ngai.

Ở điểm tỳ tay, đầu rồng ngẩng cao, nét điêu khắc đơn giản nhưng chắc khỏe. Rồng ở phần bệ ngai chạm nổi gồ ghề, mang vẻ uy nghi, kết hợp với hình tượng chim phụng thể hiện dáng điệu thăng hoa, viên mãn.

Rồng được thể hiện ở nhiều dạng thức và góc độ khác nhau, độc lập hoặc kết hợp với các yếu tố khác như phượng hoàng, dơi, hoa lá, mây, viên ngọc... thể hiện ước vọng trường tồn, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ và những điều tốt đẹp.

Hoàng đế Duy Tân ngự trên ngai. Ảnh tư liệu do Bảo tàng Cổ vật cung đình cung cấp.

Hoàng đế Duy Tân ngự trên ngai. Ảnh tư liệu do Bảo tàng Cổ vật cung đình cung cấp.

Ngoài ra, tùy theo vị trí các kiểu thức, hoa văn trang trí trên ngai mà áp dụng kỹ thuật sơn, thếp vẽ vàng, chạm nổi hay chạm lộng, phần nào thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng như bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đương thời.

Lãnh đạo Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cho biết, lên ngôi khi vừa tròn 7 tuổi, hoàng đế Duy Tân sớm trưởng thành, chững chạc trong tính cách, mang khí phách của một bậc đế vương. Vỏn vẹn 9 năm trên ngai vàng và 30 năm sống lưu vong, nhưng mong ước giành độc lập cho quê hương vẫn luôn là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời của hoàng đế Duy Tân.

Chiếc ngai được trưng bày tại trụ sở bảo tàng ở số 3 Lê Trực, quận Phú Xuân, TP Huế.

Chiếc ngai được trưng bày tại trụ sở bảo tàng ở số 3 Lê Trực, quận Phú Xuân, TP Huế.

"Là biểu tượng cho quyền lực tối cao của vương triều, ngai hoàng đế Duy Tân là hiện vật quý giá, mang nhiều giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình, trang trí của mỹ thuật Nguyễn đầu thế kỷ XX, gắn liền với lịch sử triều Nguyễn và một phần cuộc đời của hoàng đế Duy Tân - một vị vua có nhiều nỗ lực trong việc tìm cách khôi phục nền độc lập, tự chủ của quốc gia...

Ngoài ra, hiện vật ngai hoàng đế Duy Tân còn là vật chứng lịch sử sống động, góp phần giúp hậu thế khám phá, tìm hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc", ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thông tin.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-canh-ngai-hoang-de-duy-tan-vua-duoc-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-169250219210342726.htm
Zalo