Cảm xúc tự hào, hạnh phúc khi chứng kiến Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Rạng sáng ngày 30/4, hàng chục nghìn người dân đã nô nức đổ về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh từ các ngả đường để tận mắt chứng kiến màn diễu binh, diễu hành mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

 Gia đình ông Nguyễn Đắc Tân cùng với gia đình mà ông đã ở sau ngày Giải phóng miền nam có mối quan hệ thân thiết như ruột thịt, cùng nhau đi xem Lễ kỷ niệm.

Gia đình ông Nguyễn Đắc Tân cùng với gia đình mà ông đã ở sau ngày Giải phóng miền nam có mối quan hệ thân thiết như ruột thịt, cùng nhau đi xem Lễ kỷ niệm.

Ai cũng bày tỏ niềm vui, hạnh phúc, xúc động và tự hào. Gia đình ông Nguyễn Đắc Tân đã cùng với gia đình đồng đội từ Hà Nội vào thăm lại chiến trường xưa đúng vào dịp kỷ niệm trọng đại này. Ông Tân cho biết, bản thân từng tham gia chiến đấu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và đặc biệt là tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26 đến 30/4/1975.

“Được chứng kiến không khí của Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước tôi rất bồi hồi, xúc động và cũng rất hạnh phúc vì những năm tháng ấy, mình cũng đã góp một phần nhỏ bé để cùng đồng đội tham gia giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”, ông Tân xúc động chia sẻ.

Tận mắt chứng kiến sự chuẩn bị công phu, hoành tráng của Lễ kỷ niệm ông Tân nói “chương trình sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho những người đã từng tham gia chiến đấu như chúng tôi”.

Ông Tân cũng chia sẻ thêm, khi miền nam giải phóng, ông đã ở lại với người dân miền nam một thời gian ngắn nhưng tình cảm thì vô cùng sâu nặng. “Người nam, người bắc nhưng chúng tôi thật sự đã là một gia đình suốt mấy chục năm qua. Hôm nay vào đây, chúng tôi đi tới đây cùng con cháu của gia đình mà ngày xưa mình đã từng ở”, ông Tân vui mừng kể.

Ông Cao Tiến Niêng cùng con cháu có mặt từ đêm để theo dõi chương trình của Lễ kỷ niệm.

Ông Cao Tiến Niêng cùng con cháu có mặt từ đêm để theo dõi chương trình của Lễ kỷ niệm.

Cũng từng tham gia kháng chiến, ông Cao Tiến Niêng (ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) những ngày này vô cùng phấn khởi. Từ đêm hôm qua (29/4), ông đã cùng con trai, con dâu và 2 cháu nội tới khu vực Dinh Độc Lập và ở lại trung tâm để xem Lễ diễu binh, diễu hành vào sáng 30/4.

Tham gia chiến trường từ năm 1970, ông Niêng từng là bộ đội đặc công nước. Chia sẻ cảm xúc hôm nay khi tới đây, ông Niêng vô cùng tự hào và xúc động. Đi cùng bố, con trai của ông Niêng bày tỏ niềm hãnh diện và tự hào khi được làm con của một người lính như bố mình.

Anh chia sẻ: “Bố là niềm tự hào của tôi và gia đình. Bố tôi luôn là tấm gương cho con cháu noi theo - một người lính bộ đội Cụ Hồ. Dù không phải là đứng trong hàng ngũ lực lượng hải quân như bố nhưng hiện tại tôi cũng đang làm nhiệm vụ phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Tôi luôn dặn mình phải cố gắng, nỗ lực không ngừng để xứng đáng với những hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha ông”.

Tình yêu quê hương, đất nước dù mỗi giai đoạn được thể hiện bằng những hành động khác nhau nhưng tất cả đều xuất phát từ trái tim của mỗi người con Việt Nam. Những ngày này, các bạn trẻ từ khắp nơi cũng đã về Thành phố Hồ Chí Minh để cùng hòa vào không khí hào hùng của dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng con gái là bé Nguyễn An Nam Phương (6 tuổi, học sinh Trường mầm non Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) lên trung tâm thành phố từ 5 giờ chiều ngày 29/4 để chờ xem chương trình Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Chị Giàu chia sẻ cảm xúc vô cùng hạnh phúc và tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng - Mười tám thôn vườn trầu. “Đây thật sự là một ngày rất đặc biệt trong cuộc đời tôi nên cả hai mẹ con đều rất háo hức chuẩn bị để có thể được tận mắt chứng kiến Lễ kỷ niệm. Chưa làm được việc gì lớn lao, nhưng tôi luôn cố gắng bằng những việc làm nhỏ nhất, hàng ngày của mình để thể hiện tình yêu đất nước.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng con gái thức trắng đêm để đợi xem Lễ kỷ niệm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng con gái thức trắng đêm để đợi xem Lễ kỷ niệm.

Chẳng hạn như hôm nay, tôi đã lựa chọn mặc chiếc áo dài có in hình ảnh đất nước Việt Nam để tham gia buổi lễ. Tôi rất hãnh diện và tự hào khi là người Việt Nam”.

Bạn Phạm Nguyễn Như Hằng, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Thái Lan bày tỏ niềm tự hào và hân hoan khi được tham gia vào Lễ kỷ niệm trọng đại này. Cũng như các bạn trẻ cùng thế hệ, Hằng cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự thay đổi mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh - một thành phố anh hùng, một nơi từng hứng chịu biết bao mất mát trong chiến tranh nay đã vươn mình kiêu hãnh, hiện đại và tràn đầy sức sống.

Hằng chia sẻ: “Trong khoảnh khắc thiêng liêng này em nghĩ nhiều tới trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng em. Chúng em may mắn lớn lên trong hòa bình, tiếp cận với tri thức hiện đại, được học hỏi từ tinh hoa thế giới, nhưng đồng thời cũng mang trong mình tiếp nối sứ mệnh ước mơ còn đang dang dở của cha ông đó là đưa đất nước vươn tới những tầm cao mới”.

Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Thái Lan Phạm Nguyễn Như Hằng cũng nhấn mạnh, thế hệ trẻ dù đang học tập ở trong hay ngoài nước luôn giữ vững tình yêu quê hương đất nước trong tim mình dù đi đâu, làm gì hãy luôn nhớ rằng luôn mang trong mình dòng máu kiên cường của dân tộc Việt Nam. Không ngừng học hỏi, không ngừng sáng tạo, dám mơ những giấc mơ lớn và kiên trì theo đuổi những giấc mơ ấy bằng tất cả trí tuệ, nhiệt huyết và bản lĩnh.

“Thế hệ hôm nay sẽ viết tiếp trang vàng rực rỡ cho đất nước sẽ xây dựng một Việt Nam không chỉ hòa bình, tự do mà còn hùng cường, thịnh vượng, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để khi nhắc tới Việt Nam thế giới sẽ nghĩ về một dân tộc đầy tự hào đầy kiên cường và đầy khát vọng”- Hằng xúc động nói.

Vợ chồng chị Phạm Thị Thu Hường (giảng viên Đại học Y Hà Nội) cảm thấy may mắn khi có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh dịp này để trực tiếp chứng kiến những khoảnh khắc kỳ diệu này.

Vợ chồng chị Phạm Thị Thu Hường (giảng viên Đại học Y Hà Nội) cảm thấy may mắn khi có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh dịp này để trực tiếp chứng kiến những khoảnh khắc kỳ diệu này.

Trước giờ Lễ kỷ niệm bắt đầu, tại đường Lê Duẩn, chúng tôi gặp và trò chuyện với vợ chồng chị Phạm Thị Thu Hường (giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội) cùng con gái học lớp 2 vào Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28/4 để tham dự Lễ diễu binh, diễu hành.

Chị Hường chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi đúng thời khắc này được có mặt tại đây để trực tiếp cảm nhận sự hào hùng, lòng yêu nước, chứng kiến không khí vừa trang nghiêm, xúc động, vừa hoành tráng của Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông. Cảm xúc lúc này lâng lâng khó tả. Đó sẽ là động lực để chúng tôi - những người trẻ luôn phấn đấu để trở thành người công dân tốt hơn nữa, góp sức xây dựng quê hương, đất nước".

VƯƠNG LÊ-TÙNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cam-xuc-tu-hao-hanh-phuc-khi-chung-kien-le-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-post876451.html
Zalo