Cẩm Thủy hỗ trợ phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế
Nhờ được hỗ trợ vốn và con giống, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cặp bò của gia đình chị Nguyễn Thị Sáu ở thôn Phúc Mỹ - kết quả từ việc Hội LHPN xã Cẩm Tân hỗ trợ cho chị một con bò sinh sản trước đó nhằm tạo sinh kế thoát nghèo.
Trước đây, gia đình chị Trịnh Thị Loan ở thôn Kìm, xã Cẩm Ngọc thuộc diện hộ cận nghèo. Từ khi được Hội LHPN xã tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, cuộc sống của gia đình chị trở nên khấm khá hơn và đã thoát khỏi hộ cận nghèo. Năm 2022 chị Loan được Hội LHPN xã bình xét cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thông qua ủy thác của hội với lãi suất ưu đãi. Từ số tiền được vay, chị sử dụng để sửa sang, xây dựng chuồng trại và mua 30 con lợn giống về nuôi.
Hơn 3 năm phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đến nay đàn lợn của gia đình chị đã có 5 lợn nái sinh sản và 50 lợn thịt, sau khi đã trừ chi phí, đem lại khoản thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Chị Loan cho biết: “Ngoài được tiếp cận gói vay phát triển sản xuất, tôi còn được tiếp cận gói vay sinh viên. Nhờ gói vay này, 3 con của tôi có điều kiện được ăn học. Hiện các con tôi đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định, gia đình tôi vừa ra khỏi hộ cận nghèo cuối năm 2024”.
Là mẹ đơn thân, nuôi 3 con ăn học nên cuộc sống của mẹ con chị Nguyễn Thị Sáu ở thôn Phúc Mỹ, xã Cẩm Tân luôn trong tình trạng “thiếu trước, hụt sau”. Để giúp chị có cuộc sống ổn định và nuôi các con ăn học nên người, Hội LHPN xã Cẩm Tân đã hỗ trợ cho chị một con bò sinh sản. Sau hơn 4 năm được hỗ trợ con giống, đến nay bò đã sinh sản được 3 con bê. Con bê đầu tiên được chị giao cho Hội LHPN xã trao tặng lại cho hội viên khác có hoàn cảnh khó khăn, con bê thứ 2 chị bán được trên 12 triệu đồng. Hiện tại chị có 1 cặp bò, gồm bò mẹ và bê con được gần 1 năm tuổi.
Chị Sáu chia sẻ: “Thấu hiểu hoàn cảnh của tôi, Hội LHPN xã Cẩm Tân đã trao tặng cho tôi một con bò giống làm kế sinh nhai. Nhờ có con bò này, cuộc sống của mẹ con tôi đã bớt khó khăn hơn, các con có điều kiện được học hành đến nơi, đến chốn. Ngoài hỗ trợ bò giống, năm 2022 tôi còn được Hội LHPN xã tạo điều kiện cho tiếp cận gói vay NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng để chăn nuôi thêm gà, ngan và lợn thịt. Từ chăn nuôi, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình hàng chục triệu đồng/năm và gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo cuối năm 2024”.
Ngoài chị Loan, chị Sáu, nhiều hội viên khác trên địa bàn huyện Cẩm Thủy sau khi được Hội LHPN hỗ trợ con giống, tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất đã vươn lên thoát nghèo.
Đánh giá hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo trên địa bàn huyện thời gian quan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Thủy Nguyễn Thị Thành, cho biết: Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được hội xem là khâu đột phá nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em, đồng thời góp phần vào nhiệm vụ chung của huyện là giảm hộ nghèo, cận nghèo. Vì vậy, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội tập trung khảo sát hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương, tìm nguyên nhân nghèo, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể. Nếu thiếu vốn sẽ hỗ trợ vốn, con giống, còn thiếu kiến thức sẽ hỗ trợ dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Đến nay, đã có 8.518 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế, tổng dư nợ các nguồn vốn đạt 737,031 tỷ đồng... Ngoài hỗ trợ vốn, Hội LHPN còn hỗ trợ, trao 49 còn bò giống và trên 3 nghìn con gà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên và đã thu hút được đông đảo hội viên tham gia.
Bằng cách làm này, đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên vươn lên thoát khỏi nghèo, cận nghèo. Riêng năm 2024 đã có 167 hội viên thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo. Từ kết quả này, đóng góp tích cực vào mục tiêu chung của huyện, giảm hộ nghèo xuống còn 1,79%, hộ cận nghèo còn 2,59% vào cuối năm 2024.