Đồng USD bất ngờ neo đáy

Chỉ số Dollar Index phản ánh sức mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế đã bất ngờ tụt xuống mức thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây. Điều này phản ánh phần nào 'sức khỏe' của nền kinh tế Mỹ, cũng như niềm tin lung lay của các nhà đầu tư trước những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Lao dốc bất ngờ

Phiên ngày 17/2/2025 chỉ số Dollar Index, đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đóng cửa ở mức 106,58 điểm, thấp nhất kể từ trung tuần tháng 12/2024. Đến sáng ngày 18/02/2025, chỉ số này có dấu hiệu phục hồi khá mạnh, có thời điểm tăng 0,25%, đạt 106,84 điểm. Dù vậy, trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ số Dollar Index đã giảm hơn 1,1%.

Chủ tịch Jerome Powell tại cuộc họp báo ở Washington vào ngày 29/1 nhấn mạnh, Fed không vội cắt lãi suất trong thời gian tới.

Chủ tịch Jerome Powell tại cuộc họp báo ở Washington vào ngày 29/1 nhấn mạnh, Fed không vội cắt lãi suất trong thời gian tới.

Giới chuyên gia cho rằng việc đồng USD đột ngột lao dốc phản ánh phần nào về sự bất ổn trong nền kinh tế của xứ cờ hoa. Điều này cũng cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về hệ quả tiêu cực mà chính sách của ông Trump có thể gây ra cho kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, sự do dự trong quá trình hoạch định đường đi lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến giá của đồng bạc xanh.

Những dấu hiệu lo ngại của nền kinh tế Mỹ

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này đã giảm 0,9% trong tháng đầu năm 2025 - mức giảm mạnh nhất gần 2 năm. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại ngay trong những tháng đầu năm nay.

Doanh số bán lẻ của xứ cờ hoa giảm cũng phản ánh phần nào về tâm lý ít lạc quan của người tiêu dùng Mỹ. Theo khảo sát của Đại học Michigan, người tiêu dùng Mỹ tin rằng lạm phát có thể chạm mức cao nhất trong 15 tháng vào đầu tháng 2/2025. Dấu hiệu phản ánh mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Đồng thời tạo tiền đề để Fed cân nhắc cắt giảm lãi suất, tiếp sức cho kinh tế. Việc giảm lãi suất có thể khiến cho đồng bạc xanh kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc doanh số bán lẻ sụt giảm bất ngờ cũng khiến các nhà đầu tư nao núng, chuyển hướng tìm những kênh đầu tư an toàn hơn như vàng, trái phiếu chính phủ, hay các đồng tiền khác (như CHF, JPY). Từ đó mà nhu cầu về đồng bạc xanh sụt giảm trầm trọng - nguyên nhân khiến chỉ số Dollar Index lao dốc không phanh.

Hệ quả từ chính sách mới

Từ đầu năm 2025, Tổng thống Donald Trump đã công bố một loạt chính sách thuế quan mới nhằm điều chỉnh cán cân thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Trong đó nổi bật là chính sách thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, dự kiến mức thuế lên đến 25%. Động thái này được cho rằng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến di cư bất hợp pháp và ngăn chặn nguồn chảy bất hợp pháp của chất gây nghiện fentanyl vào nước Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump cũng khiến cả thế giới nghiêng ngả khi đưa ra quyết định tăng thêm 10% thuế đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc đến Mỹ.

Không dừng lại ở đó, người điều hành Nhà Trắng tiếp tục đưa ra chính sách áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Và gần đây nhất, Tổng thống Trump thông báo áp thuế 25% lên ôtô, dược phẩm và chip bán dẫn với mục đích tạo ra sự cân bằng trong quá trình nhập khẩu ôtô giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, đồng thời khuyến khích các công ty sản xuất dược phẩm và chip bán dẫn chuyển hoạt động về Hoa Kỳ.

Tuy nhiên phần lớn các kế hoạch thuế quan được ông Trump công bố tính đến thời điểm này đều đang bị trì hoãn thay vì triển khai ngay lập tức. Chính điều này đã dấy lên nhiều đồn đoán rằng những chính sách thuế quan từ chính phủ Trump chỉ là chiến thuật đàm phán chứ không thực sự được đưa vào thực tiễn. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nên tất cả sự bấp bênh này vẫn dẫn tới áp lực giảm giá cho đồng USD, các nhà đầu tư quay lại các kênh đầu tư an toàn như vàng hay trái phiếu.

Fed ậm ờ về kế hoạch lãi suất trong tương lai

Ngày 19/2, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed, nơi các nhà giao dịch có thể tìm kiếm những manh mối mới về đường đi của lãi suất. Chuck Carlson, giám đốc điều hành tại Horizon Investment Services ở Hammond, Indiana cho biết: "Có bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang chậm lại một chút và các quan chức Fed chắc chắn đang theo dõi sát sao. Nhưng tôi không nghĩ họ cảm thấy áp lực trước sự biến đổi tiêu cực của thị trường, ít nhất là tại thời điểm này, để giảm lãi suất trong thời gian tới".

Phán đoán này không phải là điều vô căn cứ khi lãi suất được giữa nguyên trong cuộc họp vào tháng 1 vừa rồi. Trong cuộc họp báo sau đó, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã tuyên bố rằng Fed không vội cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Trước đó, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn cơ bản trong khoảng 4,25 - 4,50%. Lãi suất của Fed có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vay của doanh nghiệp và cá nhân, tác động đến nhiều lĩnh vực như thế chấp nhà ở hay tín dụng tiêu dùng. Quyết định này phản ánh lập trường thận trọng của Fed trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố biến động, đặc biệt là áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Khi lãi suất không tăng thêm, sức hấp dẫn của USD có thể suy giảm do nhà đầu tư không còn kỳ vọng lợi suất cao hơn từ các tài sản định giá bằng USD, chẳng hạn như trái phiếu kho bạc. Điều này có thể khiến dòng vốn dịch chuyển sang các loại tài sản khác có lợi suất hấp dẫn hơn, dẫn đến nhu cầu đối với USD giảm và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Ngoài ra, nếu các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng Anh (BoE) tiếp tục chính sách tăng lãi suất, USD có thể bị định giá thấp hơn so với đồng EUR hoặc GBP. Nhìn chung, quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed có thể tạo ra áp lực giảm giá đối với USD trong trung hạn.

Vân Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dong-usd-bat-ngo-neo-day-i759993/
Zalo