Cấm thuốc lá điện tử: tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, khả thi

Chỉ cần một cuộc gọi hoặc một cú nhấp chuột, khách hàng có thể dễ dàng mua thuốc lá điện tử dù mặt hàng này đã bị cấm. Pháp luật hiện hành đã có chế tài xử lý hình vi buôn bán thuốc lá điện tử nhưng hành vi sử dụng thì...

Chú thích ảnh Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở bán thuốc lá điện tử tại một cơ sở ở quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Cục QLTT TP Hà Nội

Chú thích ảnh Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở bán thuốc lá điện tử tại một cơ sở ở quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Cục QLTT TP Hà Nội

Thị trường “ngầm” với các thủ đoạn tinh vi

Sau khi Quốc hội ra Nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 1/1/2025, phần lớn các cửa hàng đã đồng loạt nghỉ bán, sang nhượng mặt bằng. Trên các nền tảng thương mại điện tử như: shopee, lazada cũng không cho phép buôn bán các sản phẩm này. Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội tình trạng mua bán và quảng cáo thuốc lá điện tử vẫn diễn ra phổ biến.

Để kiểm chứng, chỉ sau vài giây tìm kiếm với từ khóa “pod giá rẻ” hoặc các từ khóa khác như: “thuốc lá điện tử”, “mua pod”... hàng chục tài khoản và hội nhóm bán hàng xuất hiện công khai với các sản phẩm đa dạng mẫu mã, giá từ 200.000 - 1.500.000 đồng, nhiều khi còn đắt hơn vì mặt hàng này giờ được xếp vào loại khan hiếm.

Điều đáng bàn, trên các hội nhóm, rất nhiều tài khoản đăng tin tìm mua pod kèm hình ảnh mã sản phẩm cần mua. Dưới mỗi bài đăng tìm mua hàng của khách, người bán gửi lời mời chào kèm bảng giá, mẫu mã, số điện thoại để dễ bề giao dịch. Ngoài ra, mỗi sản phẩm thường được đóng gói cẩn thận, đệm chống sốc, bọc kín nhiều lớp, đi kèm cả hướng dẫn sử dụng hoặc hình ảnh bắt mắt như một món đồ công nghệ cao cấp. Một số người bán còn tự thiết kế bao bì để tạo cảm giác “an toàn” và “chuyên nghiệp”. Hình thức ngụy trang sản phẩm ngày càng tinh vi như: bút viết, USB hay thậm chí là kẹo cao su để tránh bị phát hiện trong quá trình vận chuyển.

Anh N.T.X (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trên mạng xã hội facebook, tiktok có nhiều hội nhóm bán thuốc lá điện tử. Khi có nhu cầu mua, chỉ cần tìm các bài đăng cũ của cửa hàng bán pod và nhắn tin là họ ship ngay. “Giờ các trang bán thuốc lá điện tử ít đăng bài mới nhưng chỉ cần mình nhắn tin cho các tài khoản từng đăng bài họ đều có hàng, đủ mẫu mã, chủng loại để lựa chọn. Chỉ cần cọc trước hàng sẽ được ship toàn quốc và nội dung đơn hàng sẽ ghi nội dung khác để tránh bị phát hiện” - anh X chia sẻ thêm.

Chưa có chế tài xử lý hành vi sử dụng thuốc lá điện tử

Nhằm ngăn chặn hiện tượng lợi dụng mạng xã hội để buôn bán thuốc lá điện tử, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Bình cho biết, đơn vị vừa có công văn 72/TTTN-NV gửi Chi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư yêu cầu siết chặt kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Cụ thể, bên cạnh việc kiểm tra trực tiếp tại các địa điểm kinh doanh, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng yêu cầu các đơn vị QLTT chú trọng kiểm soát việc mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên môi trường mạng internet. Song song với công tác kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh cam kết không buôn bán, tàng trữ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Nguyễn Đăng Sinh, lệnh cấm sử dụng thuốc lá điện tử đã chính thức có hiệu lực, đây là cơ sở để lực lượng chức năng đẩy mạnh các chiến dịch kiểm tra, xử lý triệt phá các đường dây cung cấp thuốc lá điện tử trái phép. “Bên cạnh chế tài nghiêm khắc, cần đẩy mạnh việc kiểm soát thông tin trên không gian mạng. Cơ quan chức năng cần yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội chặn nội dung quảng bá, rao bán sản phẩm bị cấm” - ông Nguyễn Đăng Sinh nhấn mạnh.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã quy định về hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm. Theo đó, hành vi lưu hành, buôn bán, sử dụng, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử có thể bị xử lý hành chính từ 1 - 100 triệu đồng (phạt tiền gấp 2 lần đối với tổ chức). Bên cạnh đó, Điều 190, Điều 191, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định về chế tài xử phạt về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” và tội “Vận chuyển, tàng trữ hàng cấm”. Theo đó, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, mặc dù theo Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc Hội có cấm hành vi sử dụng thuốc lá điện. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về các chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử. Do đó, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng, bổ sung các chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, để đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện pháp luật và tính răn đe, phòng ngừa, cũng như xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Để việc cấm thuốc lá điện tử không nằm trên văn bản, nhiều chuyên gia cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi bán thuốc lá điện tử cả người mua lẫn người bán cần được quy định thật nặng để không ai dám vi phạm cũng như tạo tính khả thi, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.

Hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì phối hợp với các bộ liên quan soạn thảo, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong dự thảo Nghị định này cũng đã bổ sung khái niệm “thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, các hành vi vi phạm hành chính chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử và hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi này, qua đó sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ và khả thi trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề xuất phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi này và phạt tiền gấp đôi mức phạt quy định trên nếu tái phạm... Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu thuốc, gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức… Đề xuất này thực sự rất cần thiết trong tình hình việc mua bán online vẫn đang diễn biến phức tạp.

Chế tài đã có nhưng để xử lý triệt để, các trang mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử cần sớm xóa bỏ các website mua bán hàng này, đồng thời đưa các từ khóa tìm kiếm liên quan đến các sản phẩm vào danh sách từ khóa cấm, bởi mạng tuy ảo, nhưng các giao dịch hàng cấm này là thật.

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cam-thuoc-la-dien-tu-tao-hanh-lang-phap-ly-chat-che-kha-thi-418279.html
Zalo