Cảnh đìu hiu tại những 'thiên đường mua sắm' ở TPHCM
Những khu chợ sỉ, trung tâm thương mại lớn từng được mệnh danh là 'thiên đường mua sắm' của TPHCM nay hầu hết đều chung cảnh đìu hiu vắng khách, người bán nhiều hơn người mua. Không chịu nổi, nhiều tiểu thương treo bảng sang sạp, cho thuê quầy nhưng vẫn không có ai đến hỏi...

Chợ An Đông (quận 5, TPHCM) từng được xem là vựa hàng thời trang lớn nhất của TPHCM. Nơi đây kinh doanh đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, túi xách... với giá rất mềm. Đặc biệt tại chợ, tiểu thương không nói thách nên khách dễ mua, nếu khách mua từ 2 - 3 sản phẩm trở lên sẽ được giảm thêm khoảng 10.000 - 20.000 đồng.

Đồ đẹp, giá tốt nhưng chợ An Đông hiện nay luôn trong tình trạng thưa vắng người mua. Tiểu thương dọn hàng, sau đó ngồi lướt điện thoại hoặc tám chuyện cho hết ngày

Chợ sạch đẹp, lắp máy lạnh mát rượi... nhưng không còn nhộn nhịp như trước đây. Khi hỏi đến sức mua, nhiều tiểu thương lắc đầu: "Ế lắm nên cũng không muốn than thở nữa, càng lúc càng vắng khách hơn. Bây giờ bán được tới đâu thì bán".

Khu vực kinh doanh giày dép, phụ kiện thời trang tóc bày hàng ê hề nhưng không có khách

Sạp hàng vải áo dài còn đìu hiu hơn. "Bây giờ người ta mua áo dài may sẵn bày bán đầy trên mạng, giá chỉ khoảng 200.000 đồng/bộ. Nếu may một bộ áo dài, chỉ tính riêng tiền vải đã khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Vì vậy, khách không chuộng may đo nữa. Có khi ngồi cả ngày không bán được xấp vải nào" - chị Thủy (tiểu thương chợ An Đông) cho biết.

Khu kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ An Đông cũng không khấm khá hơn. Trong giờ cao điểm chợ trưa ngày 11/5, thịt cá tại khu vực này vẫn còn đầy sạp, tiểu thương ngồi không trông ngóng từng khách đến chợ...

Chợ Bình Tây (quận 6), khu chợ chuyên cung cấp sỉ các loại bánh kẹo đi khắp các tỉnh, thành. Tiểu thương thường tận dụng ngày cuối tuần để bán hàng vì người dân được nghỉ làm và tranh thủ đi chợ mua sắm. Tuy nhiên, nhiều quầy hàng đóng sạp vì cuối tuần người dân không còn đi chợ nhiều như trước.

Quầy túi xách đủ mẫu mã, đa số hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, giá từ 50.000 - 300.000 - 500.000 đồng/cái (tùy loại). Khách đến xem hàng nhiều hơn người chọn mua.

Khu vực ẩm thực cũng vắng người.




Kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương không trụ nổi đã đóng sạp nghỉ bán, treo bảng cho thuê - sang sạp hàng loạt. Nhưng nhiều nơi đã treo bảng cả năm vẫn không có người hỏi.

Hiếm hoi mới có vài khách đến mua hàng làm tiểu thương mừng rơn. "Dù bây giờ có thể ngồi nhà mua hàng online, giá cả rất rẻ lại giao hàng tận nơi nhưng tôi thích đi chợ để được tự tay lựa chọn hơn" - bà Mơ (65 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cho biết.

Nhiều chợ truyền thống như Bà Chiểu, Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Vườn Chuối (quận 3), Hòa Hưng (quận 10)... tiểu thương ngồi buồn tênh. "Bán không ai mua nhưng ngày nào chúng tôi cũng dọn hàng, bởi đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là tình cảm với chợ. Một ngày không ra chợ, không dọn hàng lại thấy nhớ" - bà Minh (70 tuổi) đã gắn hầu hết cuộc đời mình với chợ bộc bạch.

Du khách nước ngoài đến chợ truyền thống ở TPHCM còn quay clip, chụp ảnh với các quầy hàng đặc sản Việt Nam

Trước tình hình hiện tại ở các chợ, Sở Công Thương TPHCM cho biết, thành phố đang triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ nhằm nâng cao vai trò, chức năng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, TPHCM sẽ xây dựng hệ thống chợ hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống…

Một số chợ dân sinh hoạt động không hiệu quả tại TPHCM có thể được chuyển đổi thành siêu thị, siêu thị kết hợp với chợ, hoặc có thể chuyển đổi thành chợ phiên, chợ bán các sản phẩm đặc thù, chuyên biệt... Đồng thời, Sở Công Thương sẽ đề xuất UBND TPHCM có những chính sách cụ thể hỗ trợ tiểu thương vượt khó thông qua ưu đãi thuế, cho vay vốn, tập huấn kỹ năng bán hàng online…