Cấm sử dụng điện thoại trong trường học: Mỗi nơi một kiểu

Tình trạng 'dính liền' với điện thoại di động mọi lúc mọi nơi của học sinh đã dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. Trong trường học, việc cấm sử dụng điện thoại di động đang được đặc biệt quan tâm...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cấm điện thoại di dộng cả trong giờ ra chơi

Ngay từ ngày đầu tiên của năm học mới, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã phát biểu chia sẻ với các tân học sinh trường Phổ thông Năng khiến của đơn vị này về những thứ cần "bớt" đối các em, trong đó có bớt sử dụng điện thoại.

"Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt. Nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành "tù binh" của mạng xã hội và games. "Nhà tù" vô hình này có thể chôn vùi tuổi xanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em.

Bớt sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường, dồn tâm trí cho những công việc phi thường. Thầy muốn Trường Phổ thông Năng khiếu phải là nơi không có điện thoại di động trong lớp học", PGS.TS Vũ Hải Quân nhắn nhủ.

Với học sinh trường THPT Trường Chinh (TPHCM), năm học 2024-2025 là năm thứ 2 nhà trường áp dụng quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong trường học, kể cả giờ ra chơi. Theo quy định của nhà trường, học sinh được sử dụng điện thoại ở khu vực để xe trong lúc tan học.

Còn khi đã bước vào sân trường là không được tùy tiện sử dụng điện thoại, chỉ trừ những tiết học giáo viên yêu cầu học sinh mới được sử dụng. Được biết, quy định này được nhà trường áp dụng từ năm học 2023-2024 và đã bị không ít học sinh phản đối bởi các em đã quen sử dụng điện thoại và bị lôi cuốn bởi các ứng dụng trong đó.

"Lúc đầu, cũng có nhiều em không đồng tình nhưng trong quá trình thực hiện, bản thân học sinh đã thấy được sự tích cực. Không sử dụng điện thoại, học sinh có thời gian tương tác, vui chơi với nhau, tham gia các hoạt động tập thể... Trong buổi đối thoại cùng học sinh trong năm học qua, các em đã bày tỏ những hiệu ứng tích cực", ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng trường THPT Trường Chinh, thông tin.

Tại Hà Nội, Nguyễn Hà Anh, học sinh trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết, với học sinh lớp 12 là lớp cuối cấp, việc cấm sử dụng điện thoại được áp dụng với tất cả các lớp của trường này.

Ngay tiết học đầu tiên, lớp trưởng có nhiệm vụ thu điện thoại của các bạn và cất vào tủ. Điện thoại chỉ được trả lại cho các bạn vào cuối tiết 5, trước khi tan trường. Hà Anh cho biết, quy định này dù không phải bạn nào cũng hưởng ứng nhưng các em cũng nhận thức được việc mang điện thoại vào lớp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tập trung học tập nên các em đã chủ động nhắc nhau thực hiện.

Tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), vào đầu giờ sáng, mỗi học sinh sẽ bỏ điện thoại cá nhân vào chiếc hòm quản lý chung của lớp, cán bộ lớp có nhiệm vụ giám sát việc này. Bên cạnh đó còn có thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm; tránh trường hợp học sinh quên hoặc cố tình không cất điện thoại, dẫn đến mất tập trung trong giờ học.

Vấn đề chưa được thống nhất

Việc có nên hay không nên sử dụng điện thoại trong trường học vẫn là vấn đề chưa thống nhất trong tất cả các trường học. Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh từ ngày 1/11/2020 được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý.

Với quy định này, học sinh hoàn toàn có thể mang điện thoại thông minh vào trường học với mục đích hỗ trợ tra cứu tài liệu, kết nối nhóm làm bài tập, sử dụng các phần mềm tiên tiến để bổ trợ việc học…

Việc sử dụng các phương tiện kết nối như máy tính bảng, điện thoại thông minh cũng trở nên quen thuộc với học sinh các cấp sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải học trực tuyến và giúp các em có thể học theo những mô hình lớp học thông minh, lớp học kết nối…

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng điện thoại thông minh trong thời gian học tại trường đang được giáo viên cảnh báo. Việc học sinh mang điện thoại đến trường vừa tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan công tác quản lý, vừa dẫn đến giảm chất lượng giáo dục.

Tình trạng học sinh thiếu tương tác với nhau, không kết nối với các hoạt động giáo dục chung ngoài lớp học, lười vận động do chỉ chăm chú vào điện thoại trong giờ nghỉ giải lao khiến giáo viên lo ngại.

Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại không văn minh, gây mâu thuẫn trên mạng xã hội dẫn tới những hành vi bạo lực học đường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sư phạm.

Mặc dù vậy, không phải trường nào cũng quyết liệt trong việc cấm sử dụng điện thoại. Với nhiều giáo viên, công tác giảng dạy đã rất vất vả, việc quan sát, nhắc nhở, xử lý học sinh sử dụng điện thoại trong lớp nhiều khi rất mất thời gian, ảnh hưởng tiến độ chung của tiết học.

Việc quản lý các thiết bị đắt tiền cũng là vấn đề không nhỏ nếu xảy ra nhầm lẫn, mất mát… Thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho rằng, không nên áp dụng những biện pháp xử lý cứng nhắc về việc sử dụng điện thoại của học sinh.

Nhà trường cần linh hoạt, phối hợp với gia đình trong giáo dục học sinh để các em có ý thức tự giác.

Để triển khai đồng bộ việc không sử dụng điện thoại trong trường học, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc quyết liệt, sự hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ GD&ĐT, từ đó chỉ đạo các Sở GD&ĐT và các nhà trường bên cạnh quy định trong Thông tư 32 như hiện nay.

Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.

Quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học hiện được nhiều quốc gia triển khai như Anh, Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp... Học sinh tại Bỉ khi tới trường phải cất điện thoại vào tủ đồ cá nhân. Tai nghe, đồng hồ thông minh và mọi thiết bị có thể kết nối cũng bị cấm. Lệnh cấm được áp dụng triệt để, kể cả trong giờ ra chơi cũng không được lấy điện thoại ra xem. Nếu vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại và chỉ có phụ huynh học sinh mới có thể tới trường xin lại.

Thu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cam-su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-moi-noi-mot-kieu-20241003153708123.htm
Zalo