Cẩm nang tích hợp quyền trẻ em trong doanh nghiệp dệt may

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phối hợp xây dựng Cẩm nang lồng ghép quyền trẻ em vào các thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của kinh tế. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 44 tỷ USD, tạo việc làm cho lượng lớn lao động.

Cẩm nang lồng ghép quyền trẻ em vào các thực hành kinh doanh có trách nhiệm giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa

Cẩm nang lồng ghép quyền trẻ em vào các thực hành kinh doanh có trách nhiệm giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa

Để gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may trong chuỗi giá trị toàn cầu, thực hiện quyền của người lao động và quyền trẻ em, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nghiên cứu và xây dựng Cẩm nang lồng ghép quyền trẻ em vào các thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Thực hành kinh doanh có trách nhiệm vì quyền trẻ em được VCCI và UNICEF đề xuất ưu tiên xem xét bởi dệt may thuộc ngành công nghiệp nhẹ, sản phẩm tạo ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu mà còn đáp ứng về nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của con người, có tác động thị trường tiêu dùng rất lớn.

Trẻ em, với tư cách vừa là người tiêu dùng, vừa là thành viên cộng đồng, là người lao động trong tương lai cần doanh nghiệp xem xét mức độ tác động tích cực và tiêu cực trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành dệt may có lao động nữ chiếm đến 73,62%, các vấn đề liên quan đến giới được doanh nghiệp dệt may đặc biệt quan tâm và khó tách rời với chính sách cho trẻ em của người lao động trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn coi trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nên mới chỉ quan tâm như là một hoạt động xã hội mà không coi quyền trẻ em là chủ thể độc lập, để lồng ghép vào các chương trình và hoạt động kinh doanh của mình.

Hoạt động kinh doanh có thể không gây ảnh hưởng tới quyền của người trưởng thành nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới quyền trẻ em thông qua các nhà cung cấp, khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng.

Do đó, các bên kỳ vọng cẩm nang sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp: Tuân thủ pháp luật quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng uy tín và giá trị thương hiệu.

Cải thiện quản trị rủi ro và thúc đẩy tư duy phát triển bền vững; đảm bảo quyền lợi cho người lao động và con em của họ; xây dựng mối quan hệ kinh doanh bền vững trong chuỗi cung ứng.

Với những nguyên tắc và tiêu chí cụ thể, cẩm nang không chỉ giúp doanh nghiệp dệt may thực hiện trách nhiệm xã hội mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cam-nang-tich-hop-quyen-tre-em-trong-doanh-nghiep-det-may-373140.html
Zalo