Cấm dạy thêm, học thêm: Phụ huynh tìm cách 'lách' quy định

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm ra đời nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thời điểm này khi thông tư chính thức có hiệu lực, nhiều ý kiến nghi ngại về hiện tượng lách quy định để hợp thức hóa hoạt động dạy thêm, học thêm.

Phụ huynh tìm cách "lách" quy định

Từ ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực trên toàn quốc.

Thông tư có nhiều điểm mới đột phá, được dư luận xã hội kỳ vọng sẽ đưa việc dạy thêm, học thêm cả ở trong và ngoài nhà trường vào nền nếp, tránh việc học sinh “buộc phải tự nguyện” học thêm.

Ghi nhận tại thời điểm này, các trường phổ thông đã thông báo dừng toàn bộ các lớp học tăng cường, bổ trợ trong nhà trường.

Chị Nguyễn Hoài Phương, phụ huynh học sinh Trường THPT Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Nhà trường thông báo dừng dạy học tăng cường trong nhà trường ngay từ đầu học kỳ 2. Con đang học lớp 11 nên tôi lo việc ngừng dạy học tăng cường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm sau của con”.

Một giờ học chính khóa của cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hoài.

Một giờ học chính khóa của cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hoài.

Tương tự, chị Lưu Thảo Trang, phụ huynh có con đang học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Con tôi tiếp thu bài chậm nên từ đầu năm học tôi gửi con cho cô chủ nhiệm dạy thêm vào các buổi tối trong tuần. Tuy nhiên, gần 1 tuần nay, cô chủ nhiệm dừng việc dạy thêm cho con vì sợ bị phạt theo quy định mới. Tôi đang lo con sẽ không theo kịp các bạn trên lớp”.

Theo chị Trang, chị và nhiều phụ huynh đều muốn con tiếp tục học thêm cô giáo chủ nhiệm. Nhóm phụ huynh đang tính toán phương án tạm thời chuyển sang học thêm online và gửi học phí cho cô giáo theo hình thức “tri ân, cảm ơn”.

Cô Nguyễn Thu Uyên, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cũng thừa nhận có một số phụ huynh gợi ý cô dạy thêm cho học sinh trong lớp theo hình thức trên.

Tuy nhiên, cô Uyên đã từ chối đề xuất của phụ huynh vì lý do dạy thêm cho học sinh mà nhận tiền "tri ân, cảm ơn" cũng là một hình thức dạy thêm có thu phí. Như vậy, giáo viên dạy thêm trái với Thông tư 29 và sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính theo quy định.

Do nhu cầu nên mấy ngày nay chị Phạm Bảo Thoa, phụ huynh học sinh quận Hoàng Mai (Hà Nội) tìm giáo viên dạy thêm của trung tâm tại khu vực Linh Đàm cho con. Tuy nhiên, chị Thoa cho biết, tại một vài trung tâm có hiện tượng "lách luật" theo kiểu giáo viên trung tâm là giáo viên chính khóa của các con trên lớp còn giáo viên của trung tâm thì chỉ là trợ giảng.

“Các trung tâm lại đông nghẹt học sinh. Nhiều phụ huynh bức xúc khi con vẫn phải học thêm nhưng phải trả phí cho trung tâm”, chị Thoa cho hay.

Tăng cường giám sát hiện tượng biến tướng

Những tiêu cực từ dạy thêm, học thêm luôn là đề tài “nóng” khiến dư luận xã hội, nhất là phụ huynh học sinh bức xúc. Thực tế, nhu cầu học thêm của học sinh là có thật bởi nhiều lý do như đã đề cập ở trên.

Ngay từ khi thông tư 29 được ban hành và chưa có hiệu lực, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, đã có rất nhiều thầy cô, phụ huynh tìm cách lách luật để hợp thức hóa các quy định về dạy thêm, học thêm.

Nhiều thầy cô hỏi về các cách xin giấy phép, mở trung tâm hoặc lách sang hướng khác. Có nhiều phụ huynh than phiền rằng con họ đã bị yêu cầu học thêm online, hoặc một số hình thức khác.

TS Vũ Thu Hương cho rằng, ngay khi quy định mới chính thức có hiệu lực, việc dạy thêm, học thêm cần có sự giám sát và xử lý nghiêm.

Về bản chất, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT không cấm dạy thêm, học thêm chính đáng mà nhằm mục đích đưa việc dạy thêm, học thêm vào nền nếp, khắc phục những tiêu cực từng khiến dư luận xã hội bức xúc thời gian qua.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cho rằng, việc dạy thêm, học thêm bấy lâu nay đang làm xói mòn khả năng tự học của học sinh. Trách nhiệm của các nhà trường là hướng dẫn học sinh cách tự học. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có thể được coi là “phép thử” để buộc các trường phải thay đổi, dù có thể còn một số khó khăn trước mắt.

Dạy thêm không đúng đối tượng, chưa được cấp phép bị xử lý thế nào?

Điều 7, Nghị định số 138/2013 của Chính phủ đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính về dạy thêm. Cụ thể, phạt từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định.

Hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng. Hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.

Đáng chú ý, hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép phải chịu mức phạt 6 đến 12 triệu đồng.

Về hình thức xử phạt bổ sung, theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP, tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng và dạy thêm không đúng với nội dung đã được cấp phép.

Bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng và buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cam-day-them-hoc-them-phu-huynh-tim-cach-lach-quy-dinh-10300018.html
Zalo