Góp sức làm nên lịch sử

Những ngày tháng Tư lịch sử luôn mang đến nhiều cảm xúc bồi hồi đối với các cựu chiến binh (CCB). Đặc biệt, ký ức về ngày 30/4/1975 của những người lính Cụ Hồ năm xưa, nhất là những người trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam luôn hết sưc đặc biệt.

Dịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với nhiều CCB, những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Duyên (sinh năm 1954), ở tổ 7, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, quãng thời gian cùng đồng đội hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn vào ngày 29/4/1975 luôn để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng. Ông Duyên kể lại, tháng 3/1975, khi ấy tôi là hạ sĩ, thuộc đơn vị A6.B2.C6D5E27F341 (Quân đoàn 4) tham gia các trận đánh ở miền Nam. Từ đầu tháng 4, tôi cùng đồng đội tham gia các trận đánh vào Xuân Lộc, Trảng Bom (Đồng Nai). Chiến thắng nối tiếp, đơn vị tôi cùng với các cánh quân đồng loạt tiến vào Sài Gòn vào ngày 29/4/1975. “Lúc ấy, ai cũng bừng bừng khí thế, cảm giác chiến thắng đến rất gần, nhưng cũng không nghĩ là nhanh đến vậy; tức là chỉ một ngày sau, ngày 30/4/1975 chúng ta giải phóng”, ông Duyên tự hào.

Bà Lê Thị Thúy, ở tổ 9, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) với huy hiệu, giấy khen đạt thành tích trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bà Lê Thị Thúy, ở tổ 9, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) với huy hiệu, giấy khen đạt thành tích trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với CCB Nguyễn Trường Thọ (sinh năm 1950), ở tổ 8, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn luôn còn mãi trong ký ức của ông và đồng đội, những người từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam 50 năm trước. “Đó là niềm tự hào khắc cốt ghi tâm”, ông Thọ xúc động. Ở tuổi 75, trí nhớ không còn minh mẫn, nhưng khi nhắc đến chiến trường miền Nam, trên khuôn mặt ông hiện rõ niềm vui, xúc động. Ông Thọ kể, tháng 3/1975, khi ấy tôi trung sĩ, tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 31, Quân đoàn 3 tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, sau đó hành quân vào đánh và giải phóng Sài Gòn.

Dọc đường di chuyển gặp nhiều hiểm nguy bởi bom đạn và pháo của địch, nhưng các chiến sĩ vẫn giữ nguyên đội hình. Lực lượng ta tiến công đến đâu, quần chúng nhân dân động viên và hỗ trợ đến đó; nhiều người còn xin gia nhập vào đoàn quân giải phóng. Khí thế ngút trời ấy khiến quân địch hoảng sợ, hàng ngũ rệu rã, nhanh chóng buông súng đầu hàng. “Quên sao được cảm giác khi nghe tin chiến thắng ngày ấy. Cảm xúc vỡ òa, không thể diễn tả bằng lời”, ông Thọ xúc động kể.

Cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều người con của quê hương Quảng Ngãi đã hăng hái lên đường chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, góp sức làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.

Nhắc lại những năm tháng "vào sinh ra tử" ở chiến trường, nhất là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bà Lê Thị Thúy (sinh năm 1955), ở tổ 9, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) không kìm nén được xúc động. Bà Thúy kể, tôi tham gia bộ đội năm 16 tuổi, làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, chủ yếu là chuyển thư, báo tin; có lúc đảm nhiệm luôn việc mua, vận chuyển đồ, súng, đạn cho bộ đội địa phương. Sau đó, tôi được biên chế vào Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 3 và làm truyền đạt viên.

Bà Lê Thị Thúy (ngoài cùng bìa phải), ở tổ 8, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) chụp ảnh cùng đồng đội ngay sau Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975. Ảnh: NVCC

Bà Lê Thị Thúy (ngoài cùng bìa phải), ở tổ 8, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) chụp ảnh cùng đồng đội ngay sau Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975. Ảnh: NVCC

Đầu năm 1975, đơn vị tôi có lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết hợp với Quân đoàn 2 đánh vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để tiến vào Sài Gòn. Trên đường hành quân, ngày tôi làm truyền đạt viên, tối đi rải lộ tiêu (sử dụng lá cây hay đọt chuối để làm dấu cho bộ đội ta hành quân - PV), tờ mờ sáng thì thu dọn lộ tiêu. Sau những trận đánh ác liệt, sáng 30/4/1975, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được giải phóng hoàn toàn, đơn vị tôi tiếp tục tiến vào Sài Gòn. Trên đường hành quân, hay tin bộ đội ta đã chiếm dinh Độc Lập, nghĩa là Sài Gòn được giải phóng, tôi và đồng đội nước mắt trào dâng, vui mừng khôn xiết. “Thời khắc ấy, tôi nhớ gia đình, nhớ mẹ đến thắt lòng. Ngày tôi thoát ly, cũng là lúc anh, chị tôi vừa hy sinh; người anh kế bị địch bắt tù đày đi Côn Đảo, 2 người chị còn lại thì sức khỏe và tinh thần không ổn định. Chẳng biết sao lúc ấy tôi tự tin nói với mẹ, rằng “con đi bộ đội, chiến thắng sẽ về”.

Còn bà Nguyễn Thị Sương (sinh năm 1950), ở tổ 1, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cũng không giấu được niềm tự hào khi được tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có trận đánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bà Sương kể, đã 50 năm rồi, trí nhớ cũng giảm nên tôi cũng không nhớ được chi tiết những trận đánh. Khi ấy tôi được biên chế ở Sư đoàn 3, làm nhiệm vụ hậu cần, chăm sóc bộ đội. Khi nhận lệnh tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, ai cũng hừng hực khí thế.

Đèn thời chiến, kỷ vật chiến trường mà bà Nguyễn Thị Sương, ở tổ 1, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) còn cất giữ.

Đèn thời chiến, kỷ vật chiến trường mà bà Nguyễn Thị Sương, ở tổ 1, phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) còn cất giữ.

Đêm 29/4, rạng sáng ngày 30/4/1975, bộ đội ta tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất. Quân ta và quân địch chiến đấu giành nhau từng mục tiêu, từng tấc đất, từng căn nhà. Sau nhiều giờ giằng co, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bộ đội ta chiến đấu anh dũng, đầy lùi và làm tan rã hàng ngũ các cánh quân của địch. Các mục tiêu của địch dần bị đánh chiếm. Đến trưa, khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu quân ta chiến thắng, chúng tôi ôm nhau bật khóc.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, người dân Quảng Ngãi đã đóng góp sức người, sức của để góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ông Phạm Văn Đi, ở tổ 9, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngã) cho biết, sáng ngày 25/3/1975, một ngày sau khi tỉnh Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng, người dân trong tỉnh cầm cờ, chào đón và tiếp sức các đoàn xe tăng, xe kéo pháo cùng bộ đội ta đang rầm rập tiến quân vào miền Nam. Đoàn xe và bộ đội đi qua Quốc lộ 1, đến đâu cũng được người dân tiếp sức lương thực, thực phẩm, nước uống. Người mang can nước; người dúi vào tay bộ đội nắm cơm muối mè, bịch đậu rang, túi khoai lang nóng hổi. Nhiều thanh niên xin gia nhập vào đoàn quân giải phóng để được ra tiền tuyến lớn, góp sức cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202505/gop-suc-lam-nen-lich-su-00b08f2/
Zalo