Cấm căn hộ cho thuê ngắn ngày và tiếng nói từ thực tế

Việc cấm sử dụng căn hộ để cho thuê ngắn ngày qua ứng dụng Airbnb đang ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người

Nhiều ý kiến cho rằng việc các chung cư tại TP HCM ra lệnh cấm chủ căn hộ cho thuê lưu trú ngắn ngày thông qua ứng dụng Airbnb bắt nguồn từ cách hiểu chưa chính xác và chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Từ đó, các chuyên gia lưu ý cần bỏ lệnh cấm và thay vào đó là xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, hài hòa giữa quyền lợi của cá nhân, tập thể và yêu cầu quản lý nhà nước.

Cần được công nhận

Ngay sau khi TP HCM ban hành Quyết định số 26/2025/QĐ-UBND, từ ngày 27-2, nhiều chung cư trên địa bàn đã đồng loạt thông báo cấm các chủ căn hộ cho thuê ngắn ngày, dù là cá nhân có đăng ký kinh doanh hay doanh nghiệp hoạt động hợp pháp. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), việc cấm sử dụng căn hộ vào mục đích cho thuê lưu trú ngắn ngày đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều chủ sở hữu, khiến họ không chỉ mất khách mà còn phải bồi thường hợp đồng, đối mặt với áp lực tài chính do mất nguồn thu nhập để trả nợ vay ngân hàng. Ông cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự hiểu sai các quy định tại điều 12 và điều 13 của Quyết định 26/2025 của UBND TP HCM.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thương Hoài, một người đang đại diện cho khoảng 1.000 chủ căn hộ cho thuê Airbnb tại TP HCM, cho biết bà đã kiến nghị tới nhiều cơ quan suốt hơn một năm qua. Bà khẳng định Bộ Xây dựng và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đều đã có phản hồi rõ ràng rằng không có quy định cấm việc cho thuê này.

Ở góc độ người thuê, bà Lê Thúy, một Việt kiều Mỹ, chia sẻ gia đình bà gồm 5 người về Việt Nam nghỉ 3 tuần tại quận 3 nhưng không thể thuê được căn hộ vì các chủ nhà yêu cầu thời hạn thuê tối thiểu là 2 tháng. Còn khách sạn thì không có phòng đủ lớn, nếu phải thuê 2-3 phòng sẽ rất tốn kém và bất tiện.

Chị Hoàng Kim ở quận 7 cho biết mỗi dịp nghỉ hè gia đình chị đều đi du lịch nước ngoài, từ Hàn Quốc đến Malaysia. Tại các nước này, dịch vụ thuê căn hộ ngắn ngày rất phổ biến, phù hợp với gia đình có đông người. Do đó, chị cho rằng du khách quốc tế đến Việt Nam cũng cần những lựa chọn tương tự.

Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cũng đồng quan điểm rằng Quyết định số 26 của UBND TP HCM không mang tính chất cấm mà nhằm mục đích quản lý. Do đó, theo ông, các ban quản lý chung cư nên tháo gỡ lệnh cấm để người dân được tiếp tục hoạt động cho thuê, miễn là đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật. Cụ thể, căn hộ được sử dụng phải thuộc chung cư có mục đích hỗn hợp và đủ điều kiện làm cơ sở lưu trú du lịch. Cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ lưu trú phải tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn ngành du lịch và các quy định pháp luật liên quan.

Ông Lê Hoàng Châu cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một hành lang pháp lý rõ ràng, cho phép thí điểm mô hình Airbnb tại TP HCM theo hướng xem đây là một ngành nghề hợp pháp. Mô hình này cần có đăng ký kinh doanh, quản lý bằng luật pháp, kê khai lưu trú và đóng thuế đầy đủ. Việc này không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn góp phần phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo ông, Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP HCM và định hướng xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế là tiền đề thuận lợi để thí điểm và phát triển loại hình lưu trú này. Về lâu dài, Airbnb cần được công nhận là một ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch chính thức.

Nhiều chung cư trên địa bàn TP HCM đã treo bảng cấm cho thuê căn hộ lưu trú ngắn ngày. Ảnh: SƠN NHUNG - HOÀNG TRIỀU

Nhiều chung cư trên địa bàn TP HCM đã treo bảng cấm cho thuê căn hộ lưu trú ngắn ngày. Ảnh: SƠN NHUNG - HOÀNG TRIỀU

Cần có phương pháp quản lý phù hợp

Ở chiều ngược lại, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và S2MM, Savills TP HCM - bày tỏ lo ngại việc cho thuê ngắn ngày tại các chung cư có thể tạo ra sự rối loạn trong quản lý cư dân. Theo bà, việc khách lưu trú ra vào khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn và ảnh hưởng đến cư dân sinh sống lâu dài. Bà cũng cho rằng hoạt động này nếu không được đăng ký và đóng thuế đầy đủ, sẽ gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng tới các loại hình lưu trú truyền thống như khách sạn, căn hộ dịch vụ.

Tuy nhiên, ông Tạ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Bất động sản News Property, nêu ý kiến nếu TP HCM được trao cơ chế đặc thù thì hoàn toàn có thể cho phép loại hình cho thuê ngắn ngày tại chung cư, với điều kiện phải quản lý chặt chẽ. Theo đó, chủ căn hộ cần đăng ký hộ kinh doanh cá thể và phải thông báo với ban quản lý tòa nhà về việc khai thác cho thuê qua Airbnb. Đồng thời, ban quản lý có thể áp dụng mức phí quản lý cao hơn với những căn hộ cho thuê để bù vào chi phí sử dụng chung. Tất nhiên, các căn hộ này cũng phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Ông Kiên cho rằng lý do khiến hình thức này bị phản ánh tiêu cực là do một bộ phận người thuê thiếu ý thức, đặc biệt là giới trẻ, thuê căn hộ để tụ tập, nhậu nhẹt, gây rối, thậm chí sử dụng chất cấm. Những trường hợp như vậy cần được xử lý nghiêm, thay vì áp dụng biện pháp "cấm cả làng".

Ở góc nhìn khác, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc cấm cho thuê ngắn ngày chỉ là biện pháp tạm thời do không quản lý được, và hành động có thể ảnh hưởng đến quyền tài sản của người dân. "Nếu người dân đã sở hữu tài sản hợp pháp, họ có quyền khai thác cho thuê theo bất kỳ hình thức nào mà pháp luật không cấm. Trường hợp người thuê gây mất trật tự là vấn đề vi phạm của người thuê, chứ không thể đổ lỗi cho người cho thuê" - ông Lâm nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cần có phương pháp quản lý phù hợp để đưa hoạt động cho thuê ngắn ngày vào khuôn khổ pháp luật, thay vì áp dụng cách tiếp cận "không quản được thì cấm", vì điều đó sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến giá trị của loại hình tài sản là căn hộ chung cư.

Sơn Nhung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cam-can-ho-cho-thue-ngan-ngay-va-tieng-noi-tu-thuc-te-196250514204413803.htm
Zalo