Cãi nhau với chồng, phụ nữ mắc bệnh lạ nhập viện

Sau xung đột với chồng, người phụ nữ 38 tuổi căng thẳng mạnh, nhiều lần bị co quắp chân tay. Qua thăm khám, bác sĩ xác định chị mắc một chứng bệnh hiếm gặp.

 Những cơn co này xuất hiện cả khi chị đang ở nơi làm việc lẫn ở nhà. Ảnh minh họa: Osteopluscct.

Những cơn co này xuất hiện cả khi chị đang ở nơi làm việc lẫn ở nhà. Ảnh minh họa: Osteopluscct.

Người phụ nữ nhập Bệnh viện E (Hà Nội) trong tình trạng tay chân co quắp từng cơn, mỗi lần kéo dài khoảng 10-15 phút. Những cơn co này xuất hiện cả khi chị đang ở nơi làm việc lẫn ở nhà.

Đặc biệt, trong 3 tuần gần đây, nữ bệnh nhân đã phải vào viện cấp cứu đến 5 lần vì tình trạng tái phát liên tục. Điều này khiến chị hoang mang, lo lắng tột độ.

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, bệnh nhân là người nhạy cảm, hay lo âu. Gần đây, chị gặp căng thẳng trong hôn nhân, thường xuyên xung đột với chồng, khiến tinh thần càng thêm áp lực. Sau đó, các cơn co giật bắt đầu xuất hiện.

Khi kiểm tra sức khỏe, các chỉ số xét nghiệm như máu, canxi đều bình thường, điện não cũng không có dấu hiệu động kinh. Tuy nhiên, kết quả trắc nghiệm tâm lý cho thấy chị bị stress và lo âu nặng.

Bác sĩ chẩn đoán chị mắc rối loạn vận động phân ly - một chứng bệnh hiếm gặp, thường mắc ở 0,01% đến 0,3% dân số.

"Bệnh này gây ra các cơn co giật tay chân không kiểm soát, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Trong trường hợp của bệnh nhân này, căng thẳng từ mâu thuẫn gia đình có thể là nguyên nhân kích hoạt các triệu chứng", bác sĩ Chung giải thích.

Dù bệnh không gây tổn thương thần kinh thực sự, nhưng chúng lại ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và tâm lý người bệnh. Hiện tại, bệnh nhân được kê thuốc và hỗ trợ tư vấn tâm lý.

Theo bác sĩ Chung, nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn phân ly, bao gồm quá khứ đã trải qua một sự kiện đau thương, bị lạm dụng về thể chất, tình dục, chứng kiến hoặc trải qua bạo lực, mâu thuẫn gia đình, mất người thân...

Việc điều trị đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và loại rối loạn phân ly cụ thể. Tuy nhiên, có một số phương pháp điều trị chính thường được sử dụng và mang lại hiệu quả gồm liệu pháp tâm lý và thuốc.

Bác sĩ khuyến cáo khi nhận thấy dấu hiệu bất thường của bản thân hay người thân, cần đến cơ sở y tế để thăm khám ngay.

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), rối loạn phân ly liên quan đến các vấn đề về trí nhớ, bản dạng, cảm xúc, nhận thức, hành vi và cảm giác về bản thân. Các triệu chứng phân ly có thể làm gián đoạn mọi khía cạnh của chức năng tâm thần.

Ví dụ về triệu chứng phân ly bao gồm cảm giác tách rời hoặc cảm thấy như mình đang ở ngoài cơ thể mình, và mất trí nhớ hoặc quên lãng. Rối loạn phân ly thường liên quan đến trải nghiệm chấn thương trước đó.

Theo APA, rối loạn vận động phân ly là một dạng của rối loạn phân ly, trong đó người bệnh gặp các vấn đề về vận động không giải thích được bằng bệnh lý thần kinh hoặc y khoa thông thường. Tình trạng này thuộc nhóm rối loạn triệu chứng soma (somatic symptom disorders) liên quan đến phân ly, thường xuất hiện sau chấn thương tâm lý nghiêm trọng.

Triệu chứng chính là bất thường vận động (tay chân co quắp, run rẩy, yếu cơ, hoặc mất khả năng cử động một phần cơ thể (như liệt tạm thời); các bất thường vận động không liên tục, có thể thay đổi, lúc xuất hiện lúc không; các bất thường co giật như động kinh, nhưng không có hoạt động điện não bất thường, theo Mayo Clinic.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cai-nhau-voi-chong-phu-nu-mac-benh-la-nhap-vien-post1541600.html
Zalo