San sẻ yêu thương từ trái tim nhân hậu

Lớn lên trong hoàn cảnh mồ côi nên chị Phạm Thị Minh Thư (32 tuổi), ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) thấu hiểu những thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, chị luôn khao khát giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn thông qua các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa.

Gian hàng của yêu thương

Vào những ngày rảnh rỗi, chị Đinh Thị Nga (32 tuổi), ở xã Long Môn (Minh Long), lại rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, vượt qua hơn 10km đường đèo núi để đến thị trấn Chợ Chùa. Điểm dừng chân quen thuộc của chị là gian hàng 0 đồng, địa chỉ ở số 342, đường Phạm Văn Đồng (trước đây nằm gần cầu Bến Đá). Đây là nơi mà những người có hoàn cảnh khó khăn như chị có thể tìm thấy những món đồ thiết yếu, đặc biệt là quần áo miễn phí.

Khi bước vào gian hàng, chị Nga không khỏi ngạc nhiên trước những bộ quần áo sạch sẽ, được phân loại cẩn thận, gấp gọn gàng trên kệ, treo ngay ngắn trên móc. Không có bảng giá hay sự trao đổi tiền bạc nào, quần áo ở đây đều được trao đi miễn phí, với mong muốn mang lại sự ấm áp và tình cảm cho những người thực sự cần.

Không gian của gian hàng 0 đồng.

Không gian của gian hàng 0 đồng.

Chị Nga tỉ mỉ lựa chọn từng bộ quần áo cho con, đôi mắt ánh lên niềm vui và sự biết ơn. Chị chia sẻ, cuộc sống gia đình nơi vùng núi cao rất vất vả. Vợ chồng chị làm nghề phu keo, thu nhập không ổn định. Có ngày, gia đình chỉ kiếm được 200 nghìn đồng, nhưng cũng có lúc cả tuần không có việc làm. Những bộ quần áo từ gian hàng 0 đồng giúp gia đình chị tiết kiệm một khoản chi phí trong những ngày gian khó.

"Điều tôi ấn tượng là quần áo ở đây sạch sẽ và thơm tho. Tháng nào tôi cũng ghé vài lần để chọn đồ cho con mặc và cho chồng đi làm phu keo. Cuộc sống khó khăn nhưng tôi luôn cảm nhận được tình người qua từng món đồ giản dị này, với những tấm lòng nhân hậu luôn rộng mở, sẵn sàng dang tay giúp đỡ người khó khăn", chị Nga chia sẻ.

 Chị Phạm Thị Minh Thư (32 tuổi), ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) sắp xếp, phân loại quần áo tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn tại gian hàng 0 đồng.

Chị Phạm Thị Minh Thư (32 tuổi), ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) sắp xếp, phân loại quần áo tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn tại gian hàng 0 đồng.

Gian hàng 0 đồng được chị Thư và nhóm bạn có cùng tấm lòng nhân ái khởi xướng từ tháng 4/2024. Ban đầu, nhóm chỉ thu gom quần áo cũ, giặt sạch và tặng cho những ai có nhu cầu. Tuy chỉ là những hành động nhỏ bé, nhưng sự nhiệt tình của các thành viên đã lan tỏa đi nhiều nơi, thu hút nhiều người ủng hộ. Từ vài thùng quần áo cũ ban đầu, gian hàng được nhiều người tặng những vật dụng thiết yếu đa dạng hơn, giúp người cần có thêm sự lựa chọn cho cuộc sống hằng ngày.

Để duy trì hoạt động, các thành viên trong nhóm không quản ngại thời gian, công sức để sắp xếp, phân loại đồ đạc và thường xuyên có mặt tại gian hàng hướng dẫn người nhận; tiếp nhận quần áo, vật dụng từ những người có tấm lòng nhân ái; đảm bảo để gian hàng mở cửa vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, phục vụ người khó khăn.

Không chỉ có người dân huyện Nghĩa Hành mà cả người dân TP.Quảng Ngãi và các huyện lân cận cũng chung tay đóng góp cho gian hàng. Chủ nhà trước đây còn sẵn sàng cho mượn mặt bằng miễn phí để duy trì hoạt động thiện nguyện lâu dài. Từ một gian hàng nhỏ ban đầu, giờ đây, nơi này đã trở thành điểm hẹn của yêu thương, kết nối những trái tim nhân ái và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Ngoài gian hàng 0 đồng, nhóm còn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa khác như nấu cháo thiện nguyện trao cho người nghèo, tổ chức các chương trình ý nghĩa cho học sinh khó khăn, quyên góp và hỗ trợ miền Bắc trong đợt mưa lũ năm 2024;... Những hoạt động này không chỉ đem lại sự giúp đỡ thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng gắn kết, tràn đầy yêu thương và sẻ chia.

Hơn một năm nay, gian hàng 0 đồng đã trở thành điểm đến của nhiều người khó khăn.

Hơn một năm nay, gian hàng 0 đồng đã trở thành điểm đến của nhiều người khó khăn.

"Gian hàng 0 đồng không đơn thuần là một hoạt động từ thiện, mà còn là nơi để gắn kết con người lại với nhau. Điều tôi mong muốn là không chỉ là giúp đỡ những người khó khăn, mà còn tạo ra một cộng đồng biết quan tâm và sẻ chia. Khi trao đi yêu thương, điều nhận lại không chỉ là niềm vui, mà còn là sự lan tỏa những điều tốt đẹp", chị Thư tâm sự.

Nghị lực của cô gái mồ côi

Chị Thư sinh ra và lớn lên ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Chị là tấm gương vượt khó, đầy nghị lực. Từ nhỏ, chị đã thiếu vắng tình thương của cha. Khi chị đang học lớp 10 thì mẹ qua đời do bệnh nặng. Từ đó, các chị em trong nhà phải chật vật giữa dòng đời. Không còn điểm tựa, mỗi người một nơi, bươn chải mưu sinh, riêng chị Thư rời quê vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp.

“Không tiền bạc, người thân, cuộc sống ở một thành phố lớn vô cùng khó khăn. Thế nhưng, may mắn thay, tôi gặp được một người quen tốt bụng, dạy cho nghề may áo dài. Tôi hiểu rằng, đây là cơ hội để thay đổi cuộc đời mình. Chính vì thế, mỗi mũi kéo cắt vải, mỗi đường khâu vá áo dài trong lần đầu tiên may áo dài cho khách hàng đều chất chứa bao hy vọng”, chị Thư nhớ lại.

 Chị Thư còn là người có niềm đam mê may áo dài.

Chị Thư còn là người có niềm đam mê may áo dài.

Không quản ngại ngày đêm, chị kiên trì rèn giũa tay nghề hoàn thiện hơn mỗi ngày để mưu sinh. Sau nhiều năm bươn chải, chị quyết định trở về quê hương lập nghiệp, mang theo niềm tin rằng, nơi mình sinh ra cũng có thể là nơi dựng xây tương lai. Ban đầu, chị chỉ nhận may đơn lẻ, chủ yếu là đơn hàng từ những người quen biết ở TP.Hồ Chí Minh. Thế nhưng, bằng sự khéo léo và tận tâm, chị nhanh chóng được khách hàng tin tưởng.

Tiếng lành đồn xa, áo dài của chị ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt là các cô giáo đến từ các trường học trong huyện. Công việc ổn định, chị mở rộng cửa hàng và tuyển thêm thợ may, tạo điều kiện cho nhiều chị em ở địa phương có việc làm.

Chị Phan Thị Mỹ Liên (41 tuổi), ở xã Long Sơn (Minh Long), một trong những người có thâm niên gắn bó với tiệm may của chị Thư. Chị Liên trải lòng, trước đây, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, ba đứa con đang tuổi ăn học nhưng nguồn nhập bấp bênh khiến gia đình chị thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Nhờ có chị Thư dạy nghề và tạo điều kiện về việc làm, chị Liên có cơ hội nhận đơn hàng thường xuyên, với thu nhập duy trì ở mức ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng.

"Thu nhập không dư dả nhưng khoản tiền này đủ để tôi trang trải chi phí sinh hoạt, lo cho con cái đến trường mà không còn canh cánh nỗi lo từng bữa. Chỉ cần chăm chỉ, ngày nào tôi cũng có việc làm, chi tiêu ổn định trong tháng”, chị Liên chia sẻ.

Nhìn những người phụ nữ như chị Liên có việc làm, chị Thư cảm thấy hạnh phúc. Với chị, thành công không chỉ là gây dựng được cơ ngơi, công việc, sự nghiệp cho riêng mình mà còn là giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Bởi lẽ, chị đã từng chật vật đi tìm cơ hội để thay đổi cuộc đời. Giờ đây, chị muốn mình trở thành một phần trong cơ hội đó đối với người khác.

Nhiều hội viên phụ nữ có công việc làm ổn định từ sự hướng dẫn của chị Thư.

Nhiều hội viên phụ nữ có công việc làm ổn định từ sự hướng dẫn của chị Thư.

“Từ một cô gái mồ côi, từng phải bươn chải giữa dòng đời, giờ đây chị Thư đã có một gia đình hạnh phúc, sự nghiệp vững vàng và một trái tim nhân hậu luôn rộng mở. Hành trình của chị không chỉ là câu chuyện về nghị lực cá nhân, mà còn là nguồn cảm hứng về tình yêu thương và sự sẻ chia; là minh chứng cho sức mạnh của lòng nhân ái và sự kiên trì, rằng nếu luôn sống tử tế, cuộc đời nhất định sẽ mỉm cười. Lòng nhân ái của chị đã góp phần nhân lên những hành động, nghĩa cử cao đẹp trong thế hệ trẻ ở địa phương”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chùa Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Bài, ảnh: THIÊN HẬU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202503/san-se-yeu-thuong-tu-trai-tim-nhan-hau-90605a2/
Zalo