Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và những điều cần biết
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý đường hô hấp mạn tính, không lây lan, nhưng bệnh đang có chiều hướng tăng do tác động của thói quen sinh hoạt và môi trường. Đây là 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người.COPD ĐEM ĐẾN CÁI CHẾT TỪ TỪ
Tại Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang là nơi tiếp nhận và điều trị cho một lượng lớn bệnh nhân COPD trong tỉnh. Bác sĩ Chuyên khoa 2 (BSCK2) Lê Thúy Phượng, Trưởng Khoa Nội A của bệnh viện cho biết, tuy là một bệnh nguy hiểm nhưng diễn biến của COPD khá âm thầm.

Đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD.
Bệnh nhân sẽ hoàn toàn không thấy triệu chứng khi bệnh ở giai đoạn nhẹ và triệu chứng nhẹ nhàng ở giai đoạn nặng hơn nên người mắc COPD ở giai đoạn sớm thường chỉ phát hiện bệnh một cách tình cờ khi khám một loại bệnh khác.
Bệnh nhân thường đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh trong giai đoạn muộn khi tình trạng tắc nghẽn đã nặng. Việc đánh giá không đúng mức về COPD góp phần làm gia tăng tần suất bệnh và tăng gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Hiện nay, COPD là căn bệnh khá phổ biến và tỷ lệ nhập viện điều trị tăng cao do yếu tố nguy cơ tăng, cộng với việc tăng tuổi thọ. Chi phí điều trị COPD khá cao và vì là bệnh không thể điều trị dứt, mà chỉ làm chậm quá trình tiến triển của bệnh mà thôi, nên bệnh nhân phải sử dụng thuốc suốt đời. Chi phí trị bệnh vì thế sẽ liên tục tăng theo thời gian và diễn tiến của bệnh.
BSCK2 Lê Thúy Phượng cho biết thêm, số lần nhập viện của người mắc COPD tăng dần theo thời gian. Ở 2 giai đoạn đầu của bệnh, việc điều trị sẽ có hiệu quả tốt hơn và chi phí trị bệnh cũng không đáng kể. Trong 2 giai đoạn sau của bệnh, chi phí điều trị bệnh sẽ tăng từ trên dưới 1 triệu đồng mỗi tháng cho đến vài chục triệu đồng trở lên. Không ít bệnh nhân COPD phải nằm viện liên tục nhiều lần trong năm và thời gian nằm viện mỗi lần cũng kéo dài hơn.
Có trường hợp bệnh nhân COPD phải nằm hồi sức tích cực, thở máy suốt cả năm với viện phí trên 100 triệu đồng và cuối cùng thân nhân đành phải rút ống thở để bệnh nhân qua đời vì không còn khả năng chăm sóc.
NHẬN BIẾT BỆNH
Theo BSCK2 Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, người mắc COPD thường có thể có một trong các dấu hiệu như: Ho khạc đờm 3 tháng trong năm và liên tiếp trong 2 năm trở lên; khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian và khó thở liên tục; bệnh nhân phải gắng sức để thở, thở nặng, “cảm giác thiếu không khí”, hoặc “thở hổn hển”, khó thở tăng lên khi gắng sức…

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh COPD.
Khi có một trong những triệu chứng trên, người bệnh cần đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị COPD tùy thuộc vào giai đoạn, mức độ nhẹ hoặc nặng của bệnh, đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở và chỉ số Gaensler mà bác sĩ sẽ chỉ định mức độ điều trị cho phù hợp tại nhà. Trường hợp bệnh nặng người bệnh cần nhập viện điều trị.
COPD là một bệnh mạn tính, có thể điều trị được nhưng không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của điều trị là giảm triệu chứng, đặc biệt trong các đợt cấp của bệnh, duy trì thuốc hít, xịt đều đặn để giảm nguy cơ bệnh tiến triển như: Giảm tần suất các đợt cấp, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh này.
Làm thế nào để biết được mình bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Theo BSCK2 Nguyễn Tấn Lộc, triệu chứng cơ năng nổi bật nhất của COPD là ho khạc đờm mạn tính và khó thở. Lúc đầu thường ho cách quãng, sau ho cả ngày vào đa số các ngày trong tuần, nếu điển hình có thể ho kéo dài đến 3 tháng trong 1 năm và liên tục từ 2 năm trở lên. Khạc đờm vào buổi sáng, thường xuyên, đờm trong và nhày số lượng ít sau khi ho.
Tuy nhiên một số trường hợp có thể không ho, hoặc rất ít ho mà triệu chứng chủ yếu là khó thở từ từ tăng dần, lúc dầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Những ai nằm trong số những người có các yếu tố nguy cơ của COPD và có các triệu chứng như trên, bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và làm thêm các xét nghiệm như chụp Xquang tim, phổi, đo chức năng hô hấp với test hồi phục phế quản để khẳng định chẩn đoán.
Hiện nay, việc chẩn đoán COPD được thực hiện không quá khó đối với các bệnh viện có chuyên khoa về hô hấp. Với thiết bị máy đo hô hấp sẽ giúp xác định phổi có bị tắt nghẽn hay không và mức độ tắc nghẽn như thế nào. COPD thường ít được phát hiện ở giai đoạn sớm, do đó, người thuộc nhóm có nguy cơ cao và có các triệu chứng ban đầu gồm: Ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức thì nên đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và kiểm tra chức năng phổi.
PHÒNG NGỪA VÀ CHĂM SÓC NGƯỜI MẮC COPD
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài. Trong đó, những người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Khói thuốc lá, thuốc lào kể cả hút chủ động hay thụ động là nguy cơ hàng đầu gây COPD.
COPD là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao. Số người mắc bệnh và tần suất tử vong vì căn bệnh này đang có chiều hướng gia tăng.
COPD làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hằng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có trên 600 triệu người trên thế giới bị bệnh COPD và làm cho hơn 3 triệu người chết mỗi năm. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
Nghiên cứu của Phó Giáo sư Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự tại Việt Nam đưa ra tỷ lệ COPD trong nhóm hút thuốc cao gấp 3,4 lần nhóm không hút thuốc đối với cả 2 giới. Ngoài thuốc lá, yếu tố nguy cơ và điều kiện thuận lợi để COPD phát triển là ô nhiễm môi trường không khí, tiếp xúc với khói bụi nghề nghiệp, nhiễm khuẩn hô hấp thời niên thiếu, điều kiện kinh tế xã hội kém.
Cần chú ý cả những người sống ở nơi bị ô nhiễm không khí (kể cả không khí trong và ngoài nhà) cũng có nguy cơ mắc COPD: Nồng độ ô nhiễm không khí cao ở thành thị rất có hại cho người bệnh tim và phổi. Sự ô nhiễm không khí trong nhà như khói từ các chất đốt củi, rơm rạ, than…; đặc biệt ở nơi thông gió kém là các nguy cơ cao gây COPD. Ngoài ra, COPD còn liên quan với yếu tố khí hậu như thời tiết, nhiễm lạnh… và yếu tố cơ địa do gen di truyền thiếu men Alpha antitrypsin...
Các chuyên gia về COPD khuyên mọi người nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm, tích cực để bệnh tiến triển chậm; đồng thời, không hút thuốc lá, thuốc lào, không tiếp xúc với các khí độc hại, ô nhiễm môi trường; tránh lạnh, ẩm; điều trị sớm các nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh lý kèm theo; vệ sinh mũi họng thường xuyên; tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm.
Khoảng 25% - 40% bệnh nhân COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng. Việc bổ sung dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đến hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hậu quả của suy dinh dưỡng ở bệnh nhân COPD là: Làm giảm tính đàn hồi của phổi và chức năng hô hấp; giảm khối lượng, giảm sức cơ của cơ hô hấp; thay đổi cơ chế miễn dịch tại phổi; dễ nhiễm trùng tại phổi; thiếu đạm, sắt làm giảm nồng độ Hemoglobin trong máu - đây là chất có vai trò quan trọng trong vận chuyển oxy; thiếu vitamin C ảnh hưởng đến tổng hợp Collagen - thành phần quan trọng của mô liên kết ở phổi.
Vì vậy, bệnh nhân COPD cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm cả đạm, mỡ, đường, tinh bột và các muối khoáng nếu như không bị hạn chế do bệnh đồng mắc khác như: Suy thận, tăng huyết áp hay đái tháo đường. Tuy nhiên, ở người bệnh có tăng khí Carbonic (CO2) trong máu, không nên ăn quá nhiều thức ăn tinh bột và đường, vì các sản phẩn chuyển hóa của loại thức ăn này có thể làm tăng loại khí này trong máu.