Cái giá Ukraine phải trả khi Mỹ quyết định đàm phán tay đôi với Nga
Mỹ và Ukraine bắt đầu chia rẽ sâu sắc sau cuộc điện đàm thượng đỉnh chấn động giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin. Tình thế Ukraine đang khó khăn hơn lúc nào hết.
Mỹ bỏ rơi Ukraine trong đàm phán hòa bình?
Khác biệt giữa Kiev và Washington ngày càng gia tăng. Chính sách của Nhà Trắng đang có nhiều mâu thuẫn về vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đang bị gạt khỏi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ về Ukraine. Theo những thông tin mới nhất, không chỉ Ukraine mà cả EU cũng bị loại khỏi những cuộc đàm phán hòa bình sắp tới giữa Mỹ và Nga về Ukraine.

Điện đàm thượng đỉnh Nga - Mỹ giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Trump. Đồ họa: RT.
Ngày 12/2/2025, Tổng thống Mỹ Trump đã điện đàm với Tổng thống Nga Putin - đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai ông kể từ sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1. Đáng chú ý, ông Trump gọi điện cho ông Putin nhưng lại không hề tham vấn trước với cả EU lẫn Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ khởi động đàm phán hòa bình về Ukraine ngay lập tức.
Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth nói rằng Ukraine không thể gia nhập NATO, cũng không thể lấy lại biên giới trước năm 2014 (thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea). Không rõ liệu ông Hegseth lỡ miệng nói ra một cột trụ trong thỏa thuận hòa bình ngầm giữa các tổng thống Trump và Putin hay là ông đang làm suy yếu sức mặc cả của Kiev trước khi đàm phán bắt đầu.
Các đồng minh của Ukraine có thể đã ngầm thừa nhận rằng trong ngắn hạn, Ukraine không thể gia nhập NATO cũng như khôi phục lại biên giới trước năm 2014 nhưng những nhượng bộ này được cho là để dành cho đàm phán với Nga chứ không phải là để tiết lộ sớm.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky cảnh báo Mỹ chớ đạt một thỏa thuận với Nga ngay sau lưng Ukraine. Ông nói: “Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận những thỏa thuận đạt được sau lưng chúng tôi, thiếu sự tham gia của chúng tôi. Không thể có quyết định nào về Ukraine mà thiếu Ukraine. Cũng không có quyết định nào về châu Âu mà thiếu châu Âu”.
Bất đồng trong vấn đề đất hiếm giữa Kiev và Washington
Theo NBC News, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã đề xuất với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng Mỹ cần được sở hữu 50% khoáng sản đất hiếm ở Ukraine để đổi lấy việc Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo giới chức Mỹ, sự dàn xếp này là nhằm tạo đường cho Ukraine thanh toán với Mỹ hàng tỷ USD dưới dạng vũ khí và các loại viện trợ khác mà Mỹ đã gửi cho Ukraine kể từ đầu xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022.
Giới chức Mỹ cũng thể hiện sẵn lòng triển khai quân Mỹ sang Ukraine để bảo vệ các khoáng sản đất hiếm này miễn là đạt được thỏa thuận với Nga về chấm dứt xung đột vũ trang tại đây.
Thế nhưng hôm 15/2/2025, Tổng thống Zelensky nói với các phóng viên rằng ông chưa đồng ý với đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump về việc Kiev trao cho Washington quyền sở hữu nguồn khoáng sản của mình. Lý do, theo ông Zelensky, là Ukraine chưa sẵn sàng, khi mà “bảo đảm an ninh” cho Ukraine chưa phải là một phần trong đề xuất của Mỹ.
Ông Trump trước đó cho biết Mỹ quan tâm đến quyền tiếp cận các đất hiếm của Ukraine - thứ khoáng sản cần thiết cho việc tạo ra nam châm, xe điện, điện thoại di động và những hệ thống phòng thủ công nghệ cao.
Một cố vấn cấp cao Ukraine cho biết người này ngỡ ngàng trước quy mô yêu sách của chính quyền Trump đối với Ukraine. Vị này so sánh đòi hỏi của chính quyền Trump với hoạt động của châu Âu khai thác tài nguyên châu Phi trong thế kỷ 18.
Cũng hôm 15/2, ông Zelensky thú nhận mình cảm thấy căng thẳng trước cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Ukraine. Ông cho biết, ông muốn không chỉ Mỹ mà còn cả châu Âu tham gia đầu tư vào phát triển các nguồn lực của Ukraine.
Hoài nghi Mỹ, Ukraine đề xuất quân đội riêng cho châu Âu
Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 15/2 kêu gọi thành lập một quân đội châu Âu. Ông Zelensky cho rằng châu Âu không còn được bảo đảm chắc chắn về sự bảo vệ từ phía Mỹ và sẽ chỉ nhận được sự tôn trọng từ Washington nếu sở hữu một quân đội mạnh của riêng mình. Ông nói, đã đến lúc phải tạo ra một quân đội của riêng châu Âu, bao gồm cả Ukraine trong đó.
Phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich (Đức), Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Vance ngày trước đó đã chỉ rõ rằng quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang thay đổi.
Ông Zelensky nói: “Chúng ta hãy thẳng thắn. Giờ đây chúng ta không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ nói “không” với châu Âu trong những vấn đề đe dọa châu lục này”.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng một quân đội châu Âu là điều cần thiết để bảo đảm “tương lai của châu lục này phụ thuộc vào riêng người châu Âu, và những quyết định về châu Âu được đưa ra ngay tại châu Âu”.
Theo ông Zelensky, Mỹ vẫn cần châu Âu như một thị trường nhưng chưa chắc như một đồng minh.