Cái đất không giàu mà dễ sống!
Quốc gia nào cũng có từng vùng, miền. Những vùng, miền ghép lại tạo nên bản đồ đất nước
Quốc gia nào cũng có từng vùng, miền. Những vùng, miền ghép lại tạo nên bản đồ đất nước, thành hình sông dáng núi của xứ sở thương yêu - nơi tổ tiên ta đã đổ bao công sức, máu xương để tạo lập.
Nam Trung Bộ là dải đất phần Nam của miền Trung, chạy dài từ đèo Hải Vân đến bãi bồi Bình Châu - địa danh lâu đời nhất là Quảng Nam. Có thể nói Nam Trung Bộ là Quảng Nam thừa tuyên "mở rộng".
HÀNH TRÌNH MỞ CÕI
Năm 1471, sau cuộc viễn chinh toàn thắng, vua Lê Thánh Tông lập đạo Quảng Nam.
Trước đó, năm 1306 đời nhà Trần, vua Chế Mân đã dâng hai châu Ô - Lý. Lãnh thổ mở đến bờ Bắc sông Thu Bồn. Năm 1402, Hồ Quý Ly bắt vua Chiêm dâng đất Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi).
Và về sau, năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh bạt phá thủ phủ vùng Aryaru (Phú Yên), năm 1597 đưa lưu dân vào định cư. Năm 1611 lập phủ Phú Yên, lệ vào Quảng Nam thừa tuyên.
Vậy, Quảng Nam thừa tuyên là Nam Ngãi Bình Phú hiện nay, có diện tích hơn 28.000 km2, chiếm phần rộng lớn và quan trọng trong hai trấn Thuận - Quảng dưới quyền cai trị của Nguyễn Hoàng từ sông Gianh đến núi Đá Bia, nơi chúa cho rằng địa thế sông núi hiểm trở vững bền: "Núi sẵn vàng sắt, biển nhiều cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng".
Tiếp theo, năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Nguyên lập dinh Thái Khang (Khánh Hòa). Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu lập Thuận phủ, năm sau đổi là Thuận Thành (Ninh Thuận). Năm 1697 đặt phủ Bình Thuận.
Như thế, công cuộc mở cõi để có dải đất Nam Trung Bộ kéo dài gần 400 năm, từ 1306 đến 1697, sáp nhập vào nước Việt hơn 44.000 km2.
Nam Trung Bộ trải dài theo ven bờ biển Đông, phía Tây là núi cao rừng già, nhiều nhánh chạy ngang, chia cắt thành từng khu vực. Mỗi khu vực có một dòng sông lớn. Dòng sông ấy bồi đắp một châu thổ. Tự ngàn xưa đã có một con đường, đến thời người Việt gọi là "thiên lý", trải qua "nước non ngàn dặm", trèo đèo, leo núi, vượt sông...
Phía Bắc là núi Hải Vân. Rồi núi Thạch Tân - đèo Bình Đê, núi Cù Mông, núi Đại Lãnh, núi Cổ Mã, Rọ Tượng, Rù Rì… Những dòng sông chính là sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Côn, sông Ba (Đà Rằng), sông Cái (Trường Giang), sông Dinh, sông Lòng Sông, sông Cà Ty (Mương Mán)… Có sông là có đồng bằng, có điều kiện thuận lợi cho đời sống con người.
Với quá trình mở cõi từng chặng qua địa hình như thế, việc thành lập các đơn vị hành chính phải phù hợp với thực tế. Thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chia đặt 12 dinh, trong đó phần Nam Trung Bộ có 4 dinh và 2 phủ. Thời nhà Nguyễn, sau hết định hình 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Trước sau năm 1975 có chia lập và hợp nhất… nhưng rồi vẫn phải trở về giới hạn thời nhà Nguyễn.
ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT
Dân ta (và dân Chăm thời ấy) phần đông sống bằng nghề nông. Mỗi địa phương giới hạn giữa hai nhánh núi có một hai cánh đồng, đôi ba con sông, có những đập ngăn đưa nước vào ruộng tưới cho lúa bắp quanh năm. Tám trăm năm trước, đã có đập Nha Trinh (sông Dinh - Ninh Thuận), tiếng Chăm là Chaklin, xây dựng từ thời vua Po Klong Garai. Giữa thế kỷ 20, đập Đồng Cam (sông Ba - Phú Yên) lúc bấy giờ lớn nhất Nam Trung Bộ.
Nam Trung Bộ có bờ biển, nhiều vũng vịnh, nhiều hải cảng, Cửa Hàn, Hội An, Thị Nại, Xuân Đài, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Cà Ná, Ninh Chữ, La Gi, Mũi Né... thuận tiện cho tàu thuyền ra vào khơi lộng, đánh bắt, tiêu thụ hải sản và buôn bán các mặt hàng khác. Từ thời chúa Nguyễn hóa vật sản xuất ở các phủ Đàng Trong đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước. Các cụm đảo còn có yến sào quý giá. Rừng núi Nam Trung Bộ nhiều gỗ quý và để đối xứng với yến sào có kỳ nam, trầm hương...
Nam Trung Bộ đồng bằng không xa biển, không xa núi rừng, "ruộng - vườn - thổ - rẫy" sát liền bên nhau, không tạo thành từng "miệt" như Nam Bộ, không cách trở như Bắc Bộ, không có nơi nào là "đồng chua nước mặn", không có cảnh sợ sệt cả khi nghe tiếng chim kêu, tiếng cá quẫy. Dân chúng tuy không giàu sang, song cuộc sống cũng thoải mái, dễ sống.
ĐỜI SỐNG TINH THẦN
- Chí làm trai: Địa hình Bắc Bộ mở hai hướng Đông - Tây, theo chiều "hoành". "Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên". Địa hình Nam Trung Bộ mở theo chiều "tung", Bắc - Nam. "Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng". Tầm mắt đa số người con trai Xứ Đàng Trong thuở ấy chưa biết đến Thăng Long. Từng trải Phú Xuân - Đồng Nai đã là đáng mặt.
- Ngôn ngữ: Do quá trình mở cõi như thế, địa hình như thế, từng chặng dừng chân có khi khá lâu, tiếng nói cư dân Nam Trung Bộ hình thành từng khu vực rõ rệt. Thoắt một bước qua khỏi đèo Hải Vân, giọng Quảng Nam khác hẳn giọng Huế. Rồi Nam Ngãi - Bình Phú - Khánh Thuận. Nếu đem Hội An đặt cạnh Nha Trang thì rõ ràng xa lạ. Điều kiện sinh hoạt và giao thoa tạo nhiều phương ngữ, thổ âm. Trong giao tiếp thổ âm đặt ra những bước cản. Miền đất Nam Trung Bộ quá hẹp, vấp phải bước cản ấy. Trong khi Nam Bộ nhờ địa lý thống nhất và nhờ đông đảo độc giả (sớm đọc sách báo hơn) đã vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa của phương ngữ, biến nó thành tiếng nói chính thức.
- Sự học: Việc học ở Nam Trung Bộ bắt đầu có quy củ từ thời nhà Nguyễn. Thí sinh Nam Trung Bộ được cấp lương khi đi thi. Những năm đầu phải thi tại Huế, năm 1852 lập trường thi Bình Định dành cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Tuy nhiên, chỉ có 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chú trọng việc học hơn. Suốt thời nhà Nguyễn từ khoa thi đầu tiên năm 1809 (Gia Long thứ 8) đến khoa thi cuối cùng năm 1918 (Khải Định thứ 3), Nam Trung Bộ có 672 vị đậu cử nhân, trong đó 3 tỉnh Nam Ngãi Bình chiếm 90%. Có 39 vị đỗ tiến sĩ, phó bảng. Riêng Quảng Nam khoa thi năm 1898 có 5 vị đỗ đại khoa, được vua Thành Thái ban tặng 4 chữ "Ngũ phụng tề phi".
Thời quốc ngữ, tại Quy Nhơn có một trong 3 trường trung học ở Trung Kỳ. Hai trường kia ở Vinh và Huế. Trước năm 1975, Nam Trung Bộ chỉ có Đại học Duyên hải Nha Trang, không đủ các phân khoa. Sinh viên phải đi học xa: Sài Gòn, Huế, Đà Lạt. Sau năm 1975, ngành giáo dục ngày càng phát triển cho đến như hiện nay.
- Soi lại gương xưa: Người dân Nam Trung Bộ hiền hậu, thật thà, luôn luôn tôn trọng những di sản tinh thần ông bà để lại, đó là truyền thống dân tộc tốt đẹp. Tuy vậy, không khỏi vướng vào nhược điểm là sinh ra "cầu an" và "bảo thủ".
Hồi nửa đầu thế kỷ 20, ông Trần Sĩ, nhà giáo mô phạm uyên thâm, nói về người Phú Yên: "Dân cư bốn mùa chỉ chăm chăm chúi chúi làm việc trong ruộng, trong rẫy mình, họ không giàu có lắm, nhưng không lấy gì lam lũ khổ sở, vì ruộng còn, rẫy còn, thì còn lúa còn bắp còn đường còn khoai... Vì thế dân ở đây họ rất quyến luyến tỉnh nhà, họ không khi nào rời cái rẫy xanh xao của họ, cái mặt biển đầy thuyền câu lưới bủa để đi làm ăn trong "miền Đông" hoặc trên các cao nguyên…".
Tục ngữ, ca dao nói: "Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo…". Cãi và co nhằm tự bảo vệ ý kiến nhưng một phần là cách tranh luận có thể thiếu từ lý mà vẫn cố ồn ào để áp đảo đối tác. Và: "Tiếng đồn Bình Định tốt nhà, Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu".
Đây chỉ là dẫn chứng nho nhỏ, "nói có sách mách có chứng" qua nhận xét của một vị trí thức Nam Trung Bộ, để hình dung về tính cách cư dân vùng này.