Mâm cỗ Tết Nguyên đán ở các nước châu Á có gì?

Dù có sự khác biệt về món ăn ở mỗi quốc gia, nhưng mâm cỗ ngày Tết đều mang ý nghĩa sum vầy, hy vọng và cầu mong cho một năm mới may mắn và hạnh phúc.

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, được ở nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ...

Đây là thời điểm để các gia đình sum vầy, tưởng nhớ tổ tiên và chào đón năm mới với nhiều hy vọng cùng những mong ước tốt đẹp, thưởng thức những món ăn ngon đặc thù. Hãy cùng khám phá mâm cỗ ngày Tết ở một số quốc gia châu Á.

Việt Nam

Mâm cỗ Tết của người Việt Nam rất phong phú và đa dạng, tùy thuộc vào vùng miền. Các món ăn truyền thống không thể thiếu bao gồm bánh chưng, bánh tét, xôi, giò lụa, thịt gà luộc, nem rán, thịt đông, thịt kho tàu, dưa hành, củ kiệu, canh măng... Mỗi món đều mang ý nghĩa tốt đẹp, ví dụ như bánh chưng tượng trưng cho đất, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và đất trời.

Bánh chưng hình vuông được làm bằng nếp, đậu xanh, thịt lợn và lá dong, chủ yếu phổ biến ở miền Bắc. Trong khi đó, bánh tét có hình trụ dài và được gói bằng lá chuối, phổ biến ở miền Trung và Nam. Chả nem (miền Bắc) hay chả giò (miền Nam) được làm từ thịt xay, tôm, mộc nhĩ, và rau củ, gói trong bánh tráng rồi chiên giòn.

Thịt đông là món ăn đặc trưng của miền Bắc, thường được nấu từ thịt chân giò hoặc thịt gà, phần nước đông lại thành keo trong suốt, hương vị thanh mát. Cỗ Tết miền Nam có thịt kho tàu, hay thịt kho trứng, được làm từ thịt ba chỉ và trứng luộc, kho cùng nước dừa để tạo hương vị đậm đà, béo ngậy.

Mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán của miền Bắc với đủ đầy các món. (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán của miền Bắc với đủ đầy các món. (Ảnh: Vũ Thu Hương)

Trung Quốc

Mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán ở Trung Quốc rất phong phú, khác nhau theo từng vùng miền nhưng nhìn chung sẽ có những món ăn cơ bản như bánh bao, cá, mỳ trường thọ, gà nguyên con, bánh tổ, món cuộn, sủi cảo, mâm trái cây.... Sủi cảo được coi là một món ăn may mắn trong năm mới của Trung Quốc vì nó có hình dạng lưỡi liềm giống các thỏi vàng và bạc.

Người Trung Quốc có phong tục ăn cá vào dịp Tết Nguyên đán với mong muốn có một năm mới dồi dào, dư dả. Trong tiếng Trung, từ "cá" đồng âm với từ "dư", mang ý nghĩa thừa thãi và phong phú. Cá thường được hấp cả con để biểu tượng cho sự trọn vẹn.

Bánh tổ - loại bánh làm từ gạo nếp có vị ngọt, được xem là món ăn mang lại may mắn và thành đạt trong năm mới. Từ “gao” trong “nian gao” có cách phát âm giống với từ "cao" nghĩa là cao hơn, tốt hơn.

Mỳ trường thọ là món ăn được nấu trong các dịp lễ Tết, sinh nhật, mang ý nghĩa cầu chúc sức khỏe và tuổi thọ. Sợi mỳ càng dài càng cho thấy tuổi thọ lớn; vì vậy trong quá trình nấu, người ta cố gắng tránh làm đứt sợi mỳ. Các loại trái cây như quýt, cam và các loại quả có màu vàng hoặc đỏ được lựa chọn vì màu sắc này tượng trưng cho sự giàu có và may mắn.

Mâm cỗ đón Tết Nguyên đán của người Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Mâm cỗ đón Tết Nguyên đán của người Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Mỗi món ăn trên mâm cơm ngày Tết Trung Quốc đều có ý nghĩa cầu chúc. (Ảnh: RNZ)

Mỗi món ăn trên mâm cơm ngày Tết Trung Quốc đều có ý nghĩa cầu chúc. (Ảnh: RNZ)

Hàn Quốc

Mâm cỗ ngày Tết ở Hàn Quốc không chỉ thể hiện sự phong phú của nền ẩm thực mà còn chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc. Các món ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng, mang ý nghĩa riêng tượng trưng cho may mắn, sức khỏe và sự phồn vinh.

Canh bánh gạo truyền thống (Tteokguk) là món ăn không thể thiếu trong dịp này. Người Hàn Quốc tin rằng khi ăn tteokguk, con người sẽ thêm một tuổi mới, vì thế Tteokguk tượng trưng cho sự trưởng thành và may mắn. Jeon là các loại bánh xèo mỏng làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt, hải sản, rau củ, có ý nghĩa viên mãn và đủ đầy.

Món miến trộn (Japchae) với rau và thịt tượng trưng cho sức khỏe và sự hài hòa trong các mối quan hệ. Sườn bò hầm cũng là món ăn cao cấp thường xuất hiện trong những dịp lễ trọng đại, tượng trưng cho sự thịnh vượng và danh vọng. Kimchi - món dưa muối truyền thống không thể thiếu trong bất cứ bữa ăn nào - tượng trưng cho sức khỏe và sự trường tồn.

Canh bánh gạo, sườn bò hầm, miến trộn, bánh xèo và kim chi là những món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Hàn Quốc.

Singapore

Với sự đa dạng văn hóa và cộng đồng gốc Hoa chiếm đa số, Tết Nguyên đán ở Singapore có nhiều phong tục và truyền thống đặc sắc. Mâm cơm ngày Tết gồm các món như cá, yusheng, mỳ trường thọ, bánh in, pen cai, bánh tổ và lẩu.

Yu Sheng, còn được gọi là "Prosperity Toss" hay "Lo Hei", là loại salad đặc biệt thường được ăn vào dịp Tết. Món này bao gồm cá sống thái lát mỏng, thường là cá hồi, và nhiều loại rau củ, gia vị như cà rốt, củ cải, dưa leo, và nước sốt ngọt làm từ mận. Khi thưởng thức, mọi người sẽ cùng nhau "tung" salad lên cao với đũa và nói những lời chúc tốt đẹp, tượng trưng cho việc mang lại may mắn và thịnh vượng trong năm mới.

Mâm cỗ Tết Nguyên đán ở Singapore với nhiều món ngon hấp dẫn, màu sắc bắt mắt. (Ảnh: Toptravel)

Mâm cỗ Tết Nguyên đán ở Singapore với nhiều món ngon hấp dẫn, màu sắc bắt mắt. (Ảnh: Toptravel)

Yusheng là món ăn không thể thiếu trong năm mới ở Singapore. (Ảnh: Creativeeateries)

Yusheng là món ăn không thể thiếu trong năm mới ở Singapore. (Ảnh: Creativeeateries)

Yusheng được trang trí theo hình con rắn, biểu tượng của năm Ất Tỵ. (Ảnh: Tatlerasia)

Yusheng được trang trí theo hình con rắn, biểu tượng của năm Ất Tỵ. (Ảnh: Tatlerasia)

Mông Cổ

Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Tsagaan Sar, là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Mông Cổ. Mâm cỗ Tết Tsagaan Sar có bánh ngọt xếp tầng, thịt cừu luộc, bánh bao nhân thịt cừu, sữa ngựa lên men...

Ul boov (hay còn được gọi là bánh ngọt xếp tầng) được làm từ bột mỳ, bơ, sữa, đường và men, với cách tạo hình và xếp tầng đặc trưng. Mỗi tầng bánh tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn; số tầng thường là số lẻ, biểu thị sự liên tục và trường tồn.

Uut (lưng cừu luộc) cũng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Mông Cổ, đại diện cho sự sung túc và thịnh vượng.

Người Mông Cổ cho rằng việc uống Airag (sữa ngựa lên men, một thức uống truyền thống mang đậm hương vị đồng quê) vào đầu năm mới sẽ mang lại sức khỏe và may mắn.

Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Mông Cổ. (Ảnh: Tripadvisor)

Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Mông Cổ. (Ảnh: Tripadvisor)

Bánh ngọt xếp tầng là món ăn truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết của người Mông Cổ. (Ảnh: Discover Mongolia)

Bánh ngọt xếp tầng là món ăn truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết của người Mông Cổ. (Ảnh: Discover Mongolia)

Mâm cỗ Tết của các nước châu Á đều mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, các món ăn không chỉ ngon miệng, đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mọi người.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/mam-co-tet-nguyen-dan-o-cac-nuoc-chau-a-co-gi-ar920512.html
Zalo