Cách trưởng bản người Nùng quyết xóa trắng hộ nghèo ở bản Cao Lạng

Là trưởng bản trẻ nhất xã, anh Mã Văn Hùng (bản Cao Lạng, xã Đắk Gằn, Đắk Nông) đã giúp bà con thoát nghèo bằng cây xoài cao sản. Đến nay, cả bản chỉ còn 1 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo.

Lời tòa soạn:

Cùng với sự phát triển của đất nước, đồng bào các dân tộc Việt Nam ngày càng linh hoạt, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Những tấm gương làm kinh tế giỏi không chỉ nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược. VietNamNet ghi nhận những điển hình tiêu biểu, những cá nhân có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới cho các thôn bản.

Từ những năm 2000, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng di cư từ các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Cao Lộc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn vào làm ăn và sinh sống tại xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil). Đến năm 2012, bản Cao Lạng (xã Đắk Gằn) chính thức được thành lập.

Lúc mới thành lập, nguồn sống của bà con chủ yếu dựa vào cây xoài. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, sản phẩm không đạt chất lượng nên đời sống của bà con trong bản rất chật vật.

Đi từng nhà vận động không phá bỏ cây xoài

Năm 2019, anh Mã Văn Hùng (SN 1986, dân tộc Nùng) được người dân trong bản Cao Lạng tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Anh là trưởng bản trẻ nhất ở xã Đắk Gằn.

Anh Mã Văn Hùng bên vườn xoài của người dân bản Cao Lạng. Ảnh: Hải Dương

Anh Mã Văn Hùng bên vườn xoài của người dân bản Cao Lạng. Ảnh: Hải Dương

Nhờ có cây xoài, nhiều gia đình ở bản Cao Lạng xây được nhà cửa khang trang. Ảnh: Hải Dương

Nhờ có cây xoài, nhiều gia đình ở bản Cao Lạng xây được nhà cửa khang trang. Ảnh: Hải Dương

Khi anh Hùng làm trưởng bản cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hộ trồng xoài gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Người dân rất hoang mang và có ý định thay đổi cây trồng.

Nắm được tâm lý này, anh Hùng cùng Ban tự quản bản Cao Lạng ngày đêm đến từng hộ gia đình vận động người dân không phá bỏ cây xoài, quyết tâm giữ lại để chờ thời cơ.

Ban đầu, nhiều người không đồng ý. Họ phản đối kịch liệt vì đang dịch bệnh, xoài không xuất khẩu được thì không có nguồn thu nhập, lấy gì để sinh sống. Tuy nhiên, anh Hùng cùng Ban tự quản không nản chí, thấy ai chuẩn bị chặt xoài là đến tận nhà vận động.

Sau một thời gian, thấy được sự quyết tâm, nhiệt tình của anh Hùng và cán bộ bản Cao Lạng nên bà con đã đồng thuận giữ lại cây xoài.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động xuất khẩu nông sản được nối lại nên xoài của bản Cao Lạng tiếp tục được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Người dân bản rất vui mừng vì nhờ anh Hùng và Ban tự quản, họ đã giữ được nguồn thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha.

Ông Đàm Văn Tiến (bản Cao Lạng) cho biết, ở khu vực này không trồng được gì ngoài cây xoài vì đất cằn cỗi. Gia đình ông có 2ha xoài, năm vừa rồi thu về 500 triệu đồng.

Ông Đàm Văn Tiến năm qua thu nhập 500 triệu đồng từ 2ha xoài. Ảnh: Hải Dương

Ông Đàm Văn Tiến năm qua thu nhập 500 triệu đồng từ 2ha xoài. Ảnh: Hải Dương

Theo ông Tiến, vài năm gần đây, người dân bản Cao Lạng có cây xoài nên cuộc sống trở nên khấm khá. Nhiều gia đình xây được nhà cửa khang trang.

"Có được thành quả này là nhờ công lao to lớn của anh Hùng và tập thể Ban tự quản bản Cao Lạng đã nhiệt tình giúp đỡ, tuyên truyền để bà con hiểu được những cái đúng sai trong làm ăn, phát triển kinh tế", ông Tiến cho hay.

Theo thống kê, toàn xã Đắk Gằn có 829ha xoài, trong đó có 343ha được chứng nhận VietGap, 298ha do Hội xoài và HTX quản lý, có thể truy xuất nguồn gốc... Bản Cao Lạng được đánh giá là một trong những nơi phát triển cây xoài tốt nhất toàn xã.

Cả bản chỉ còn 1 hộ nghèo

Chia sẻ với VietNamNet, anh Hùng cho biết người dân bản Cao Lạng chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Khi chưa có cây xoài, đời sống người dân rất khó khăn vì đất đai cằn cỗi, đi lại cách trở.

Theo anh Hùng, năm 2012, bản có đến 60% hộ nghèo, cận nghèo. Do cuộc sống thiếu thốn nên nhiều người phải bỏ chạy khỏi vùng đất này. Trong đó, một số hộ bán đất trở về quê hoặc tìm nơi ở mới để làm ăn, phát triển kinh tế.

"Sau một thời gian dài nỗ lực, những người bám trụ lại được đền đáp bằng sản phẩm từ cây xoài cao sản. Hiện toàn bản Cao Lạng chỉ còn 1 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo", anh Hùng nói.

Đường vào bản Cao Lạng khang trang, sạch sẽ. Ảnh: Hải Dương

Đường vào bản Cao Lạng khang trang, sạch sẽ. Ảnh: Hải Dương

Không chỉ giúp người dân làm kinh tế, vị trưởng bản còn giúp bà con thay đổi một số hủ tục lạc hậu.

Anh Hùng kể, từ năm 2019 trở về trước, khi có người thân mất, các gia đình đều để trong nhà từ 3 đến 4 ngày, sau đó mời thầy cúng về làm lễ xong mới chôn cất. Thậm chí, họ chôn cất người thân trong vườn, nương rẫy của gia đình.

"Phong tục này ngoài việc gây tốn kém tiền bạc của gia đình còn làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, sức khỏe của bà con", anh Hùng kể.

Với quyết tâm xóa bỏ hủ tục lạc hậu, anh Hùng cùng Ban tự quản đến từng gia đình kiên trì vận động. Sau một thời gian tuyên truyền bằng nhiều hình thức, bà con bản Cao Lạng đã nghe theo.

"Có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình vận động thay đổi nhận thức của người dân, từ thay đổi phương thức, tập quán sản xuất đến thay đổi, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín. Hiện người dân trong bản chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế nên chúng tôi quyết tâm sẽ xóa trắng hộ nghèo trong thời gian tới", anh Hùng chia sẻ.

Nhờ có trưởng bản mà bà con Cao Lạng giữ lại được những vườn xoài xanh tốt, cho thu nhập cao. Ảnh: Hải Dương

Nhờ có trưởng bản mà bà con Cao Lạng giữ lại được những vườn xoài xanh tốt, cho thu nhập cao. Ảnh: Hải Dương

Ông Hồ Hải Kiều, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Gằn, đánh giá, anh Mã Văn Hùng là trưởng bản trẻ nhất, có cách nhìn hiện đại, dám nghĩ, dám làm.

Bản thân anh Hùng đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Anh đã tạo được niềm tin, nhận được sự đồng thuận của bà con, từ đó các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào đời sống người dân bản Cao Lạng.

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-truong-ban-nguoi-nung-quyet-xoa-trang-ho-ngheo-o-ban-cao-lang-2380200.html
Zalo