Đảm bảo sinh kế, giúp người dân giảm nghèo bền vững
Cùng với việc chăm lo tốt cho đời sống của người nghèo, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực giúp người dân thoát nghèo thông qua đào tạo nghề, tạo việc làm để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo. Song song với việc tạo sinh kế cho người dân, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng, từ đó chủ động vươn lên thoát nghèo.

Nông dân ở tỉnh Vĩnh Long thu hoạch khoai lang. Ảnh: TL
Triển khai hiệu quả nhiều dự án giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, học bổng, chi phí sinh hoạt học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở… Đồng thời, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giảm nghèo.
Ông Trần Lê Thanh Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết, hoạt động của chi nhánh NHCSXH giai đoạn 2020-2025 được đánh giá có nhiều đột phá, phát triển ổn định, tăng trưởng dư nợ đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng.
Đồng thời tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu về vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến 28/02/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 5.535 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương cấp hơn 3.037 tỷ đồng; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường hơn 766 tỷ đồng; vốn nhận ủy thác đầu tư của ngân sách địa phương hơn 1.731 tỷ đồng. Chi nhánh đang triển khai cho vay 19 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt hơn 5.414 tỷ đồng (đến cuối tháng 02/2025).
Từ nguồn vốn chính sách, cũng như các nguồn vốn hỗ trợ khác, địa phương đang triển khai các dự án giảm nghèo để người dân được thụ hưởng trực tiếp.
Đến nay, đối với Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh đã triển khai được 05 mô hình (03 mô hình ở thị xã Bình Minh: Mô hình nuôi dê sinh sản, mô hình nuôi dê thịt, mô hình chăn nuôi bò thịt; huyện Mang Thít: Mô hình nuôi dê thịt; huyện Trà Ôn: Mô hình nuôi bò thịt).
“Việc chăn nuôi gia súc của bà con nông dân tham gia các mô hình đều thuận lợi, đàn dê, bò sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân” - lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết.
Đối với Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan tập trung khảo sát, thống kê, dự báo, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân. Phối hợp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng, bộ đội xuất ngũ, lao động nữ bị mất việc làm... tham gia học nghề.
Theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,05% (không tính hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội). Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho công tác này, gồm: triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo người dân tộc thiểu số; triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm để người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đơn cử, trong 4 năm qua (2020-2024), tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đặt hàng, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… ước kinh phí thực hiện đến hết năm 2024 là hơn 2 tỷ đồng.
Đổi mới công tác tuyên truyền...
Để lan tỏa những mô hình, cách làm hay, từ đó giúp người dân thay đổi nhận thức trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tỉnh Vĩnh Long xác định sẽ tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, gắn với việc nâng cao hiệu quả của từng mô hình để nhân rộng.

Đảm bảo sinh kế, giúp người dân giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị của địa phương hiện nay. Ảnh: N.Lộc
Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã quan tâm, đưa công tác giảm nghèo bền vững trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên được cụ thể hóa thành Nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND các cấp và từng đơn vị; tích cực tuyên truyền để khơi dậy tính tự lực của người nghèo; triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh…
Xác định rõ một trong những điều quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, công tác nâng cao năng lực, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Tỉnh Vĩnh Long hiện đang thực hiện hiện quả các dự án: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình... góp phần hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh, với tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,51%/năm trong giai đoạn 2022-2024, vượt kế hoạch đề ra.
Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, người dân và đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ cho công tác giảm nghèo bền vững; nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; đồng thời bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo.
Người dân được nâng cao về nhận thức, thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ đã tích cực tham gia thực hiện các hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập để từng bước thoát nghèo bền vững./.