Á vương Châu Nguyễn Tùng Sơn: 'Giữ gìn bản sắc dân tộc bắt nguồn từ tình yêu văn hóa'
Châu Nguyễn Tùng Sơn là sinh viên năm 4 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Không chỉ nổi bật với thành tích học tập ấn tượng mà còn ghi dấu ấn mạnh mẽ trong các cuộc thi sắc đẹp và nghệ thuật, Sơn đã khẳng định bản thân qua những thành tích đáng tự hào như Quán quân The Star Glory Model Việt Nam 2024 và Á vương 1 Sinh viên Thanh lịch 2024, vừa được tổ chức tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Đặc biệt, trong cuộc thi Sinh viên Thanh lịch, Sơn đã gây ấn tượng mạnh mẽ với tiết mục hầu đồng “Chầu Bé Bắc Lệ”, thể hiện niềm đam mê và tâm huyết của mình với việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa hầu đồng, một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Châu Nguyễn Tùng Sơn là một tài năng trẻ với hành trình chinh phục tri thức tự hào và khả năng tỏa sáng trên sân khấu nghệ thuật. Quê hương tại Thanh Chương, Nghệ An, Châu Nguyễn Tùng Sơn là một gương mặt trẻ nổi bật với thành tích học tập đáng nể. Tùng Sơn từng đạt giải Ba môn Ngữ văn và giải Khuyến khích môn Lịch sử trong kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm 2021 và được vinh danh là “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh cùng năm đó. Không chỉ giới hạn bản thân trong lĩnh vực học thuật, Tùng Sơn còn khẳng định tài năng qua các hoạt động phong trào. Chàng trai đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm cấp trường, trở thành Á vương King & Queen của khoa Ngữ văn, và đặc biệt là Quán quân cuộc thi The Star Glory Model Việt Nam 2024. Mới đây, Sơn tiếp tục ghi dấu ấn khi giành ngôi vị Á vương 1 tại cuộc thi Sinh viên Thanh lịch 2024.
Trong đêm bán kết cuộc thi Sinh viên Thanh lịch, Châu Nguyễn Tùng Sơn đã gây ấn tượng mạnh với khán giả khi mang đến một tiết mục hầu đồng xuất sắc. Phần trình diễn không chỉ thể hiện sự tự tin, tài năng mà còn tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Sự đầu tư chỉn chu và cảm xúc thăng hoa trong từng động tác đã giúp Sơn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả, đồng thời khẳng định phong cách độc đáo của mình tại cuộc thi.
Châu Nguyễn Tùng Sơn đã tạo nên dấu ấn đặc biệt với phần diễn xướng “Chầu Bé Bắc Lệ” tại cuộc thi Sinh viên Thanh lịch 2024. Chia sẻ về lý do chọn tiết mục này, Sơn cho biết: “Tháng vừa rồi là khánh tiệc của Chầu Bé Bắc Lệ, mình muốn cung nghinh tiệc Chầu bằng chính cái tâm của bản thân. Đồng thời, mình cũng mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa hầu đồng đến với nhiều người.” Phần biểu diễn được thực hiện trọn vẹn, nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng đặc biệt đã đưa Sơn đến với văn hóa hầu đồng, Châu Nguyễn Tùng Sơn bày tỏ sự tự hào khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa. Gia đình Sơn gắn bó với Đạo Mẫu, luôn tôn vinh giá trị văn hóa của tín ngưỡng này. Mẹ của Sơn, bà Trần Thị Thủy, là Thanh đồng và chủ trì An Thiên Điện - Đạo Hội Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo tại Thanh Chương, Nghệ An. Sơn chia sẻ rằng chính mẹ là người truyền cảm hứng lớn nhất, giúp chàng trai ngày càng yêu mến và trân trọng nét đẹp văn hóa hầu đồng của người Việt. Mỗi khi có cơ hội biểu diễn trên sân khấu, Sơn luôn cố gắng truyền tải nét đẹp truyền thống này đến mọi người một cách tôn nghiêm và tích cực nhất, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị của văn hóa dân tộc.
Theo Châu Nguyễn Tùng Sơn, giá trị cốt lõi và ý nghĩa thực sự của những khoảnh khắc hầu Tiên Thánh chính là sự xuất phát từ tâm. “Là một người con của Tiên Thánh thì khi “bắc ghế Cha ngồi, bắc ngôi Mẹ ngự” phải thực kính cẩn, tôn nghiêm.” Sơn chia sẻ. Sơn nhấn mạnh rằng cốt cách trong hầu đồng cần sự khoan thai, mực thước, đúng với phẩm chất con các Thánh, tránh những biểu hiện thái quá hay sai lệch làm tổn hại đến nét đẹp văn hóa. Điều quan trọng nhất, theo Sơn, là thể hiện được cốt cách của các vị thông qua điệu bộ, y phục và trang sức. Để làm được điều đó, người đệ tử cần có tấm lòng nhất quán, dốc lòng vì sự tôn vinh văn hóa và giá trị của Đạo Mẫu.
Châu Nguyễn Tùng Sơn nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Hãy yêu văn hóa dân tộc và tìm hiểu sâu hơn để cảm nhận được cái hay, cái thú vị, và sự thiêng liêng cao cả trong hầu đồng. Văn hóa còn thì dân tộc còn, chúng ta có thể kiến tạo điều mới nhưng phải dựa trên những giá trị cốt lõi của văn hóa.” Sơn cũng nhấn mạnh, khi muốn lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa truyền thống, điều quan trọng là phải thực hiện bằng chính niềm tự hào dân tộc từ sâu thẳm bên trong. Chỉ khi đó, văn hóa mới được gìn giữ và phát huy một cách trọn vẹn và bền vững nhất.
Hầu đồng là một bảo tàng sống, lưu giữ tinh hoa văn hóa dân gian qua những điệu múa uyển chuyển và âm nhạc chầu văn nền nã. Nghi thức này không chỉ góp phần tôn vinh và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn thể hiện sự tôn kính sâu sắc của con người đối với Mẹ Thiên Nhiên – vị thần cai quản trời, đất, núi rừng, sông nước. Chính giá trị văn hóa và tâm linh đặc biệt ấy đã giúp Đạo Mẫu, với nghi thức hầu đồng, được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 1/12/2016.
(Ảnh: NVCC)