Cách Nga xuyên phá 'ma trận' phòng không khiến Ukraine lộ điểm yếu chí tử

Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat cho biết, Nga đã thay đổi chiến thuật tấn công, tăng cường sử dụng tên lửa đạn đạo đồng thời cải tiến tên lửa và máy bay không người lái để khoét rộng lỗ hổng phòng thủ của Ukraine.

Cách Nga xuyên phá “ma trận” phòng không

"Nga thực sự đang thay đổi chiến thuật và hiện đại hóa thiết bị của họ. Chúng tôi đã thấy rằng, kể từ lần đầu tiên được sử dụng vào mùa thu năm 2022, máy bay không người lái Shahed đã thay đổi diện mạo, hiện chúng có màu đen. UAV này cũng đã trải qua một số lần cải tiến, trong đó được nâng cấp về khả năng nhắm mục tiêu và định vị vệ tinh", ông Yurii Ihnat cho biết.

Cháy lớn sau một trận tập kích của Nga vào Kiev, Ukraine. (Ảnh: Reuters).

Cháy lớn sau một trận tập kích của Nga vào Kiev, Ukraine. (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, Nga cũng đang nâng cấp tên lửa đạn đạo. Ông Ihnat lưu ý, sau khi Ukraine tiếp nhận hệ thống phòng không Patriot, họ đã có thể đánh chặn tên lửa Kinzhal và tên lửa đạn đạo Iskander. Tuy nhiên, việc đánh chặn chúng trở nên khó khăn hơn khi Nga tiếp tục hiện đại hóa tên lửa. Ukraine đang chia sẻ thông tin tình báo này với các đối tác phương Tây để giúp cải thiện hệ thống phòng không.

Trước đó ngày 6/4, lực lượng Nga đã phóng một loạt máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhắm vào nhiều địa điểm trên khắp Ukraine, trong đó thủ đô Kiev là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính phủ Ukraine cho rằng, trong cuộc tấn công này, Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-M - loại vũ khí nổi tiếng về tốc độ và độ chính xác, cùng với các vũ khí trên không khác.

Các cuộc không kích đã kích hoạt còi báo động không kích trên toàn Ukraine, khiến Kiev rơi vào hỗn loạn khi tiếng nổ vang vọng khắp thành phố. Ukraine đã công bố thông tin chi tiết về các khu vực bị ảnh hưởng và con số thương vong song vẫn giữ im lặng về hiệu quả đánh chặn của hệ thống phòng không mà họ triển khai.

Theo AMK Mapping – một tài khoản trên mạng xã hội X chuyên theo dõi cuộc xung đột bằng thông tin tình báo nguồn mở, Nga đã bắn 8 tên lửa Iskander-M vào các mục tiêu ở Kiev và không có tên lửa nào bị đánh chặn. Thông tin này vẫn chưa được Nga hay Ukraine xác nhận.

Iskander-M là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động, do Văn phòng Thiết kế Chế tạo máy Nga phát triển, dùng để tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Hệ thống chính thức được Nga định danh là 9K720, còn NATO gọi là SS-26 Stone.

Iskander-M có tầm bắn tối đa khoảng 500km, có khả năng mang theo tải trọng nặng hơn 800kg. Iskander sử dụng một số loại đầu đạn thông thường, trong đó có đầu đạn chùm; đầu đạn phân mảnh tích lũy PTAB-2.5KO có khả năng xuyên thủng giáp nóc xe bọc thép dày tới 20mm), đầu đạn nhiên liệu-không khí (nhiệt áp), đầu đạn nổ phân mảnh cao, đầu đạn xuyên sâu để phá boongke, đầu đạn gắn thiết bị xung điện từ cho các nhiệm vụ chống radar, và cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Điểm khác biệt của Iskander-M so với các loại tên lửa khác là tốc độ vô cùng ấn tượng, hơn 2 km/giây, tương đương khoảng Mach 6 đến Mach 7 và có khả năng cơ động trong khi bay. Không giống như các tên lửa đạn đạo truyền thống thường bay theo hình vòng cung, Iskander-M bay theo quỹ đạo bán đạn đạo, thực hiện các động thái né tránh ở giai đoạn cuối trong khi thả mồi nhử để đánh lạc hướng hệ thống phòng không của đối phương.

Iskander-M sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn nên có thể triển khai nhanh chóng. Tên lửa được tích hợp hệ thống dẫn đường kết hợp dẫn đường quán tính với hỗ trợ quang học và vệ tinh.

Ukraine lộ điểm yếu chí mạng

Cuộc tấn công hôm 6/4 đã thể hiện tính năng ưu việt của Iskander-M trong xung đột, đồng thời đặt ra câu hỏi về khả năng phục hồi của mạng lưới phòng không Ukraine. Hệ thống phòng thủ của Kiev có thể bao gồm các hệ thống do phương Tây cung cấp như Patriot do Mỹ sản xuất hoặc NASAMS của Na Uy. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các mối đe dọa trên không của Nga kể từ khi triển khai vào năm 2023. Patriot nổi tiếng với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ukraine tuyên bố, hệ thống đã đánh chặn được tên lửa Kinzhal của Nga vào năm 2023.

Tuy nhiên, Iskander-M với đường bay tốc độ cao và quỹ đạo khó đoán, đã tạo ra thách thức lớn với các phương tiện đánh chặn. Tên lửa di chuyển với vận tốc siêu thanh nên lực lượng phòng thủ của đối phương có rất ít thời gian phản ứng. Ngoài ra, khả năng cơ động của Iskander-M khiến việc theo dõi bằng radar trở nên phức tạp hơn.

Nếu thông tin của AMK Mapping cho rằng 8 tên lửa Nga đều bắn trúng mục tiêu là chính xác, thì điều này báo hiệu điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine khi bị các mối đe dọa áp đảo.

Chiến lược của Nga trong cuộc tấn công này dường như không chỉ dừng lại ở việc phá hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine, mà còn cho thấy những cải tiến tinh vi trong phương thức tập kích trên không. Sự kết hợp giữa máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cho thấy nỗ lực nhằm làm bão hòa các biện pháp phòng thủ của Ukraine.

Máy bay không người lái, nhiều khả năng là UAV Shahed do Iran thiết kế mà Nga đã sử dụng từ năm 2022, đóng vai trò là mồi nhử giá rẻ, buộc các đơn vị phòng không Ukraine phải tốn nguồn lực để theo dõi và vô hiệu hóa chúng. Các tên lửa hành trình, chẳng hạn như Kalibr mà Nga sử dụng tiếp theo sẽ làm Ukraine cạn kiệt kho dự trữ máy bay đánh chặn có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao, như đã lưu ý trong một phân tích năm 2023 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh.

Cuối cùng, tên lửa Iskander-M, với tốc độ và sức mạnh xuyên phá, trở thành “cú hạ gục”, nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao như các cơ sở quân sự hoặc cơ sở hạ tầng sau khi là chắn của chúng bị vô hiệu hóa. Cách tiếp cận theo từng lớp này đã giúp Nga thành công và cho thấy vai trò trung tâm của tên lửa Iskander-M.

Theo các nhà phân tích, các cuộc tấn công gần đây nhất của Nga làm nổi bật sự bất cân xứng đáng lo ngại với Ukraine. Khả năng tinh chỉnh chiến thuật của Nga - kết hợp giữa máy bay không người lái giá rẻ với tên lửa tiên tiến – đối lập với sự phụ thuộc của Ukraine vào những hệ thống cũ kỹ từ thời Liên Xô và các gói viện trợ hữu hạn của phương Tây. Thành công của Iskander-M, nếu được xác nhận, sẽ phơi bày những hạn chế của các biện pháp đối phó hiện tại mà Ukraine đang triển khai, thách thức lập luận cho rằng, sự trội trong công nghệ của phương Tây sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Kiev.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi: liệu Ukraine và các đối tác có thể thích nghi đủ nhanh để ngăn chặn mối đe dọa mới từ Nga hay không, và liệu chiến thuật trên không của Nga có thiết lập một tiêu chuẩn mới cho xung đột hiện đại? Câu trả lời, vẫn đang diễn ra trên bầu trời Kiev, sẽ không chỉ định hình cuộc xung đột này mà còn cả tương lai của an ninh toàn cầu.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Bulgaria Military

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cach-nga-xuyen-pha-ma-tran-phong-khong-khien-ukraine-lo-diem-yeu-chi-tu-post1190495.vov
Zalo