Những 'bộ não kinh tế' đứng sau chính sách thuế quan của ông Trump
Chính sách thuế quan của chính quyền Trump nhiệm kỳ hai tác động mạnh mẽ lên toàn cầu nhờ những 'bộ não kinh tế' đứng sau việc định hình chiến lược này.
Gần 3 tuần sau tuyên bố gây chấn động của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan. Mỹ đơn phương chấm dứt hệ thống thương mại toàn cầu bằng cách áp thuế tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế đối ứng cao khủng khiếp tại các quốc gia “không may” là đối tác xuất khẩu chính với cường quốc số 1 thế giới.
Một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu mới có thể bùng phát, khi các nước vốn đã nợ nần chồng chất nay đột ngột mất đi nguồn thu từ xuất khẩu. Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc khi nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu và làn sóng chỉ trích chính trị gần như đến từ khắp nơi.
Vậy những “bộ não kinh tế” nào đã góp phần định hình chính sách thương mại gây tranh cãi của chính quyền Trump nhiệm kỳ hai?

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent
Chỉ sau khoảng 3 tháng, nhiệm kỳ của ông Scott Bessent trên cương vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã gắn liền với việc tuân thủ nỗ lực giải thể các cơ quan chính phủ và sự né tránh thừa nhận tác động của thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với người dân Mỹ cũng như thị trường chứng khoán.
Mới đây, ông Bessent vấp phải chỉ trích gay gắt sau khi phát biểu về các mức thuế quan của ông Trump, trong đó ông cảnh báo các quốc gia khác không nên tự vệ. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, ông nói: “Lời khuyên của tôi với mọi quốc gia lúc này là đừng trả đũa, hãy ngồi yên, chịu đựng, chờ xem điều gì xảy ra. Vì nếu các bạn trả đũa, căng thẳng sẽ leo thang. Nếu không trả đũa, đây có thể sẽ là mức đỉnh điểm”.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (giữa), từng xuất hiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump (Ảnh: AP).
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent thứ 79 của Mỹ, 62 tuổi, sinh ra và lớn lên tại South Carolina, có bằng cử nhân khoa học chính trị tại Đại học Yale.
Scott Bessent từng làm việc cho George Soros và sáng lập quỹ Key Square Group, được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính vào đầu năm 2025. Dù từng ủng hộ Đảng Dân chủ, ông chuyển sang hậu thuẫn Trump trong bầu cử 2024, đóng vai trò chủ chốt trong gây quỹ và hoạch định chiến lược kinh tế cho chiến dịch.
Trên cương vị mới, Bessent ủng hộ chính sách thuế quan, mở rộng cắt giảm thuế và đề xuất cải cách tiền tệ táo bạo như ý tưởng “Chủ tịch Fed trong bóng tối”. Ông lấy cảm hứng từ chính sách “Ba mũi tên” của Nhật để thúc đẩy tăng trưởng Mỹ. Là người đồng tính công khai đầu tiên giữ chức vụ này, Bessent không chỉ mang lại góc nhìn mới trong chính sách kinh tế mà còn đánh dấu bước tiến lịch sử về sự đa dạng trong chính phủ liên bang.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick
Trong số các cố vấn của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick được xem là người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với chính sách thuế quan. Một số báo cáo truyền thông gần đây thậm chí mô tả ông là “kiến trúc sư” đứng sau kế hoạch của chính quyền Trump nhằm áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. (Ảnh: Getty)
Dù ông Trump là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế, nhưng ông đã làm điều đó với sự ủng hộ hoàn toàn từ Bộ trưởng Lutnick, doanh nhân người Mỹ gốc Do Thái, người từng giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Cantor Fitzgerald, một công ty dịch vụ tài chính toàn cầu.
Ông Lutnick là một trong những nhân sự được Tổng thống Trump bổ nhiệm sớm nhất vào nội các và thường xuyên đại diện cho chính quyền trên các phương tiện truyền thông. Mới đây, vị Bộ trưởng 63 tuổi đã xuất hiện trên hầu hết các kênh tin tức lớn, tích cực bảo vệ quyết định áp thuế. “Ca phẫu thuật đã hoàn tất, bệnh nhân đang nằm viện và bắt đầu hồi phục”, ông ví von.
Tuy nhiên, một số quan chức trong Nhà Trắng và các đồng minh của Tổng thống bên ngoài chính quyền đã bày tỏ lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của ông Lutnick đối với chính sách kinh tế. Trong tháng qua, các ý kiến chỉ trích cho rằng những lần xuất hiện liên tục trên truyền hình của ông cho thấy sự thiếu hiểu biết về các nguyên lý kinh tế cơ bản và cách thức thuế quan vận hành. Một số đồng minh của ông Trump thậm chí còn cho biết, trong các cuộc trò chuyện riêng, họ lo ngại rằng ông Lutnick đang nói với Tổng thống những điều ông muốn nghe, thay vì những điều ông cần phải nghe.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald tại New York. Ông Lutnick là người ủng hộ tiền điện tử. Tỷ phú này cũng công khai ủng hộ các chính sách thuế quan đối với hàng nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cho nền kinh tế Mỹ.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro được xem là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì thuế quan trong dài hạn. Các kế hoạch thương mại của ông đã trở thành nội dung chính trong nửa chương sách thuộc Project 2025 (Dự án 2025) – cẩm nang chính sách do tổ chức tư vấn bảo thủ Heritage Foundation công bố.

Cố vấn của Tổng thống Trump Peter Navarro. (Ảnh: ACB News)
Trong tài liệu này, ông kêu gọi Tổng thống Trump nhắm vào “những quốc gia có mức thâm hụt thương mại lớn với Mỹ và áp dụng mức thuế quan tương đối cao”.
Khi ông Trump công bố mức thuế mới mang tên “Ngày Giải phóng”, 8 đối tác thương mại từng bị ông Navarro nêu đích danh trong Project 2025 đều nằm trong danh sách những nước sẽ phải đối mặt với các mức thuế cao.
Bên cạnh đó, một chính sách được ông Navarro đề xuất là mở rộng các mức thuế đối với Trung Quốc nhằm “chặn” hàng hóa sản xuất tại nước này. Kể từ khi ông Trump chính thức áp dụng các mức thuế vào ngày 2/4, cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc đã leo thang nhanh chóng.
Cố vấn Navarro, 75 tuổi phục vụ trong chính quyền đầu tiên của ông Trump, nơi ông điều hành Hội đồng Thương mại Quốc gia mới thành lập và sau đó là Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất.
Ông tốt nghiệp Đại học Tufts và sau đó là Đại học Harvard với bằng tiến sĩ kinh tế. Cố vấn Navarro đã đi vào lịch sử khi trở thành cựu quan chức Nhà Trắng đầu tiên bị bỏ tù vì tội coi thường Quốc hội.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran
Nhiều động thái gần đây về thuế quan của chính quyền Donald Trump đều mang dấu ấn của một bài luận do Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Stephen Miran viết. Ông Miran có lẽ là có ảnh hưởng trực tiếp đến Tổng thống Mỹ trong các vấn đề thương mại gắn liền với an ninh quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA) Stephen Miran. (Ảnh: Reuters)
Vào tháng 11/2024, khi còn làm việc tại Hudson Bay Capital, ông Stephen Miran đã viết một tài liệu dài 41 trang mang tựa đề “Hướng dẫn tái thiết hệ thống thương mại toàn cầu”. Văn bản này vạch ra lộ trình và các công cụ chính sách mà “chính quyền Trump có thể sử dụng để tái định hình hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu theo hướng có lợi cho nước Mỹ”.
Bài luận lập luận mạnh mẽ về cách thuế quan có thể được sử dụng như một công cụ chiến lược nhằm tạo ra “đòn bẩy đàm phán, qua đó buộc các quốc gia khác mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Mỹ”.
Và đó cũng chính là điều mà ông Trump dường như đang thực hiện và nỗ lực đạt được ở thời điểm hiện tại.
Ông Stephen Miran nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard vào năm 2010. Trước đó, tốt nghiệp xuất sắc từ Đại học Boston ngành kinh tế, triết học và toán học
Trước khi đảm nhận vai trò tại CEA, Ông Miran từng là cố vấn chính sách kinh tế tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ từ năm 2020 đến 2021, dưới thời Bộ trưởng Steven Mnuchin.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, ông Kevin Hassett đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC), đánh dấu sự trở lại của ông trong vai trò cố vấn kinh tế hàng đầu tại Nhà Trắng. Trước đó, ông từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Ông Kevin Hassett. (Ảnh: AP)
Ông Kevin Hassett là Giám đốc nghiên cứu chính sách đối nội của Viện Doanh nghiệp Mỹ mà ông tham gia từ năm 1997. Ông cũng là cố vấn kinh tế trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông John McCain, George W. Bush và Mitt Romney.
Với học vị tiến sỹ kinh tế tại Đại học Pennsylvania, ông là nhà kinh tế cấp cao tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và từng giảng dạy tại Đại học Columbia.
Ở vai trò này, ông Hassett có nhiệm vụ điều phối các chính sách kinh tế, bao gồm cắt giảm thuế, thúc đẩy sản xuất năng lượng và giảm bớt các quy định hành chính. Ông cũng ủng hộ việc sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán trong chính sách thương mại của ông Trump.
Mới đây, trong buổi phỏng vấn với CNBC, ông Kevin Hassett khẳng định rằng mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu do Tổng thống Donald Trump áp đặt sẽ không bị gỡ bỏ, bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra với các quốc gia nhằm thu hẹp các mức thuế được triển khai trước đó.
Ông Hassett đồng thời bảo vệ chiến lược thuế quan của chính quyền, mô tả việc tạm hoãn áp dụng các mức thuế cao trong 90 ngày là một “bước đi có hệ thống, được tính toán kỹ lưỡng” chứ không phải phản ứng trước tình trạng hỗn loạn của thị trường.