Cách nấu 7 loại cháo ngon bổ dưỡng cho người ốm
Người ốm thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn do tình trạng bệnh, đau đớn, thần kinh căng thẳng, lo lắng, mất ngủ làm cơ thể suy nhược, sức khỏe giảm sút. Bởi vậy, Ngoài việc dùng thuốc, việc chăm sóc người bệnh bằng thức ăn bổ dưỡng sẽ giúp nhanh quá trình phục hồi bệnh.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, cháo bổ dưỡng kết hợp giữa thực phẩm và dược phẩm giúp tăng cường công năng của các tạng phủ, đặc biệt là hệ thống tỳ vị, dễ tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ tích cực cho trị liệu.
1. Cháo bổ dưỡng hạt sen viễn chí dưỡng tâm, an thần
Nguyên liệu: Hạt sen 15g, viễn chí 30g, gạo tẻ 50g.
Cách dùng: Viễn chí bỏ ruột sao thơm, hạt sen đập vụn, hai thứ đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Kiện tỳ dưỡng tâm, an thần cho những bệnh nhân mất ngủ, chán ăn, suy nhược cơ thể.

Hạt sen nấu cháo có công dụng bổ dưỡng bổ dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người ốm, người suy nhược cơ thể.
2. Cháo đương quy kiện tỳ, bổ huyết
Nguyên liệu: Tim lợn 1 quả nhỏ, nhân sâm 5g, đương quy 10g, gạo tẻ 100g.
Cách dùng: Nhân sâm, đương quy cho vào túi vải, bỏ vào nồi, thêm nước vừa đủ, đun nhỏ lửa thành nước thuốc; vớt túi thuốc ra, cho gạo vào, đun to lửa cho sôi rồi nhỏ lửa ninh thành cháo. Tim lợn làm sạch, thái nhỏ, cho vào cháo, thêm gia vị ăn nóng.
Công dụng: Kiện tỳ dưỡng tâm, bổ huyết an thần, dùng rất tốt cho những bệnh nhân mất ngủ, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể sau phẫu thuật.
3. Cháo nhân sâm bổ nguyên khí
Nguyên liệu: Bột nhân sâm 3g, gạo tẻ 50g, thịt lợn nạc 25g, gia vị vừa đủ.
Cách dùng: Thịt lợn rửa sạch, thái chỉ, đem ninh với gạo thành cháo, khi chín cho bột nhân sâm và gia vị vừa đủ, ăn nóng.
Công dụng: Đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân dịch và an thần, làm tăng sức đề kháng của cơ thể và giúp tủy xương tăng sinh hồng cầu.
4. Cháo kê nội kim kích thích tiêu hóa
Nguyên liệu: Bột kê nội kim 3g, trứng gà 1 quả, gạo tẻ 50g, gia vị vừa đủ.
Cách dùng: Gạo vo sạch cho vào nồi ninh thành cháo rồi đập trứng quấy đều, cho bột kê nội kim vào, chế đủ gia vị, ăn nóng.
Công dụng: Kiện tỳ vị, tiêu tích trệ, kích thích tiêu hóa... thích hợp với trường hợp mệt mỏi, chán ăn, bụng đầy chướng, khó tiêu hóa.
5. Cháo hoài sơn dưỡng thận ích phế
Nguyên liệu: Hoài sơn tươi (củ mài tươi) 50g, gạo tẻ 50g, đường đỏ lượng vừa đủ.
Cách dùng: Củ mài gọt bỏ vỏ, thái miếng, đem ninh với gạo tẻ thành cháo đặc, chế thêm đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Bổ tỳ, ích phế, dưỡng thận... là loại cháo rất dễ ăn và dễ tiêu.

Nhân sâm nấu cháo có công dụng tăng sức đề kháng của cơ thể và giúp tủy xương tăng sinh hồng cầu.
6. Cháo sơn tra tiêu thực, trợ tiêu hóa
Nguyên liệu: Sơn tra 10g, gạo tẻ 50g.
Cách dùng: Sơn tra sao cho đến khi vỏ ngoài vàng sẫm rồi đem sắc kỹ lấy nước bỏ bã, dùng nước sắc này ninh với gạo thành cháo, chế thêm muối hoặc đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Kiện tỳ tiêu thực, dùng cho bệnh nhân chán ăn, đầy bụng, chậm tiêu; những người bị viêm loét dạ dày, tá tràng không được dùng.
7. Cháo hoàng kỳ tăng khả năng tạo máu
Nguyên liệu: Hoàng kỳ 12g, thịt gà 25g, gạo tẻ 50g, gia vị vừa đủ.
Cách dùng: Hoàng kỳ rửa sạch, sắc kỹ 2 lần bỏ bã lấy nước; thịt gà rửa sạch, thái chỉ; hai thứ đem ninh với gạo thành cháo, chế thêm gia vị, ăn nóng.
Công dụng: Ích khí cố biểu, ôn trung bổ hư, tăng khả năng tạo máu; giúp cho cơ thể nâng cao năng lực miễn dịch.
Mời bạn xem thêm video:
Cải thiện tình trạng chán ăn ở người cao tuổi | SKĐS