Cách làm gà cúng đêm Giao thừa đúng chuẩn để đón Năm mới tài lộc
Trong khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng, các gia đình Việt Nam cúng gà trống ngậm hoa hồng với mong muốn đón nhận nguồn năng lượng dương mạnh mẽ, do đó việc chọn gà lễ đúng chuẩn là rất quan trọng.
Cúng đêm Giao thừa là một nghi thức quan trọng đối với người Việt Nam mỗi dịp Tết Nguyên đán. Vào khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và Năm mới, các gia đình thực hiện nghi thức cúng Trời đất, tạ ơn Tổ tiên và cầu một Năm mới tốt lành, bình an, nhiều may mắn, tài lộc.
Vật phẩm quan trọng trong lễ cúng Giao thừa là một chú gà trống luộc, mỏ ngậm hoa hồng, ngoài ra còn có 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng, trầu, cau, rượu trắng, trà, hoa tươi, tiền vàng mã, một đĩa muối-gạo nhỏ, đèn nến.
Việc chọn gà trống cúng đêm Giao thừa mang ý nghĩa đánh thức Mặt trời, soi rọi cho cả năm sáng láng. Gà trống cũng là biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ, hội tụ 5 đức quý là “Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín.”
Cúng gà trống ngậm hoa hồng đỏ mang ý nghĩa tiễn trừ những điều xui xẻo của năm cũ và đón một Năm mới an khang, thịnh vượng.
Cách chọn gà cúng Giao thừa
Theo kinh nghiệm lâu năm của các bậc tiền bối, gà cúng Giao thừa phải là gà trống hoa (gà trống tơ) chưa đạp mái, có mào đơn thẳng đứng màu đỏ cờ, nhú đều nhau, chân và mỏ vàng tươi, lông mượt màu đỏ hoặc vàng đỏ, mình gà đầy đặn, trọng lượng từ 1,2-1,5 kg.
Khi mua gà, kiểm tra bằng cách bấm nhẹ phía dưới ức thấy xương mềm; vạch lông ra thấy da căng vàng, không bị thâm tái, không có các đốm đen…thì đó là gà ngon, đạt tiêu chuẩn.
Nếu mua gà về nhà làm thì trước khi làm thịt nên thả gà đi lại tự do trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ cho hết máu tụ ở chân gà do bị buộc.
Trong trường hợp mua gà thịt sẵn thì chọn con có da màu vàng nhạt tự nhiên, mỏng đều toàn thân, thịt săn chắc, phao câu nhỏ, ít mỡ ở phần cổ và đùi.
Mổ và tạo dáng gà cúng
Khi mổ gà cúng luôn phải mổ moi để giữ nguyên hình dáng bên ngoài của gà. Để tránh tình trạng co da hoặc nứt da, nên cắt rời phần chân gà từ khuỷu.
Sau khi làm gà và rửa sạch sẽ thì đến phần tạo dáng cho gà. Dáng gà cúng phổ biến và dễ làm nhất là dáng gà quỳ. Cố định đầu gà thẳng, hai cánh khép hai bên sườn, đôi chân cài vào trong bụng, điều chỉnh dáng gà cân đối trước khi cho vào nồi luộc.
Dáng gà cánh tiên cũng được nhiều người lựa chọn. Đầu tiên, cho 2 chân gà vào phần bụng đã mổ moi. Tiếp đó, đặt gà nằm thẳng lên, dùng tay dựng cổ gà rồi kẹp 2 cánh để cố định. Dùng sợi lạt buộc 2 vòng qua hai khoeo đầu cánh gà để hai khuỷu cánh chạm vào nhau. Tiếp tục kéo đầu gà lên, cho mỏ gà ngậm vào sợi lạt trên cánh.
Lúc này dáng của gà ngẩng đầu cao, 2 cánh xòe ra đều nhau như hai cánh tiên là hoàn thành.
Bí quyết luộc gà cúng đẹp
Chuẩn bị một chiếc nồi to và sâu lòng, đủ để đặt lọt gà vào trong mà không chạm vào thành nồi để giữ da gà được nguyên vẹn. Lưu ý để tránh phần da bụng gà tiếp giáp đáy nồi rất dễ bị nứt, vì thế hãy đặt gà vào một bát tô lớn rồi mới đặt vào trong nồi.
Tiếp đó, đổ nước lạnh ngập gà, cho thêm gừng, hành tím đập dập và một chút muối rồi bật bếp. Để gà cúng có lớp da căng bóng, không bị bám các vẩn tiết thì nên luộc lòng và tiết gà riêng vào một nồi khác, không nên luộc chung nồi gà lễ.
Luộc gà với lửa vừa, canh tới lúc sôi lăn tăn (không sôi sùng sục) thì hớt hết váng bọt, tiếp tục để sôi như thế khoảng 7-8 phút thì tắt bếp, ngâm gà trong nồi thêm khoảng 20 phút để gà tiếp tục chín mà da gà không bị nứt hoặc co rút.
Sau 20 phút ngâm gà, vớt ra và nhúng gà vào một nồi nước nguội thả đá lạnh để da gà giòn. Để vài phút rồi nhấc gà ra. Lúc này, bạn có thể có thể hòa mỡ gà với chút nước ép nghệ, phết một lớp mỏng lên khắp bề mặt gà để da gà bóng mượt và có màu vàng ươm đẹp mắt.
Cuối cùng, bày gà lên đĩa, cài một bông hoa hồng đỏ lên mỏ gà, đặt tiết và bộ lòng nhét lại vào trong bụng gà và thế là vật phẩm gà lễ Giao thừa đã hoàn thành, sẵn sàng cho gia chủ thực hiện nghi thức cúng Giao thừa./.