Hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng (Bài cuối): Thống nhất cách thực hiện, tạo niềm tin với Nhân dân

Trong Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 12/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng, trọng tâm là đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, đã yêu cầu: Các huyện, thị, thành ủy bố trí, đảm bảo kinh phí đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ gia đình, cá nhân sau khi hiến đất. Đây rõ ràng là việc phải làm, nên làm một cách kịp thời để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong quá trình thực hiện, tạo niềm tin trong Nhân dân để thúc đẩy các phong trào ở địa phương.

Vỉa hè tại tuyến đường thuộc khu phố 4, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) được mở rộng sau khi người dân hiến đất và công trình. Ảnh: Việt Hương

Vỉa hè tại tuyến đường thuộc khu phố 4, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) được mở rộng sau khi người dân hiến đất và công trình. Ảnh: Việt Hương

Những địa phương đi đầu

Hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng là chủ trương được nhiều địa phương thực hiện, nhất là từ khi thực hiện chương trình XDNTM. Mỗi địa phương có cách thực hiện khác nhau, có địa phương đã ban hành nghị quyết, đề án lãnh đạo, chỉ đạo riêng về nội dung hiến đất mở rộng đường giao thông, tạo thành “cuộc cách mạng” mở đường ở mỗi làng quê.

Tại huyện Triệu Sơn, năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Sơn đã ban hành Đề án số 02-ĐA/HU ngày 22/7/2022 tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông, giai đoạn 2022-2025. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 12 và Đề án 02 đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, khi có tới 100% số thôn trong huyện có người dân tham gia hiến đất. Tính đến đầu tháng 10/2024, toàn huyện Triệu Sơn đã có hơn 18.800 hộ dân tham gia hiến đất với tổng diện tích lên tới gần 700.000m2, tổng chiều dài gần 520km đường giao thông. Số tiền Nhân dân đóng góp thực hiện Nghị quyết 12 ước đạt trên 4.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, để khích lệ phong trào, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, huyện Triệu Sơn đưa ra phương thức khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của huyện, của xã khi làm đường giao thông nông thôn; đặc biệt là quan tâm đến việc bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hộ hiến đất trích đo lại diện tích và cấp lại GCNQSDĐ sau khi hoàn thành hiến đất làm đường.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Triệu Sơn, Nguyễn Thị Xuân cho biết: Để thực hiện việc chỉnh lý hồ sơ đất đai, cấp lại GCNQSDĐ cho các hộ dân, địa phương đang thực hiện việc đo đạc, nghiệm thu lại hiện trạng sử dụng đất sau hiến đất. Trên cơ sở đó, Phòng TN&MT đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch đo đạc, chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính và cấp GCNQSDĐ cho người dân đã hiến đất làm đường giao thông. Khi kế hoạch được ban hành, bố trí bảo đảm nguồn kinh phí theo quy định, việc cấp lại GCNQSDĐ cho người dân sẽ được thực hiện kịp thời, không để người dân phải thiệt thòi về vấn đề này.

Tại huyện Như Xuân, tính đến tháng 7/2024, toàn huyện đã có hàng trăm hộ dân hiến đất với tổng diện tích trên 150.000m2, trong đó có liên quan đến hơn 5.000m2 đất ở của nhiều gia đình. Trưởng Phòng TN&MT huyện Như Xuân Phạm Văn Tuấn, cho biết: Sau khi Nhân dân thực hiện hiến đất, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện các phương án để giúp các hộ dân chỉnh lý lại GCNQSDĐ, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Đối với các tuyến đường có dự án làm đường giao thông, đã có hồ sơ trích đo các thửa đất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện sẽ cung cấp hồ sơ trích đo, vị trí của thửa đất, diện tích đã hiến. Trên cơ sở đó, Phòng TN&MT sẽ phối hợp cùng các xã hướng dẫn các hộ dân hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục; phối hợp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Như Xuân thực hiện chỉnh lý lại GCNQSDĐ cho bà con.

Đối với các hộ dân hiến đất mở đường trong khu dân cư, không nằm trong dự án, phải thực hiện việc trích đo lại thửa đất. Về kinh phí thực hiện, Phòng TN&MT đã đề xuất với Chủ tịch UBND huyện trích nguồn thu từ đất để thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân đã hiến đất hoàn thiện hồ sơ trích đo cũng như chỉnh lý GCNQSDĐ. Việc này là việc nên làm, phải làm để tạo sự đồng thuận chung, không làm ảnh hưởng đến phong trào hiến đất. Đối với các hộ chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu thì nằm trong danh sách các hộ rà soát việc cấp GCNQSDĐ lần đầu. Toàn huyện còn gần 3.500 thửa đất chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu, UBND huyện đã thành lập các tổ công tác lưu động đối thoại, rà soát, xác định nguồn gốc sử dụng đất, hỗ trợ người dân hoàn thiện thủ tục cấp GCNQSDĐ lần đầu đối với các thửa đất đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ.

Việc phải làm, nên làm

Nhằm huy động cao nhất các nguồn lực trong Nhân dân, cùng với nguồn lực của Nhà nước đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông và các công trình công cộng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động Cuộc vận động “Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng, trọng tâm là đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại”.

Phong trào hiến đất, công trình mở rộng đường giao thông ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) đang được triển khai tại nhiều khu phố.

Phong trào hiến đất, công trình mở rộng đường giao thông ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) đang được triển khai tại nhiều khu phố.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 11126/UBND-NN ngày 2/8/2024 yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ; đồng thời đưa ra chỉ tiêu đến từng huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện vận động Nhân dân hiến đất đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng, trọng tâm là đường giao thông khu vực nông thôn, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Chỉ tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2024-2025, toàn tỉnh vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, mở rộng ít nhất 1.056km đường giao thông (139km đường huyện; 230km đường xã và 687km đường thôn, bản, ngõ xóm) và 50 công trình hạ tầng công cộng khác; giai đoạn 2026-2030 được ít nhất 3.450km đường giao thông (454km đường huyện; 663km đường xã và 2.333km đường thôn, bản, ngõ xóm) và 401 công trình hạ tầng công cộng khác.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp lại GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân sau khi hiến đất, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Sở TN&MT đã có Công văn số 7585/STNMT-VPĐKĐĐ hướng dẫn và đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo, bố trí kinh phí để thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp lại giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau khi tặng cho QSDĐ.

“Tấc đất, tấc vàng”, ở thời điểm vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường hay phục vụ cộng đồng dân cư là việc không hề dễ dàng. Quy định của pháp luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người hiến đất đã có; cơ chế cũng đã rất rõ ràng. Vì vậy, để đạt được những mục tiêu đã đề ra theo Chỉ thị số 24, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động đến từng địa bàn dân cư, thì nên chăng cần có những đợt đồng bộ, cao điểm thực hiện việc cấp lại GCNQSDĐ cho các hộ dân, cá nhân sau hiến đất. Từ đó tạo sự tin tưởng trong Nhân dân, khích lệ, cổ vũ, lan tỏa để có thêm nhiều người dân tích cực tham gia cuộc vận động, huy động các nguồn lực trong Nhân dân để đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông, các công trình công cộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hien-dat-lam-duong-giao-thong-va-cac-cong-trinh-cong-cong-bai-cuoi-thong-nhat-cach-thuc-hien-tao-niem-tin-voi-nhan-dan-231483.htm
Zalo