Cách giữ da tay và gót chân mềm mại mùa khô lạnh

Hầu hết chúng ta đều có thói quen chăm sóc da mặt mà lơ là da tay và chân, đặc biệt là trong thời tiết khô lạnh khiến da rất dễ bị khô ngứa, nứt nẻ. Vậy làm thế nào để giữ đôi tay và gót chân mềm mại?

1. Dưỡng ẩm cho da tay, chân hàng ngày

Việc dưỡng ẩm cho da tay, chân cũng cần thiết như đối với da mặt, đặc biệt là trong thời tiết khô lạnh. Bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dành cho da tay và nên bôi nhiều lần trong ngày. Các loại kem dưỡng có kết cấu mỏng nhẹ sẽ dễ thấm hút vào da hơn mà không gây bết dính, khó chịu.

Nếu da tay, chân cực kỳ khô, nên lựa chọn loại kem dưỡng ẩm có thành phần như glycerin, bơ hạt hoặc dầu dừa để tăng cường độ ẩm cần thiết cho da. Mặc dù có thể gây khó chịu trong sinh hoạt, những sản phẩm này sẽ cấp ẩm hiệu quả hơn.

Sau khi rửa tay, chân, dùng khăn sạch thấm khô rồi bôi kem dưỡng ẩm.

Việc dưỡng ẩm cho da tay, chân cũng cần thiết như đối với da mặt, đặc biệt là trong thời tiết khô lạnh.

Việc dưỡng ẩm cho da tay, chân cũng cần thiết như đối với da mặt, đặc biệt là trong thời tiết khô lạnh.

2. Tẩy tế bào chết định kỳ

Tẩy tế bào chết đều đặn mỗi tuần 1-2 lần sẽ loại bỏ lớp da chết trên bề mặt da, giúp da mềm mại hơn, dễ hấp thu dưỡng chất từ kem dưỡng ẩm. Ngoài các sản phẩm tẩy da chết chuyên dụng, bạn có thể sử dụng ngay các nguyên liệu tự nhiên sẵn có trong nhà như hỗn hợp đường nâu và dầu ô liu.

Riêng với tình trạng gót chân nứt nẻ, hãy lấy 1 chậu nước ấm (khoảng 40 độ C với 2,5l nước), hòa tan ½ thìa muối và 1 quả chanh. Dung dịch này vừa có tác dụng sát khuẩn, làm sạch bụi bẩn, trong quả chanh có nhiều vitamin C và các acid tự nhiên giúp da chân mềm, chống nứt nẻ.

Ngâm chân trong dung dịch nước vừa pha trong khoảng 7 phút, đồng thời dùng đá mài kỳ cọ nhẹ nhàng ở gót chân để loại bỏ da chết. Mỗi tuần thực hiện 2 lần sẽ giúp gót chân mềm mại.

3. Ngăn ngừa tác nhân gây khô da

- Lựa chọn loại xà phòng dịu nhẹ, không gây khô rít cho da sau khi dùng: Nên ưu tiên các loại sữa tắm, nước rửa tay có tính tẩy rửa nhẹ nhàng, không có mùi thơm, chứa thành phần từ tự nhiên như nha đam, dầu ô liu... Một số loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, nhiều hương liệu... có thể gây khô da, nên tránh sử dụng.

Vào mùa lạnh, chỉ nên dùng nước ấm để rửa tay, chân, tránh rửa nước quá nóng sẽ làm khô da.

- Dùng găng tay khi cần: Hạn chế để da tay tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất có trong các dung dịch tẩy rửa như nước rửa bát, xà phòng, bột giặt, nước tẩy nhà vệ sinh… Tốt nhất nên đeo găng tay cao su để bảo vệ tay. Thói quen này sẽ hạn chế việc da tay bị ăn mòn, giữ cho tay luôn mềm mại.

Ngoài ra, nếu công việc của bạn liên quan đến hóa chất, nên sử dụng găng tay chuyên dụng để bảo vệ da tay.

- Sử dụng máy tạo ẩm trong phòng: Máy phun sương sẽ giúp cân bằng độ ẩm trong phòng, đặc biệt là khi sử dụng điều hòa và lò sưởi. Tốt nhất nên duy trì độ ẩm trong nhà ở 60% để ngăn ngừa khô da cũng như nhiều tình trạng sức khỏe khác.

4. Đắp mặt nạ cho vùng gót chân

- Dùng chuối (hoặc đu đủ chín) làm mặt nạ cho gót chân: Cách này khá đơn giản, sau khi ngâm chân, vệ sinh chân sạch sẽ thì đắp lên gót chân nguyên liệu đã nghiền nát. Để nguyên khoảng 15 phút rồi rửa sạch với nước ấm và lau khô, sau đó thoa kem dưỡng ẩm. Thực hiện tuần 3 lần sẽ giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng gót chân nứt nẻ.

Trong chuối chín chứa nhiều vitamin C, B6 có tác dụng nuôi dưỡng và bổ sung độ ẩm cho làn da. Đu đủ chín chứa nhiều vitamin C, vitamin A, kali giúp cải thiện tình trạng da xỉn màu, bong tróc… Ngoài ra, hoạt chất flavonoid và một số dưỡng chất có tác dụng khắc phục tình trạng nứt gót chân hiệu quả.

- Mật ong: Mật ong có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên cho gót chân khô nứt nẻ. Nhờ đặc tính kháng khuẩn, mật ong được nghiên cứu chứng minh giúp chữa lành và làm sạch vết thương, đồng thời dưỡng ẩm cho da. Bạn cũng có thể sử dụng mật ong để tẩy tế bào chết cho chân sau khi ngâm nước ấm.

- Dầu dừa: Dầu dừa thường được khuyên dùng cho da khô, bệnh chàm và vảy nến, giúp da được bổ sung độ ẩm cần thiết. Sử dụng dầu dừa dưỡng ẩm da ngay sau khi ngâm chân cũng là một trong những ý tưởng tuyệt vời. Đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của dầu dừa có thể giúp ích cho gót chân khô nứt nẻ

Dùng chuối nghiền nát làm mặt nạ dưỡng ẩm giúp cải thiện tình trạng gót chân khô, nứt nẻ.

Dùng chuối nghiền nát làm mặt nạ dưỡng ẩm giúp cải thiện tình trạng gót chân khô, nứt nẻ.

5. Uống đủ nước

Ngoài việc thoa kem dưỡng ẩm, bạn cũng cần cấp ẩm cho làn da từ bên trong bằng cách uống đủ nước. Uống nước giúp hỗ trợ tiêu hóa, điều hòa thân nhiệt và đào thải độc tố, giúp da hồng hào, tràn đầy sức sống.

Ngoài nước lọc, bạn có thể uống các loại trà thảo mộc, nước ép hoa quả không đường hoặc sinh tố rau củ quả, hạn chế các loại đồ uống chứa nhiều đường.

6. Bổ sung các thực phẩm nuôi dưỡng làn da

- Cá béo: Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ... rất tốt cho sức khỏe bởi chúng cung cấp một lượng dồi dào axit béo omega-3, omega-6 khắc phục da khô.

- Quả bơ: Ăn bơ cũng là một cách giúp giữ cho da luôn ẩm mướt, mịn màng. Quả bơ cung cấp lượng lớn chất béo lành mạnh và vitamin E - một chất chống oxy hóa quan trọng giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.

- Chuối: Chuối cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, giúp giữ ẩm cho làn da.

- Dưa chuột: Dưa chuột là lựa chọn rất tốt để bổ sung nước, cấp ẩm cho làn da. Ngoài làm món salad trộn quen thuộc, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo nhiều món ăn với loại quả này.

- Rau xà lách: Rau xà lách thuộc nhóm rau lá màu xanh đậm, là nguồn cung cấp vitamin A, B, C, K, canxi, kẽm, magie, sắt, axit folic và chất xơ. Các chất dinh dưỡng này giúp giảm khô ngứa, loại bỏ độc tố và chống oxy hóa hiệu quả.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Thực phẩm giúp da luôn ẩm mịn trong mùa hanh khô - SKĐS.

BSCKI Hoàng Phú Thọ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-giu-da-tay-va-got-chan-mem-mai-mua-kho-lanh-169250114134242666.htm
Zalo