WHO cảnh báo dịch bệnh do virus Marburg gây ra bùng phát ở châu Phi

Một đợt bùng phát dịch bệnh bị nghi ngờ là do virus Marburg (MVD) tại Tanzania đã khiến tám trong số chín trường hợp tử vong, theo WHO. Nguy cơ lây lan trong khu vực được đánh giá 'cao' do yếu tố địa lý và di chuyển qua biên giới.

Hôm thứ Tư (15/1), WHO thông báo các báo cáo từ khu vực Kagera, Đông Phi, cho thấy dấu hiệu của một đợt bùng phát nghiêm trọng dịch bệnh do virus Marburg gây ra. Trước đó, vào thứ Sáu tuần trước (ngày 10/1), WHO nhận được thông tin về sáu trường hợp nghi ngờ bị nhiễm MVD, trong đó năm người đã tử vong. Số liệu cập nhật ngay sau đó cho thấy có chín ca bị nghi ngờ nhiễm, với tám trường hợp đã tử vong. Các mẫu bệnh phẩm từ hai bệnh nhân đã được thu thập để xác nhận.

Bệnh do virus Marburg có các triệu chứng nguy hiểm bao gồm đau đầu, sốt cao, đau lưng, tiêu chảy, nôn ra máu, mệt mỏi và xuất huyết ngoài ở giai đoạn nặng. Ảnh: CDC/Erskine Palmer, Russell Regnery

Bệnh do virus Marburg có các triệu chứng nguy hiểm bao gồm đau đầu, sốt cao, đau lưng, tiêu chảy, nôn ra máu, mệt mỏi và xuất huyết ngoài ở giai đoạn nặng. Ảnh: CDC/Erskine Palmer, Russell Regnery

Bệnh do virus Marburg có các triệu chứng nguy hiểm bao gồm đau đầu, sốt cao, đau lưng, tiêu chảy, nôn ra máu, mệt mỏi và xuất huyết ngoài ở giai đoạn nặng. WHO cho biết một số nhân viên y tế nằm trong số các trường hợp nghi ngờ bị nhiễm, làm tăng mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát. Nguồn gốc của dịch bệnh vẫn chưa được xác định.

WHO cho biết mức độ đe dọa của đợt bùng phát đã được đánh giá là cao trên toàn quốc do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, sự lây lan về mặt địa lý là một vấn đề nổi bật, khi các trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại hai quận khác nhau ở Tanzania. Bên cạnh đó, việc phát hiện và cách ly các trường hợp nghi ngờ diễn ra chậm trễ, phản ánh sự thiếu sót trong thông tin và năng lực ứng phó đối với đợt bùng phát này.

Ở cấp độ khu vực, nguy cơ cũng đáng lo ngại do vị trí chiến lược của Kagera, nơi có lưu lượng dân cư lớn qua biên giới với các nước láng giềng như Rwanda, Uganda, Burundi và Cộng hòa Dân chủ Congo. WHO đặc biệt quan tâm đến khả năng lây nhiễm xuyên biên giới, vì một số trường hợp nghi ngờ bị nhiễm được phát hiện ở gần các tuyến đường giao thông quốc tế.

Dù nguy cơ toàn cầu được đánh giá là "thấp", WHO cảnh báo các quốc gia cần cảnh giác với khả năng dịch lan ra ngoài khu vực. Hệ thống giao thông trong khu vực, bao gồm các chuyến bay từ Kagera tới Thủ đô Dar es Salaam, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Đây là đợt bùng phát Marburg thứ hai được ghi nhận tại Tanzania kể từ năm 1967 khi virus này lần đầu tiên được phát hiện. Đợt bùng phát trước xảy ra cách đây hai năm, kéo dài gần hai tháng, dẫn đến chín trường hợp nhiễm bệnh và sáu trường hợp tử vong.

WHO hiện đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế địa phương và quốc tế để kiểm soát tình hình. Các biện pháp phản ứng nhanh, giám sát chặt chẽ, và nâng cao nhận thức cộng đồng đang được triển khai nhằm ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu thiệt hại. Sự hợp tác này là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự bùng phát của một đại dịch nghiêm trọng.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/who-canh-bao-dich-benh-do-virus-marburg-gay-ra-bung-phat-o-chau-phi.html
Zalo