Cách doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng thông qua tác động xã hội
Mục đích thương hiệu không chỉ giúp xây dựng niềm tin với khách hàng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội và môi trường.
Thương hiệu thường phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau để trở nên gần gũi và có ý nghĩa hơn với người tiêu dùng. Ban đầu, họ tập trung vào tính năng của sản phẩm, sau đó chuyển sang xây dựng kết nối cảm xúc với khách hàng và cuối cùng là theo đuổi các giá trị xã hội cao cả hơn.
Chẳng hạn, Dove đã bắt đầu bằng cách quảng bá công dụng làm mềm da, sau đó chuyển sang kết nối cảm xúc với khách hàng, giúp họ tự tin hơn với vẻ đẹp tự nhiên của mình. Hiện nay, Dove còn đặt mục tiêu thay đổi xã hội bằng cách xóa bỏ những định kiến về vẻ đẹp bên ngoài và thay đổi cách nhìn nhận về cái đẹp thông qua chiến dịch "Campaign for real beauty".
Theo nghiên cứu từ BrandZ và Kantar, các thương hiệu có mục đích rõ ràng thường dễ dàng tạo dựng lòng tin và trở nên mạnh mẽ hơn trong tâm trí người tiêu dùng. Điều này giúp thương hiệu không chỉ thu hút mà còn giữ chân khách hàng, tạo nên sự phát triển bền vững. Nhờ mục đích rõ ràng, thương hiệu không chỉ phát triển mà còn mở rộng thị phần một cách bền vững, trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.
Theo bà Karen Hamilton, nguyên Phó chủ tịch toàn cầu về phát triển bền vững của Unilever, bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố then chốt giúp thương hiệu phát triển dài lâu. Mục đích thương hiệu được xem như động lực chính để kết nối với người tiêu dùng và mang lại ảnh hưởng tích cực cho xã hội.
"Tuy nhiên, việc đạt được mục đích này là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự cam kết và hành động liên tục từ thương hiệu. Việc lấy người tiêu dùng làm trọng tâm là điều quan trọng nhất để xây dựng mối quan hệ lâu dài và bền vững với khách hàng", bà Karen nói.
5 nguyên tắc để nâng tầm mục đích thương hiệu
Theo bà Karen, để thực sự tạo ra sự khác biệt, thương hiệu cần phải không ngừng phát triển và kết nối sâu sắc với khách hàng thông qua mục đích bền vững với năm nguyên tắc.
Trước hết, thương hiệu cần tạo động lực và khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào hành trình bền vững. Ví dụ, chiến dịch "#LikeAGirl" của Always đã tiếp cận 25 triệu người trẻ với tài nguyên giáo dục miễn phí và quyên góp 280 triệu sản phẩm vệ sinh kể từ năm 2018, qua đó thay đổi nhận thức xã hội về nữ quyền, giúp phụ nữ tự tin hơn.
Hai là gắn mục đích thương hiệu vào sản phẩm để tăng độ tin cậy và giá trị. Lấy Lego làm ví dụ, bà Karen cho biết, thương hiệu này đã đầu tư mạnh mẽ vào việc sử dụng vật liệu tái chế và cam kết giảm thiểu việc sử dụng nhựa trong các sản phẩm của mình. Từ năm 2013 đến 2023, doanh thu của Lego đã tăng từ khoảng 2,6 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD nhờ vào những nỗ lực bền vững.
Chương trình "Build the change" của Lego đã thu hút 2 triệu trẻ em tham gia trong năm 2023, giúp truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường đến người tiêu dùng chính là các gia đình và trẻ em.
Ba là thực hiện những hành động cụ thể để chứng minh cam kết, xây dựng niềm tin nơi khách hàng. IKEA là một ví dụ điển hình khi thực hiện những bước tiến lớn để hướng tới sản xuất tuần hoàn và cung cấp sản phẩm bền vững.
Trong năm 2023, IKEA đã triển khai chương trình mua lại và bán lại sản phẩm tại 28 thị trường, cho phép người tiêu dùng tái sử dụng và tái chế các sản phẩm.
Họ cũng sử dụng 77% năng lượng tái tạo tại các cửa hàng và đảm bảo rằng 97,8% nguồn gỗ được sử dụng có chứng nhận của Hội đồng Quản lý rừng (FSC), để khai thác gỗ một cách bền vững và có trách nhiệm. Ngoài ra, 2,2 triệu khách hàng đã sử dụng dịch vụ thay thế các bộ phận lắp ráp, giúp sửa chữa và kéo dài tuổi thọ cho sản phẩm của IKEA.
Bốn là xây dựng một tầm nhìn tương lai, thể hiện một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Starbucks đã không ngừng thúc đẩy các chương trình cà phê đạo đức, bảo vệ quyền lợi của người nông dân và hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Năm là định ra tiêu chuẩn xã hội mới. Một ví dụ điển hình cho sự thay đổi tích cực có thể kể đến như Pepsodent với chương trình "Brush Day & Night". Dự án đã tiếp cận 107 triệu người trên toàn cầu vào năm 2020, thúc đẩy việc giáo dục trẻ em về vệ sinh răng miệng và định hình tiêu chuẩn sức khỏe cộng đồng.