Đánh thuế hàng xa xỉ - điều hòa nhiệt độ kêu oan
Những ngày nắng nóng, để có một giấc ngủ ngon không thể thiếu điều hòa nhiệt độ. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động sau một ngày mệt nhọc. Vậy điều hòa có phải mặt hàng xa xỉ để bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là câu hỏi được nhiều người đặt ra?
Điều hòa là mặt hàng thiết yếu
Với quan điểm xem điều hòa nhiệt độ là mặt hàng xa xỉ, cần điều tiết tiêu dùng, Tại Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, Chính phủ vẫn giữ nguyên quy định áp thuế TTĐB mức 10% với điều hòa nhiệt độ công suất từ dưới 90.000 BTU trở xuống như luật hiện hành; song loại trừ việc đánh thuế với điều hòa theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay.
Ngoài ra, trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB như đối với sản phẩm hoàn chỉnh để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định trong thời gian dài.
Bộ Tài chính lập luận, điều hòa dưới 90.000 BTU phục vụ nhu cầu cá nhân sử dụng năng lượng điện lớn, là một trong những tác nhân khiến trái đất nóng lên. Bên cạnh đó, những chất làm mát phổ biến trong máy điều hòa như HFC còn gây hại cho tầng ozone và ô nhiễm môi trường.
Cũng theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số nước vẫn thu thuế này. Chẳng hạn, Hàn Quốc, Ấn Độ, Na Uy đánh thuế với chất HFC trong điều hòa. Tại châu Âu, Tây Ban Nha cấm đặt điều hòa dưới 27 độ C hay ở Anh để lắp đặt, chủ nhà phải xin giấy phép, thường xuyên chịu kiểm tra về mức độ tiết kiệm năng lượng, khả năng vận hành sau đó. “Do vậy, cần tiếp tục thu thuế với mặt hàng này công suất dưới 90.000 BTU để nâng nhận thức về việc hạn chế tiêu dùng, định hướng tiết kiệm, bảo vệ môi trường” - Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Việc đánh thuế TTĐB với điều hòa nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội tại Ngày Kỳ họp thứ 8, ngày 22/11.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, hiện nay điều hòa nhiệt độ có phải là mặt hàng xa xỉ hay không? Thực tế nhiều người dân ở tại các nhà trọ cũng lắp điều hòa để sử dụng. Vì vậy, có thể xem điều hòa là một mặt hàng thiết yếu, nếu đánh thuế TTĐB với mặt hàng này, có nghĩa đang đẩy lùi sinh hoạt của Việt Nam về 40-50 năm trước.
Cùng chung quản điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, hiện điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển, hầu hết các gia đình có đời sống “đủ ăn” là có thể mua được một chiếc điều hòa. Chưa kể, với điều kiện thời tiết như Việt Nam, một giấc ngủ ngon là không thể thiếu chiếc điều hòa. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động sau một ngày mệt nhọc. Vì vậy, điều hòa không thể xem là mặt hàng xa xỉ, mà phải nhìn nhận như một đồ dùng sinh hoạt thiết yếu trong cuộc sống.
Nên đưa ra khỏi diện chịu thuế TTĐB
Trước đó, góp ý vào Dự thảo Luật thuế TTĐB với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặt hàng này phải chịu thuế TTĐB từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008.
Theo VCCI, trước đây, điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hòa nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, thuế TTĐB là loại thuế gián thu, đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng. Với một nước nhiệt đới như Việt Nam, việc đánh thuế TTĐB với điều hòa có hợp lý? Vì vậy, nên đưa điều hòa ra khỏi danh sách những mặt hàng chịu thuế TTĐB.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm, điều hòa nhiệt độ hiện tại không còn thuộc nhóm hàng xa xỉ mà đã là vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình. Vì vậy, đã đến lúc gỡ bỏ mức thuế TTĐB đối với mặt hàng này, hoặc phân nhóm cụ thể để áp dụng thuế, thay vì mức chung như hiện tại.
Theo TS. Cấn Văn Lực, đi kèm với xu hướng sử dụng điều hòa là sự gia tăng ngày càng lớn của lượng khí HCFCs gây hại cho tầng ozone và một số quốc gia đã cấm, hoặc hạn chế sử dụng HCFCs. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, các sản phẩm điều hòa đa số sử dụng các khí gas làm lạnh là R22, R410A, R32 là các loại khí được đánh giá thân thiện hơn với môi trường, song bản chất vẫn chứa một thành phần nhỏ lượng HCFC.
Vì vậy, liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, việc áp thuế TTĐB nên quy định rõ hơn về chủng loại sản phẩm sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC thuộc diện chịu thuế để phù hợp với định hướng bảo vệ môi trường, không áp dụng với các sản phẩm điều hòa sử dụng CO2/ammoniac, Hydrocarbon để làm lạnh.