Cách các nước ứng phó thuế quan mới của Mỹ
Chính sách thuế quan mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã gây rúng động nhiều nước. Hàn Quốc, Campuchia,.Thái Lan, Indonesia và New Zealand đã có phản ứng rõ rệt trước biến động mới này.
Hàn Quốc mở hội nghị công tư khẩn cấp bàn đối sách về thuế quan của Mỹ
Chính phủ Hàn Quốc vừa tổ chức một hội nghị khẩn cấp giữa các quan chức chính phủ và đại diện các doanh nghiệp ngay trong ngày hôm nay 3/4, để bàn về các biện pháp đối phó với chính sách thuế của Mỹ.

Tổng thống Trump nói về các mức thuế đối ứng của Mỹ nhằm vào các nước và khu vực trên thế giới. Ảnh: Reuters.
Hội nghị do Bộ Công nghiệp Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc chủ trì, được tổ chức tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc. Tham dự hội nghị, ngoài các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, còn có đại diện của các tổ chức kinh tế, các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp Hàn Quốc. Nội dung chính của hội nghị là phân tích, đánh giá những ảnh hưởng, thiệt hại mà mức thuế đối ứng 25% của Mỹ mang lại, cùng các biện pháp đối phó cấp bách trước mắt.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công nghiệp Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc Ahn Duk-geun bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định của Tổng thống Donald Trump, đồng thời cho biết sẽ khẩn trương tìm đối sách hiệu quả, song song với việc tiếp tục đàm phán với phía Mỹ. Ông Ahn cũng nhận định, việc đối phó với hàng rào thuế quan của Mỹ không phải là vấn đề “thắng bại trước mắt”, mà cần các bước đi lâu dài.
Phía Hàn Quốc cũng tiếp tục phản ứng mạnh đối với nhận định của phía Mỹ cho rằng “Hàn Quốc đang áp dụng một hàng rào thuế quan cao gấp 4 lần của Mỹ”, khi chỉ trích “nhận định này không có cơ sở thực tế”. Đại diện Bộ Công nghiệp – Thương mại – Tài nguyên Hàn Quốc nhấn mạnh, kể từ năm 2007, sau khi Hàn Quốc và Mỹ ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA), đa số các mặt hàng của hai nước được miễn thuế xuất nhập khẩu. Nếu tính trung bình, các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ chỉ phải chịu mức thuế rất thấp với 0,79%. Đặc biệt, theo tinh thần FTA Hàn – Mỹ, các mặt hàng công nghiệp có mức thuế là 0%.
Theo giới quan sát, hội nghị này là dấu mốc đầu tiên về quá trình tăng cường hợp tác công tư của Hàn Quốc trong thời kỳ mới, nhằm đối phó với hàng rào thuế quan bảo hộ của Mỹ, cũng như nhằm tìm ra một lối thoát bền vững cho tương lai, hướng tới việc từng bước giảm thiểu nguy cơ và những rủi ro từ việc lệ thuộc vào một thị trường nhất định.
Trước đó, cũng trong sáng nay, ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế cụ thể cho từng đối tác, Tổng thống tạm quyền của Hàn Quốc Han Duck Soo đã triệu tập một cuộc họp bất thường với các Bộ trưởng. Tại đây, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định quyết tâm giảm đến mức tối thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, và quyết định sẽ dành sự hỗ trợ khẩn cấp cho những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế của Mỹ.
Campuchia đối mặt nguy cơ “khủng hoảng kinh tế sâu sắc”
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố áp dụng mức thuế đối ứng lên hàng loạt nền kinh tế, trong đó Campuchia đứng đầu danh sách với mức thuế lên đến 49%. Đây là động thái gây chấn động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế đất nước chùa Tháp.
Rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng sẽ áp dụng với hàng loạt nền kinh tế, trong đó Campuchia đứng đầu danh sách bị áp thuế mới với hạn mức lên tới 49%.
Phản ứng trước diễn biến mới này, Chủ tịch phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia ông Casey Barnett đã đưa ra cảnh báo: “Sáng nay, ông Trump đã tuyên bố tăng thuế lên 49% đối với hàng hóa Campuchia. Nếu không được giải quyết nghiêm túc trong tuần này. Điều này sẽ phá hủy nền kinh tế Campuchia và tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, hàng trăm nghìn người sẽ mất việc làm, bất ổn xã hội và dòng vốn sẽ chảy ra nước ngoài nhanh chóng.”
Theo Chủ tịch phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia, lý do chính khiến nước này áp thuế đối với Campuchia vì Campuchia có mức thặng dư thương mại rất cao đối với Mỹ. Ông tin rằng mức thuế quan và rào cản thương mại của Campuchia cao hơn nhiều so với những gì mà nước này áp đặt với Campuchia.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Mỹ đạt hơn 9,92 tỷ USD, chiếm hơn 37,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, tăng 11,4% so với năm 2023, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ chỉ đạt 246,1 triệu USD.
Việc Mỹ đưa ra quyết định áp đặt mức thuế mới 49% lên hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế Campuchia. Bị đánh thuế cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Campuchia, dẫn đến nguy cơ sụt giảm đơn hàng và doanh thu cho doanh nghiệp. Thuế cao sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách điều chỉnh chi phí, có thể bao gồm việc chuyển hướng thị trường hoặc tăng giá bán.
Thái Lan sẵn sàng biện pháp đối phó chính sách thuế quan của Mỹ
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra hôm nay ( 3/4) cho biết chính phủ nước này đã chuẩn bị một loạt các biện pháp, bao gồm đàm phán và tái cấu trúc thuế nhập khẩu, để đối phó với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế quan đối ứng 36% đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan vào thị trường Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/4 (giờ Thái Lan) đã tuyên bố áp mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới và các mức thuế bổ sung khắc nghiệt hơn dự đoán đối với các đối tác thương mại chính, bao gồm mức thuế quan đối ứng 36% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan kể từ ngày 9/4 tới đây.
Việc tăng thuế dự kiến sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ và tác động trực tiếp đến các nhà xuất khẩu Thái Lan. Chính phủ Thái Lan kêu gọi doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn cho biết Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Thái Lan đang xúc tiến xây dựng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan vào thị trường Mỹ.
Dù thừa nhận mức thuế đối ứng 36% là khá cao, bà Paetongtarn tin rằng chính sách thuế quan của Mỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Theo bà Paetongtarn, với chính sách thuế quan mới từ Mỹ, mức tăng thuế thực tế đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan trung bình chỉ là 9%.
Nhằm giảm thiểu tác động, Chính phủ Thái Lan đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Chính sách Thương mại, hoạt động từ đầu năm 2025 để chuẩn bị các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy đối thoại với Mỹ. Các biện pháp hỗ trợ sẽ được triển khai để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan.
Ngoài ra, Thái Lan đang tận dụng cơ hội tái cấu trúc sản xuất, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp mới và công nghiệp mũi nhọn. Chính phủ nước này cũng đề xuất tăng cường hợp tác song phương với Mỹ thông qua mô hình “Friend-Shoring”, tăng cường hợp tác song phương trong các ngành công nghiệp cùng có lợi vì tăng trưởng toàn cầu bền vững, trong đó có các lĩnh vực như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và công nghệ cao.
Theo Thủ tướng Paetongtarn, Thái Lan tiếp tục tái khẳng định cam kết duy trì quan hệ thương mại ổn định với Mỹ, mong muốn tìm kiếm một giải pháp cân bằng giúp giảm thiểu gián đoạn cho cả hai nền kinh tế, đồng thời kỳ vọng Mỹ sẽ theo đuổi chiến lược hợp tác dài hạn nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế toàn cầu.
Indonesia có thể bị suy thoái kinh tế quý 4
Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp Indonesia (Celios) Bhima Yudhistira cho rằng chính sách thuế quan đối ứng 32% của Mỹ đối với Indonesia có thể gây ra suy thoái kinh tế tại quốc gia này vào quý 4 năm nay.
Ông Bhima Yudhistira cho biết tác động của chính sách thuế "có đi có lại" bổ sung do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Indonesia. Nó không chỉ ảnh hưởng đến lượng hàng xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ mà còn có thể gây ra tác động tiêu cực lâu dài đến lượng hàng xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Với mức thuế quan đối ứng, ngành ô tô và điện tử của Indonesia sẽ đứng bên bờ vực thẳm. Nguyên nhân là do người tiêu dùng Mỹ phải chịu mức thuế quan cao hơn khi mua xe, khiến doanh số bán xe tại Mỹ giảm và do mối tương quan giữa nền kinh tế Indonesia và Mỹ (1% suy giảm trong tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tác động 0,08 % đến tăng trưởng kinh tế của Indonesia). Các nhà sản xuất ô tô Indonesia không dễ dàng chuyển sang thị trường trong nước vì thông số kỹ thuật của xe khác với xe xuất khẩu. Tác động là tình trạng sa thải và giảm năng lực sản xuất của tất cả các ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Ngoài ngành ô tô và điện tử, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như quần áo may sẵn và hàng dệt may dự kiến suy giảm, vì nhiều thương hiệu toàn cầu từ Mỹ đang chiếm thị phần lớn tại Indonesia. Một khi bị áp mức thuế quan cao hơn, các thương hiệu sẽ giảm số lượng đơn đặt hàng hoặc đặt chỗ cho các nhà máy tại Indonesia.
Trong khi đó, trong nước sẽ tràn ngập sản phẩm của Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc vì các nước này đang tìm kiếm thị trường thay thế. Không chỉ hoạt động thương mại có nguy cơ bị gián đoạn mà sự ổn định của thị trường tài chính Indonesia cũng bị tác động. Các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi đầu tư vào thị trường chứng khoán và tài sản thị trường mới nổi, xu hướng giữ tiền ở các công cụ an toàn hơn cho đến khi có sự chắc chắn về tác động của các mức thuế quan. Tình hình này có thể làm gia tăng thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của đồng rupiah, làm tăng chi phí nhập khẩu và đẩy lạm phát lên cao.
Ông Bhima đưa ra giải pháp để Indonesia không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thuế quan do Mỹ áp dụng, cụ thể là chính phủ cần theo đuổi các cơ hội thu hút các nhà máy dịch chuyển do tác động của làn sóng thuế quan của Mỹ, bằng cách đưa ra những quy định nhất quán và hiệu quả, sẵn sàng của cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho các khu công nghiệp, nguồn năng lượng tái tạo đầy đủ để cung cấp điện cho ngành công nghiệp và sự sẵn sàng của nguồn nhân lực.
Indonesia đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế quan hôm qua của Mỹ, với mức tăng 32%. Dựa trên danh sách, Indonesia không phải là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra còn có Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan với mức tăng thuế lần lượt là 24 %, 49 %, 46 % và 36 %.
New Zealand bình tĩnh trước thuế đối ứng của Mỹ
Theo thông báo của Mỹ, New Zealand là một trong những quốc gia phải gánh chịu mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ cuối tuần này trong khi có những quốc gia khác mức thuế này lên đến hơn 30% hoặc 40%. Chính phủ New Zealand cho rằng, việc áp mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ chỉ khiến người dân Mỹ phải trả tiền nhiều hơn khi mua hàng.
Phản ứng trước mức thuế đối ứng mà Mỹ vừa công bố hôm nay, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho biết, mức thuế cơ bản 10% mà Mỹ sẽ áp dụng với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ ngày 5/4 tới không ảnh hưởng nhiều tới New Zealand khi cán cân thương mại giữa hai nước tương đối cân bằng với giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 9 tỷ NZD/năm. Bên cạnh đó, hàng hóa New Zealand xuất khẩu sang Mỹ có tính bổ trợ vì thế, mức thuế đối ứng mà Mỹ mới công bố sẽ tác động nhiều tới người tiêu dùng Mỹ: “Điều này có nghĩa là hàng hóa của New Zealand xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 10%. Đồng thời cũng có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu mức thuế 900 triệu NZD đối với các hàng hóa nhập khẩu từ New Zealand. Vì thế tôi cho rằng thuế không phải là giải pháp bởi vì nó sẽ làm cho người Mỹ phải mua hàng với giá cao hơn, lạm phát tăng, giảm tốc độ tăng trưởng và điều này sẽ tạo ra áp lực đối với các nền kinh tế trên toàn cầu”.
New Zealand dường như không quá lo ngại khả năng mức thuế mới của Mỹ tác động đến kim ngạch song phương mà nước này quan tâm nhiều đến việc Mỹ áp thuế đối ứng lên các quốc gia khác sẽ làm giảm cung trên toàn cầu và gián tiếp ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế New Zealand.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết, cho dù Mỹ áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ New Zealand từ cuối tuần này thì New Zealand cũng không đáp trả bằng việc tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vì điều này sẽ chỉ khiến cho người tiêu dùng New Zealand phải trả tiền nhiều hơn và khiến cho lạm phát tăng cao.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cũng bác bỏ nhận định của Mỹ cho rằng nước này áp mức thuế 20% với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. New Zealand khẳng định đây là tính toán sai và trên thực tế, mức thuế mà New Zealand áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ chỉ là 2% vì vậy trong thời gian tới New Zealand sẽ thảo luận với chính quyền Mỹ về vấn đề này.