Ấn Độ nhìn thấy cơ hội từ chính sách thuế mới của Mỹ

Ấn Độ đã phản ứng thận trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới ngày 2/4. Bộ Thương mại Ấn Độ chia sẻ họ đang xem xét cả 'ý nghĩa' và 'cơ hội'.

Công nhân kiểm tra các ống sợi trên máy dệt thảm tại một nhà máy ở ngoại ô Jammu, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Công nhân kiểm tra các ống sợi trên máy dệt thảm tại một nhà máy ở ngoại ô Jammu, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tại Vườn Hồng, Nhà Trắng chiều 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Trump công bố biểu thuế cơ sở và thuế đối ứng mới với hàng loạt quốc gia. Ông chủ Nhà Trắng thứ 47 thông báo áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bên cạnh đó là mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, biểu thuế 10% với mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi các mức thuế chiết khẩu cao hơn dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4.

Khi công bố mức thuế tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một "người bạn tuyệt vời" nhưng nhà lãnh đạo này đã không "đối xử tốt” với Mỹ. Do đó, BBC (Anh) đưa tin, kể từ ngày 9/4, hàng hóa Ấn Độ sẽ phải chịu mức thuế lên tới 27% (biểu đồ thuế quan của Tổng thống Trump liệt kê mức thuế của Ấn Độ là 26%, nhưng lệnh chính thức lại ghi là 27%).

Theo Nhà Trắng, trước khi tăng thuế, thuế suất của Mỹ đối với các đối tác thương mại trung bình là 3,3%, thuộc nhóm thấp nhất trên toàn cầu, so với mức 17% của Ấn Độ.

Tạp chí Fortune (Mỹ) đưa tin, cùng ngày 2/4, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết họ đang "xem xét cẩn thận ý nghĩa của các biện pháp khác nhau". Bộ này cũng chia sẻ đang nghiên cứu các cơ hội có thể hình thành từ diễn biến mới này.

Tổng giám đốc Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ - ông Ajay Sahai chia sẻ với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Mức thuế áp lên Ấn Độ chắc chắn là cao và vượt dự kiến, điều này sẽ gây tổn hại đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của chúng tôi”

Tuy nhiên, ông Sahai cũng chỉ ra rằng Ấn Độ bị đánh thuế thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất như Trung Quốc, Indonesia… Ông phân tích: “Điều đó mở ra không gian để chúng ta giành được thị phần. Nhưng đồng thời, nếu nhiều quốc gia quyết định trả đũa và thương mại toàn cầu bị tổn hại, điều này sẽ không tốt cho bất kỳ ai”.

Trung tâm nghiên cứu Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu (GTRI) có trụ sở tại New Delhi, nhận định đợt thay đổi thuế quan này mang đến cơ hội để Ấn Độ củng cố vị thế của mình trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Theo họ, Ấn Độ sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng, nổi bật là hàng dệt may, trong bối cảnh các đối thủ như Trung Quốc và Bangladesh phải chịu mức thuế cao.

Bên cạnh đó, máy móc, ô tô và đồ chơi - các ngành do Trung Quốc và Thái Lan dẫn đầu – cũng mang nhiều tiềm năng đối với Ấn Độ. Theo lưu ý của GTRI, Ấn Độ có thể tận dụng bằng cách thu hút đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ.

Một thông tin đáng chú ý là dược phẩm không nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng của Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ vốn là quốc gia xuất khẩu dược phẩm hàng đầu. Tính trong năm tài khóa 2024, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 8 tỷ USD dược phẩm sang Mỹ. New Delhi cũng đang trong quá trình đàm phán đợt đầu tiên về một thỏa thuận thương mại song phương với Washington.

Người dân mua bán thực phẩm tại một khu chợ ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Người dân mua bán thực phẩm tại một khu chợ ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Nhưng liệu Ấn Độ có thể nắm bắt được cơ hội hiện tại?

Thuế quan cao đã làm tăng chi phí đối với những công ty phụ thuộc vào chuỗi giá trị toàn cầu, cản trở khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trên thị trường quốc tế. Mặc dù xuất khẩu tăng, Ấn Độ vẫn thâm hụt thương mại đáng kể. Thị phần xuất khẩu trên toàn cầu của Ấn Độ chỉ là 1,5%.

Với mức thuế quan mới 27%, Ấn Độ dự kiến sẽ lo lắng nhiều về nguy cơ hàng xuất khẩu của nước này kém cạnh tranh hơn. Chuyên gia Biswajit Dhar tại viện nghiên cứu Hội đồng Phát triển Xã hội có trụ sở tại New Delhi, cho rằng các quốc gia như Malaysia và Indonesia có thể có vị thế tốt hơn Ấn Độ.

Kể từ tháng 2, Ấn Độ đã tăng cường nỗ lực để giành được sự ủng hộ của Tổng thống Trump, như cam kết nhập khẩu năng lượng trị giá 25 tỷ USD từ Mỹ, đặt Washington lên vị trí một nhà cung cấp quốc phòng hàng đầu cho Ấn Độ và tìm hiểu tiềm năng về thỏa thuận liên quan đến chiến đấu cơ F-35.

Để xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ, nước này đã bãi bỏ thuế quảng cáo kỹ thuật số 6%, cắt giảm thuế rượu whisky ngô từ 150% xuống 100% và cắt giảm thuế đối với ô tô hạng sang và pin Mặt Trời. Trong khi đó, vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk sắp đến giai đoạn được phê duyệt cuối cùng. Mỹ và Ấn Độ đã khởi động các cuộc đàm phán thương mại sâu rộng để thu hẹp thâm hụt thương mại 45 tỷ USD. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn không thoát khỏi danh sách chịu chính sách thuế mới của Mỹ.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng giảm thuế quan nếu các quốc gia có thể đề xuất điều gì đó "phi thường". Hãng thông tấn Reuters (Anh) nhận định tuyên bố này là tín hiệu cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng đàm phán.

Phát biểu trên chiếc Không lực Một vào ngày 3/4, ông Trump đã bảo vệ chương trình thuế quan của mình mặc dù thị trường chứng khoán "đỏ lửa". Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông vui mừng vì lãi suất đang giảm và tin rằng tình hình kinh tế hỗn loạn sẽ lắng xuống.

Tổng thống Trump khẳng định: "Thuế quan mang lại cho chúng ta sức mạnh to lớn để đàm phán". Ông đồng thời tiết lộ rằng nhiều quốc gia đã liên lạc với Mỹ về vấn đề này.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/an-do-nhin-thay-co-hoi-tu-chinh-sach-thue-moi-cua-my-20250404142813903.htm
Zalo