Gạo xuất khẩu: Làm thế nào để ổn định thị trường và giữ giá?

Lúa gạo là mặt hàng vô cùng quan trọng, doanh nghiệp Việt cần làm nhiều điều để duy trì ổn định thị trường và giữ ổn định giá xuất khẩu.

Ngày 4/4/2025, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.

Quang cảnh hội thả

Quang cảnh hội thả

Trong Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã đặt ra câu hỏi với ông ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận mở

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận mở

Ông Thành đặt câu hỏi: “Trước những biến động thị trường của thế giới, với tư cách là Chủ tịch VFA, theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để duy trì ổn định thị trường xuất khẩu - giữ ổn định giá gạo xuất khẩu Việt Nam”.

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng chúng ta đang ở ngưỡng không dư gạo để bán. Cả cung và cầu lúa gạo trên thế giới đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến giá lúa gạo tăng cao.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng mạnh từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn vào năm 2022. Sau đó, vượt 9 triệu tấn vào năm 2024, với doanh thu trên 5,7 tỷ USD. Phân tích về hoạt động của ngành lúa gạo Việt Nam, theo ông Nam, hoạt động của ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay có hai hình thức chính:

Một là, sản xuất và xuất khẩu từ sản phẩm trong nước: diện tích trồng lúa ở Việt Nam có xu hướng giảm theo định hướng của Chính phủ và ngành nông nghiệp, với sản lượng dự kiến chỉ còn từ 3 - 4 triệu tấn gạo. Điều này tạo ra bài toán khó khăn, đó là nếu mở rộng thị trường xuất khẩu thì nguồn cung trong nước có thể không đủ, còn không mở rộng thị trường thì có thể bị ép giá.

Hai là, thu mua và xuất khẩu từ các nước khác: Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã chủ động thu mua lúa gạo từ các nước láng giềng như Campuchia để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Việc này mang lại lợi ích cho cả người bán và người mua, ví dụ như nông dân Campuchia thích bán cho Việt Nam nhờ giá tốt hơn.

Vai trò của các nhà xuất khẩu Việt Nam hiện nay không chỉ là giải quyết vấn đề lúa gạo trong nước mà còn tham gia vào thị trường lúa gạo thế giới.

Nói về thị trường xuất khẩu tiềm năng, ông Nam chia sẻ, Philippines là một ví dụ điển hình về thị trường quan trọng của Việt Nam. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines rất lớn do dân số tăng nhanh trong khi diện tích và sản lượng lúa trong nước giảm. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho Philippines. Đồng thời, người tiêu dùng Philippines đã quen với gạo Việt Nam và khó thay đổi thói quen.

Đối với thị trường Trung Quốc, đã có thời điểm Việt Nam mất thị phần tại thị trường này do chính sách dự trữ của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng lớn, đặc biệt khi họ cần bổ sung nguồn cung.

Theo ông Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu là cần thiết để ổn định đầu ra cho hàng hóa gạo của Việt Nam nhưng cần có chiến lược ổn định cho từng thị trường cụ thể.

Đối với các thị trường như châu Phi, cần cân nhắc các yếu tố đặc thù như: Yêu cầu về hình thức thanh toán (cho nợ, kéo dài thời gian thanh toán); ảnh hưởng đến tài chính và hạn mức tín dụng của doanh nghiệp…

Về vấn đề giá cao, ông Nam cho rằng, cần xác định rõ đối tượng mua để có chính sách giá phù hợp, đảm bảo lợi ích của cả người bán và người mua, cũng như an ninh lương thực trong nước. Nhập khẩu lúa gạo (ví dụ từ Campuchia) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là người nghèo. Mục tiêu chính của việc mở rộng thị trường là ổn định hàng hóa và đảm bảo an toàn lương thực, chứ không chỉ là tăng sản lượng xuất khẩu.

TS. Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Phó Chủ tịch Hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long cũng cho rằng cần có sự phối hợp liên ngành và tiếp cận đa lĩnh vực để phát triển thương hiệu gạo, bao gồm công nghệ, marketing và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, việc phát triển thương hiệu gạo cần phải được gắn kết với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thông minh và hiện đại của Việt Nam, tích hợp các giá trị không chỉ về kinh tế, dinh dưỡng mà còn về văn hóa, môi trường. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

TS. Trần Hữu Hiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chia sẻ tại hội thảo

TS. Trần Hữu Hiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chia sẻ tại hội thảo

Đứng ở góc độ về thương hiệu gạo, TS. Trần Hữu Hiệp chia sẻ 3 nội dung:

Thứ nhất, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương hiệu gạo, từ công tác giống, tổ chức sản xuất, chế biến đến marketing và xây dựng thương hiệu.

Thứ hai, xây dựng thương hiệu gạo cần phải đi từ việc tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời khai thác các giá trị văn hóa, truyền thống gắn với hiện đại.

Cuối cùng, cần xây dựng thương hiệu gạo ở các cấp độ. Không chỉ xây dựng thương hiệu gạo của doanh nghiệp mà còn cả thương hiệu gạo vùng miền và thương hiệu gạo quốc gia.

“Chúng ta không chỉ dừng lại ở thương hiệu gạo của các doanh nghiệp mà kể cả thương hiệu gạo vùng miền và thương hiệu gạo quốc gia nhưng nó liên quan đến yếu tố công nghệ, marketing… Chúng ta có thể không chỉ bán gạo, mà bán cả câu chuyện về hạt gạo, giá trị nhân văn truyền thống gắn với hiện đại thì mua người ta mua cả những giá trị đó”, TS. Hiệp nhấn mạnh.

PV

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/gao-xuat-khau-lam-the-nao-de-on-dinh-thi-truong-va-giu-gia-82000.html
Zalo