Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước

Sáng 24/10, Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý, trao đổi thảo luận xây dựng dự thảo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân TP quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP Hà Nội theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô 2024

Quang cảnh buổi hội nghị Ảnh: Công Phương

Quang cảnh buổi hội nghị Ảnh: Công Phương

Đối với công trình không giấy phép xây dựng

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, hội nghị hôm nay, Sở Tư pháp mời đại diện Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Công an; Ban pháp chế HĐND TP, các sở, ngành, CATP; Công ty điện lực TP Hà Nội, các công ty nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại hội nghị, tổ soạn thảo đề nghị các đại biểu góp ý vào Điều 3, các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước và các nội dung khác trong dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến đóng góp trực tiếp hoặc bằng văn bản đều được tổ soạn thảo ghi nhận và tổng hợp để phục vụ công tác soạn thảo Nghị quyết.

Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân, quản lý, sử dụng, sở hữu các công trình phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô. Cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn TP Hà Nội.

Các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là công trình xây dựng sai quy hoạch; công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành; công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy theo phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/ 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Với cơ sở không bảo đảm về phòng cháy và chữa cháy

Công trình thuộc phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan, người có thẩm quyền đã có yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phụ lục V Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền mà đã đưa vào hoạt động, đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành; công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết cũng như đưa ra nhiều trường hợp thực tế về việc cung cấp điện, nước. Đại biểu cũng góp ý vào câu từ, nội dung của dự thảo Nghị quyết,... Tất cả các ý kiến của đại biểu đều được tổ soạn thảo ghi nhận, tổng hợp để phục vụ công tác soạn thảo Nghị quyết.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cac-truong-hop-ap-dung-bien-phap-yeu-cau-ngung-cung-cap-dien-nuoc-399043.html
Zalo