Hôm nay 25/10, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự; thảo luận 2 dự án Luật: Quy hoạch đô thị và nông thôn, Công chứng

Quốc hội nghe, thảo luận dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và họp riêng về công tác nhân sự…

Các đại biểu họp tại hội trường sáng 24/10.

Các đại biểu họp tại hội trường sáng 24/10.

Dự kiến, buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Sau đó, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; sau đó, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

* Về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, ngày 28/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo luật này. Trước nữa (26/6), các đại biểu cũng đã thảo luận tại tổ.

Dự án Luật trình Quốc hội gồm 6 Chương, 65 Điều, quy định về loại đô thị và cấp hành chính đô thị; về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch; nguyên tắc tuân thủ quy hoạch; quy định về thời hạn quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; về quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung huyện; quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch...

Mục đích xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Đồng thời thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập.

Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu quan tâm đến vấn đề thời kỳ, thời hạn quy hoạch. Các ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có các giải pháp quy định phù hợp hơn về thời kỳ quy hoạch, điều chỉnh thời hạn quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong hiện hành.

* Về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 8/2024 và được tiếp thu, hoàn chỉnh trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có 79 điều, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 72 điều; giữ nguyên 6 điều; bổ sung 1 điều 36a; vì vậy, số lượng điều tăng lên 1 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.

Về cơ bản, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý đối với 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: Công chứng bản dịch; Nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên; Công chứng điện tử; Cơ sở dữ liệu công chứng; Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.

Bên cạnh đó, cũng còn 2 nhóm vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau: Thứ nhất, về các loại giao dịch phải công chứng, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.

Thứ hai, về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Một số ý kiến đề nghị các phương án như sau: (1) Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; (2) doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.

Đối với quy định về các loại giao dịch phải công chứng, nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật như dự thảo Luật Chính phủ trình. Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch, đề nghị quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp quy định pháp luật hiện hành để xây dựng dữ liệu về các giao dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật và thường xuyên rà soát, cập nhật, công bố dữ liệu đảm bảo chính xác, đầy đủ.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng công chứng điện tử là vấn đề mới, cũng cần cân nhắc về phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử, lộ trình thực hiện… để bảo đảm tính ổn định và khả thi.

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hom-nay-2510-quoc-hoi-hop-rieng-ve-cong-tac-nhan-su-thao-luan-2-du-an-luat-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-cong-chung-291289.html
Zalo