Các quyết định lãi suất cuối năm 2024 mang dấu ấn của sự chia rẽ

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục hạ lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2024, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đều giữ nguyên lãi suất.

Đồng yen của Nhật Bản và đồng đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng yen của Nhật Bản và đồng đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, cả ba quyết định này đều không tránh khỏi những tranh cãi tại thời điểm quan trọng đối với chính sách tiền tệ.

Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay. Nhưng Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Beth Hammack, đã bỏ phiếu phản đối việc cắt giảm lãi suất, vì cho rằng lãi suất nên được giữ ổn định cho đến khi có thêm tiến triển trong việc hạ nhiệt lạm phát. Theo bà Hammack, lãi suất đang gần mức trung lập và nên được duy trì ở mức đủ cao để hạn chế phần nào hoạt động kinh tế "trong một thời gian".

Mặc dù bà Hammack đã bỏ phiếu phản đối việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vừa qua, nhưng quan điểm của bà không khác biệt nhiều so với phần lớn các thành viên còn lại. Ngay cả khi đã giảm lãi suất, Fed vẫn báo hiệu rằng tốc độ giảm nới lỏng tiền tệ có thể sẽ chậm hơn nhiều trong năm tới. Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed sẽ chỉ tiếp tục hạ lãi suất khi có các số liệu cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt hơn nữa.

Lạm phát, được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo ưa thích của Fed, đã tăng ở mức 2,4% trong tháng 11/2024, đánh dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, cuộc họp mới đây của BoE dù đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng đã phần nào cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng này. Sự chia rẽ này phản ánh sự bất đồng của các quan chức BoE về triển vọng kinh tế và lạm phát. Các thành viên ủng hộ hạ lãi suất đã bày tỏ lo ngại về tác động của suy thoái kinh tế lên lạm phát và nhấn mạnh các dấu hiệu cho thấy thị trường lao động suy yếu. Trong khi đó, những thành viên khác ủng hộ cách tiếp cận dần dần để cân bằng giữa sự suy yếu của nền kinh tế và áp lực lạm phát. BoE đang phải đối mặt với tình huống khó khăn khi vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải tránh làm suy yếu thêm nền kinh tế.

BoJ cũng quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng không đưa ra nhiều dấu hiệu rõ ràng về các bước tiếp theo. Dù một thành viên đề xuất tăng lãi suất do lo ngại rủi ro lạm phát gia tăng, nhưng đề xuất này đã bị bác bỏ. Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết ngân hàng này muốn chờ đợi thêm số liệu và chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. BoJ vẫn giữ quan điểm sẽ tăng lãi suất nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến đúng như dự báo, nhưng thời điểm cụ thể vẫn chưa rõ ràng.

Nhìn chung, năm 2024 khép lại với những dấu ấn của sự bất đồng và không chắc chắn trong chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự bất đồng này có thể sẽ tiếp tục chi phối chính sách tiền tệ trong năm tới.

Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/cac-quyet-dinh-lai-suat-cuoi-nam-2024-mang-dau-an-cua-su-chia-re-20241224102309313.htm
Zalo