Tỷ lệ phá sản doanh nghiệp Mỹ trong năm 2024 đạt mức kỷ lục
Tỷ lệ phá sản của các công ty Mỹ năm 2024 đã đạt mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, do lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence, ít nhất 686 công ty Mỹ đã nộp đơn xin phá sản trong năm 2024, tăng khoảng 8% so với năm 2023 và là mức cao nhất kể từ năm 2010.
Chưa hết, theo Fitch Ratings, năm vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng các công ty áp dụng các biện pháp ngoài tòa án, như tái cấu trúc nợ và đàm phán với chủ nợ để tránh phá sản. Số vụ này tăng gần gấp đôi so với số lượng phá sản thực tế. Điều này dẫn đến khó khăn cho các chủ nợ ưu tiên của những công ty có tổng nợ ít nhất 100 triệu USD trong việc thu hồi nợ, khiến tỷ lệ thu hồi nợ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Sự sụp đổ của nhà bán lẻ đồ dùng tiệc Party City được xem là minh chứng điển hình cho các vụ phá sản doanh nghiệp trong năm qua. Cuối tháng 12, Party City nộp đơn xin phá sản lần thứ hai trong nhiều năm, sau khi đệ đơn theo Chương 11 vào tháng 10/2023. Công ty này đã tuyên bố đóng cửa 700 cửa hàng trên toàn quốc do đối mặt với nhiều áp lực, từ gia tăng chi phí do lạm phát đến suy giảm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Ngoài ra, một số vụ phá sản lớn khác trong năm 2024 bao gồm nhà sản xuất thực phẩm Tupperware, chuỗi nhà hàng Red Lobster, Spirit Airlines và nhà bán lẻ mỹ phẩm Avon Products.
Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại EY, nhận định: "Chi phí hàng hóa và dịch vụ liên tục tăng cao đang ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng. Những thách thức này đang gây áp lực đáng kể đến các gia đình thu nhập thấp, ngay cả những gia đình trung bình và thu nhập cao hơn cũng phải e ngại".
Áp lực đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã phần nào giảm bớt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức Fed cho biết họ dự kiến chỉ giảm thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025.
Peter Tchir, Trưởng bộ phận Chiến lược Vĩ mô tại Academy Securities, nhận định rằng dù số vụ phá sản và khó khăn tài chính của các doanh nghiệp đang gia tăng, vẫn có những yếu tố làm giảm nhẹ tác động từ tình hình này.
Một trong những yếu tố quan trọng là mức chênh lệch giữa lãi suất vay của các doanh nghiệp có rủi ro cao và lãi suất vay của Chính phủ hiện đang ở mức tương đối thấp. Điều này giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn, qua đó giảm bớt áp lực trong việc thanh toán nợ, dù bối cảnh tài chính tổng thể vẫn còn nhiều thách thức.
Trong hai năm 2021 và 2022, Mỹ chỉ ghi nhận 777 vụ phá sản, nhờ chi phí vay vốn thấp đáng kể từ chính sách cắt giảm lãi suất của Fed.
Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 636 vụ trong năm 2023 và tiếp tục gia tăng vào năm ngoái, dù lãi suất bắt đầu giảm vào cuối năm 2024. Theo dữ liệu từ S&P, ít nhất 30 công ty nộp đơn phá sản trong năm 2024 có tổng số nợ đạt ít nhất 1 tỷ USD.
Lịch sử cho thấy, số vụ phá sản của các công ty thường tương quan với số lượng công ty áp dụng các biện pháp ngoài tòa án nhằm giảm thiểu nguy cơ phá sản.
Joshua Clark, giám đốc cấp cao tại Fitch Ratings, cho biết xu hướng các công ty Mỹ áp dụng những biện pháp giải quyết nợ ngoài tòa án để tránh rủi ro phá sản đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tới.
Những biện pháp này thường được coi là giải pháp cuối cùng khi các công ty cố gắng tránh việc phải nộp đơn phá sản tại tòa án. Tuy nhiên, nếu không thể khắc phục được các vấn đề trong hoạt động kinh doanh, các công ty vẫn có nguy cơ phải phá sản.
Ông Joshua Clark nhận định mặc dù các doanh nghiệp có thể cải thiện tình hình tài chính, nếu lợi nhuận tăng hoặc lãi suất vay giảm, các biện pháp quản lý nợ này vẫn có thể gây tổn thất cho các chủ nợ. Nguyên nhân là các công ty thường vay thêm nợ mới để trả các khoản nợ cũ, từ đó làm tăng thêm gánh nặng nợ mà các chủ nợ phải gánh chịu.