Các phiên bản của ngày lễ tình nhân ở châu Á

Mỗi nền văn hóa ở châu Á đều có phiên bản riêng về ngày lễ Tình nhân với các phong tục đặc sắc...

Ngày Valentine (14/2) hay ngày lễ Tình nhân bắt nguồn từ phương Tây. (Nguồn: Reuters)

Ngày Valentine (14/2) hay ngày lễ Tình nhân bắt nguồn từ phương Tây. (Nguồn: Reuters)

Việt Nam

Ở Việt Nam, ngày Valentine tuy mới du nhập và phổ biến vào khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhưng cũng đã nhanh chóng được giới trẻ đón nhận và hưởng ứng.

Vào những ngày này, nhiều cặp đôi thường luôn thể hiện tình cảm với nhau bằng những món quà ngọt ngào và ý nghĩa. Các cửa hàng hoa và quà tặng ở một số thành phố lớn trở nên nhộn nhịp bởi có nhiều người đi lựa chọn mua hoa và quà tặng cho người thương của mình.

Đông đảo bạn trẻ, du khách đã đến cầu tình yêu để cài khóa và hẹn hò trong ngày lễ Tình nhân 14/2. (Nguồn: Tiền phong)

Đông đảo bạn trẻ, du khách đã đến cầu tình yêu để cài khóa và hẹn hò trong ngày lễ Tình nhân 14/2. (Nguồn: Tiền phong)

Một số bạn trẻ có xu hướng thể hiện tình cảm với người thương bằng cách chuẩn bị những món quà đặc biệt, độc đáo để tặng cho “nửa kia” của mình.

Không chỉ có thế, ngày Valentine còn được coi là dịp để các bạn trẻ tỏ tình, cầu hôn, hay thậm chí là kết hôn. Nhiều cặp đôi chọn ngày Valentine làm ngày kỷ niệm của mình.

Trung Quốc

Đối với người dân Trung Quốc, thời gian này là tuần lễ kỷ niệm kép vì lần đầu tiên kể từ năm 2022, Ngày Valentine (14/2) và Tết Nguyên tiêu (12/2) diễn ra trong cùng một tuần.

Tết Nguyên tiêu, diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng (15/1) âm lịch, đánh dấu ngày trăng tròn đầu tiên của năm.

Đây là thời gian để gia đình, bạn bè và các cặp đôi tụ họp, sum vầy. Vào dịp này họ sẽ cũng nhau thưởng thức bánh trôi, ngắm đèn lồng và ngắm trăng.

Màn tỏ tình chiếu lên màn hình lớn trong ngày lễ Tình nhân. (Nguồn: SCMP)

Màn tỏ tình chiếu lên màn hình lớn trong ngày lễ Tình nhân. (Nguồn: SCMP)

Ngoài Tết Nguyên tiêu, văn hóa Trung Hoa đương đại còn có hai lễ hội khác dành riêng cho tình yêu lãng mạn.

Ngày đầu tiên là ngày 20/5, vì các số 5, 2 và 0 có cách phát âm giống với “wo ai ni”, có nghĩa là “Anh yêu em” trong tiếng Quan Thoại.

Với ý nghĩa tốt đẹp về cách phát âm số 520 mang lại, ngày 20/5 luôn được các bạn trẻ Trung Quốc trông chờ mỗi năm. Cũng nhân dịp này rất nhiều cặp đôi tổ chức các sự kiện ý nghĩa của mình như tặng hoa, tặng quà. chụp ảnh cưới, làm lễ kỉ niệm ngày cưới…. Một ngày lễ tình nhân khác mang tính lịch sử hơn ở Trung Quốc là lễ Thất Tịch, diễn ra vào ngày thứ 7/7 âm lịch. Năm nay, lễ Thất Tịch rơi vào ngày 29/8.

Lễ Thất Tịch có nguồn gốc từ thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên), là ngày mà Ngưu Lang và Chức Nữ, hai ngôi sao tình nhân bị chia cắt bởi Dải Ngân Hà, được gặp nhau một lần trong năm nhờ sự giúp đỡ của đàn chim ô thước.

Lễ Thất Tịch mang ý nghĩa về tình yêu chung thủy, sự đoàn tụ và hy vọng trong tình cảm đôi lứa.

Chính vì thế, theo truyền thống vào ngày này, các cặp đôi ở Trung Quốc thường thả đèn lồng giấy và cầu nguyện trên cây. Đây cũng là thời điểm tốt để tổ chức đám cưới, đăng ký kết hôn.

Và tương tự như ngày Valentine (14/2), ngày 20/5 và lễ Thất Tịch cũng là một dịp đặc biệt để các cặp đôi tranh thủ thể hiện tình cảm và những ai vẫn “FA” sẽ lấy hết can đảm để thổ lộ người thầm thương trộm nhớ của mình.

Nhật Bản

Đồ trang trí hình trái tim tại một cửa hàng bách hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Tặng sôcôla vào ngày lễ Tình nhân đã trở thành một truyền thống của người Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Đồ trang trí hình trái tim tại một cửa hàng bách hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Tặng sôcôla vào ngày lễ Tình nhân đã trở thành một truyền thống của người Nhật Bản. (Nguồn: AFP)

Ngày Valentine “du nhập” vào Nhật Bản vào những năm 1930 bởi một thương hiệu bánh kẹo do người Nga sáng lập đặt trụ sở tại Kobe.

Vào dịp Valentine, thương hiệu bánh kẹo này luôn “tung” ra các loại sô cô la trong bao bì hình trái tim, bán cho người nước ngoài tại Nhật Bản như một biểu tượng của tình yêu.

Đến những năm 1950, hoạt động này trở nên phổ biến hơn khi các nhà sản xuất sô cô la khác bắt đầu chú ý và đẩy mạnh tiêu thụ trong dịp này.

Không chỉ dừng lại với ngày Valentine, từ “sự tích” năm 1965, một cô gái đã tặng quà tỏ tình với một chàng trai bán kẹo dẻo vào ngày 14/2. Để đáp lại tình cảm này, đúng một tháng sau chàng trai làm một loại kẹo trắng như tuyết tặng lại cho cô gái, từ đó ngày Valentine Trắng 14/3 “ra đời” tại Nhật.

Ngày Valentine Trắng lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1978 ở Nhật Bản, được khởi xướng bởi Hiệp hội công nghiệp bánh kẹo quốc gia và dần dần lan rộng ra trên toàn thế giới.

Hàn Quốc

Vào Valentine Đen ở Hàn Quốc, những người độc thân sẽ mặc đồ đen và ăn mì với nước sốt tương đen. (Nguồn: Shutterstock)

Vào Valentine Đen ở Hàn Quốc, những người độc thân sẽ mặc đồ đen và ăn mì với nước sốt tương đen. (Nguồn: Shutterstock)

Chịu ảnh hưởng từ người hàng xóm Đông Bắc Á, Hàn Quốc cũng có phong tục tặng sô cô la vào ngày 14/2 và ngày 14/3 giống như Nhật Bản, nhưng nước này cũng tự sáng tạo Ngày Valentine Đen (Black Day) dành cho những người độc thân.

Theo đó, sau ngày lễ Tình nhân và “Ngày Valentine Trắng”, ngày 14/4 các bạn trẻ đang còn độc thân hoặc tôn thờ chủ nghĩa độc thân sẽ tụ họp lại với nhau cùng vui chơi, ăn uống.

Vào ngày này, họ sẽ mặc trang phục đen toàn tập và ăn jajangmyeon (mì tương đen) để phản đối những “màn thể hiện tình cảm” nơi công cộng mà họ buộc phải chứng kiến trong hai tháng trước.

Philippines

Bóng bay hình trái tim được rao bán cho ngày lễ Tình nhân tại một chợ hoa ở Manila, Philippines. (Nguồn:

Bóng bay hình trái tim được rao bán cho ngày lễ Tình nhân tại một chợ hoa ở Manila, Philippines. (Nguồn:

Một đám cưới tập thể được tổ chức ở Philippines trong ngày 14/2. (Nguồn: AFP)

Một đám cưới tập thể được tổ chức ở Philippines trong ngày 14/2. (Nguồn: AFP)

Philippines là một trong những quốc gia coi trọng ngày lễ Tình nhân. Hàng năm vào ngày 14/2, chính quyền địa phương và các nhóm từ thiện sẽ tài trợ cho đám cưới tập thể của hàng trăm cặp đôi trên khắp cả nước.

Đối với những cặp đôi không đủ khả năng chi trả cho một đám cưới, những đám cưới tập thể này là một dịch vụ công đóng vai trò như lễ kỷ niệm tình yêu giản dị, ấm áp.

Mỗi nền văn hóa đều có hoạt động riêng trong ngày lễ tình nhân. Nhưng có một điểm chung, với mọi người, ngày lễ này không chỉ đơn thuần là ngày để các cặp tình nhân bày tỏ tình yêu, sự lãng mạn với nhau theo những cách thật khác biệt. Đây còn là dịp để tất cả mọi người tận hưởng, trao yêu thương cho chính mình và những người thân yêu.

(theo SCMP)

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-phien-ban-cua-ngay-le-tinh-nhan-o-chau-a-304315.html
Zalo